Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà lần thứ 2 dự kiến tổ chức vào tháng 11 năm 2019.
Xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) sẽ cho ra mắt sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với việc bảo tồn và phát huy nguồn lợi từ cây bưởi tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm và thưởng thức nét văn hóa, ẩm thực độc đáo ở vùng bưởi tiến Vua.
Lãnh đạo xã Đại Minh khảo sát mô hình trồng bưởi. Ảnh Báo Yên Bái
Theo đồng chí Phạm Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh, sở dĩ xã được chọn triển khai mô hình du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy nguồn lợi từ cây bưởi bởi Đại Minh đã được xem là "vườn bưởi lớn nhất tỉnh Yên Bái". Từ xa xưa, giống bưởi Đại Minh được mệnh danh là quả "tiến Vua" nổi tiếng khắp vùng nhờ mỗi quả bưởi chín đều có vị thơm, múi căng mọng, phần tôm và vỏ múi bưởi khi bóc ra rất dóc, ăn có vị ngọt thanh...
Thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh cũng là vùng đất tổ của giống bưởi Đại Minh, hiện còn nhiều cây bưởi hàng trăm năm tuổi vẫn sinh trưởng khỏe mạnh và cho quả đều đặn. Đặc biệt, kể từ năm 2010, khi Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh, trong đó có kỹ thuật bón tổng hợp cân đối các loại phân và phương pháp thụ phấn chéo cho cây bưởi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng bưởi Đại Minh.
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Bưởi Đại Minh” đã càng khẳng định bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng thị trường khắp các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng...
Nhờ vậy, đến nay, xã Đại Minh đã có nhiều mô hình trồng bưởi, vườn bưởi cổ thụ, vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô diện tích lớn, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi theo hướng VietGap, sản phẩm hữu cơ... được hình thành. Hiện, toàn xã có trên 980 hộ dân thì có trên 80% số hộ trồng bưởi, tổng diện tích trên 270 ha, doanh thu mỗi năm đạt gần 50 tỷ đồng.
Hướng tới Lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà lần thứ 2 năm 2019, huyện Yên Bình đã chỉ đạo xã Đại Minh khảo sát, vận động và hỗ trợ một số hộ gia đình có vườn bưởi tiêu biểu, thuận tiện việc lưu thông và đảm bảo nhu cầu lưu trú cho du khách để triển khai sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với bảo tồn và phát huy lợi thế từ cây bưởi. Đây sẽ là hình thức du lịch tương đồng với du lịch miệt vườn đang phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh phấn khởi cho biết thêm: "Qua khảo sát 5 hộ gia đình trồng bưởi lâu năm trên địa bàn, gồm gia đình ông: Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân; Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Đông, Trần Đăng Khoa ở thôn Khả Linh, tất cả đều đồng tình thực hiện sản phẩm du lịch nông nghiệp".
Lào Cai: Phát triển nuôi cá nước lạnh theo chuẩn VietGAP
Là tỉnh miền núi nhưng Lào Cai có nhiều thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các đối tượng cá nước lạnh. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc biệt là nguồn nước lạnh phong phú, nhiều huyện trong tỉnh đã phát triển nghề nuôi cá nước lạnh như Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có hơn 50.000 m3 bồn bể và sản lượng đạt hơn 500 tấn/năm. Đối tượng được nuôi chủ yếu là cá hồi vân và cá tầm, phần lớn sản lượng phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Nuôi cá nước lạnh mang lại thu nhập cao cho người dân tại xã Tả Phìn (Sa Pa). Ảnh: Báo Lào Cai.
Lào Cai hiện có gần 100 cơ sở nuôi cá nước lạnh, có 20 cơ sở nuôi quy mô lớn đã đăng ký cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cũng thực hiện cam kết an toàn thực phẩm với chính quyền cấp xã. Toàn tỉnh có 9 cơ sở nuôi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều cơ sở đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được chứng nhận.
Sa Pa là một trong những huyện có thế mạnh về phát triển nghề nuôi cá nước lạnh với hơn 30.000 m3 bồn bể. Sa Pa cũng là địa phương có sản lượng cá nước lạnh lớn nhất tỉnh, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 380 tấn cá thương phẩm, chiếm 76% tổng sản lượng. Là điểm du lịch nhiều người biết tới, đặc sản cá hồi, cá tầm cũng là một trong những điểm nhấn độc đáo thu hút du khách đến với địa phương này. Việc phát triển nuôi cá nước lạnh theo chuẩn VietGAP đã góp phần không nhỏ trong việc giải đáp những băn khoăn của người tiêu dùng khi thưởng thức sản phẩm đặc sản này.
Cơ sở nuôi cá nước lạnh Hương Thịnh (thôn Giàng Tra, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa) là một trong những cơ sở đầu tiên nuôi cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Cường Thịnh, đại diện của cơ sở này cho biết: Nuôi cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP, cơ sở theo dõi, giám sát về hàm lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm... sử dụng trong khi nuôi. Sản phẩm phải đảm bảo an toàn, không có dư lượng, chất cấm. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn sẽ góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của cá nước lạnh Sa Pa, giúp cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.
Ngoài Sa Pa, các huyện như Bắc Hà, Bát Xát cũng đang tích cực tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc thực hiện theo tiêu chuẩn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất liên quan đến việc sử dụng thuốc và hóa chất xử lý môi trường của các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Trong thời gian tới, thể tích nuôi cá nước lạnh cũng như nhu cầu về các sản phẩm từ cá nước lạnh sẽ tiếp tục tăng, các ngành chuyên môn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương quản lý chặt số hộ, cơ sở nuôi cá nước lạnh, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được người dân đặc biệt quan tâm như hiện nay thì sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng là xu thế tất yếu. Đối với nghề nuôi cá nước lạnh, các cơ sở cần đẩy mạnh việc sản xuất theo quy chuẩn VietGAP để tạo sản phẩm an toàn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, yêu cầu ngày càng cao của thị trường để hướng tới phát triển thủy sản bền vững.
Kim Bôi hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2019
Cũng như các địa bàn khác trong huyện Kim Bôi, đến nay, xã Cuối Hạ đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch trồng mới rừng tập trung năm 2019. Ảnh: Báo Hòa Bình
Đến nay, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2019 với tổng diện tích rừng trồng tập trung của toàn huyện khoảng 800 ha, đạt 100% kế hoạch. So với các địa phương trong tỉnh, huyện Kim Bôi có diện tích rừng trồng mới năm 2019 cao thứ 4, sau các huyện Lạc Sơn (905 ha), Đà Bắc (900 ha), Lạc Thủy (850 ha).
Sau khi hoàn thành kế hoạch trồng mới rừng tập trung, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Trong 9 tháng năm nay đã phát hiện và xử lý 3 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích gần 4ha.
Nuôi ong rừng lấy mật thu nhập cao ở Nậm Lầu
Người dân bản Biên, xã Nậm Lầu (Thuận Châu) nuôi ong rừng lấy mật. Ảnh: Báo Sơn La.
Xã Nậm Lầu (Thuận Châu, Sơn La) được biết đến với nhiều loại sản vật đặc trưng, trong đó có mật ong rừng. Trước đây, bà con chủ yếu khai thác lấy mật những tổ ong trên rừng sâu, nhưng từ nhiều năm nay, ong rừng đã được bà con thuần hóa mang về nuôi để tăng thu nhập.
Xã Nậm Lầu có diện tích tự nhiên hơn 15.500 ha, trong đó gần 6.400 ha rừng, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhiều gia đình đã khai thác lợi thế, tăng đàn, mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Nuôi ong rừng không phải đầu tư nhiều, thùng ong chủ yếu được làm từ những thân cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm, cắt 60-70 cm, khoét rỗng và bịt chặt hai đầu; khi thu hoạch mở một đầu, bán cả mật và sáp rồi vệ sinh sạch sẽ thùng, đàn ong sẽ tiếp tục làm lại sáp mới.
Những năm gần đây, nhằm giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi ong theo hướng bền vững, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật thu hoạch chế biến, bảo quản sản phẩm mật ong, sáp ong. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích bà con đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tiêu biểu ở trong và ngoài huyện.
Nếu như trước đây, người dân nuôi ong chỉ nuôi nhỏ lẻ, các thùng ong chủ yếu đặt ở nhà, thì bây giờ người dân đã phát triển nuôi ong theo hướng hàng hóa, biết cách tách đàn để nhân rộng và đặt thùng ong ở trong rừng, vách đá, trên nương cà phê. Nhờ đó, số lượng đàn ong ngày càng tăng lên, hiện nay, toàn xã có hơn 400 hộ nuôi ong rừng lấy mật với tổng số hơn 4.300 đàn, tập trung ở các bản: Nà Kẹ, Huổi Kép, Xa Hòn, Biên, Lọng Lầu.
Ông Lò Văn Dương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Phong trào nuôi ong trên địa bàn xã đã và đang phát triển mạnh nhờ khai thác tốt diện tích rừng, cây công nghiệp. Tuy nhiên, để nghề nuôi ong phát triển bền vững, ổn định, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi ong đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Đến thăm gia đình ông Cà Văn Pâng, một trong những hộ nuôi ong rừng lâu năm nhất ở bản Biên. Ông Pâng cho biết: Hiện, gia đình tôi có 100 đàn ong, mỗi năm cho thu mật 2 lần, trung bình mỗi đàn thu từ 10 - 15 kg mật, với giá bán 140 nghìn/kg, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nuôi ong rừng tự nhiên không khó, nhưng cần có sự chăm sóc tỷ mỉ, kiên trì, theo dõi thường xuyên, đặc biệt là phải hiểu được tập tính tự nhiên để chăm sóc thì đàn ong mới không bỏ tổ.
Nuôi ong rừng tự nhiên ở xã Nậm Lầu ngoài lợi ích kinh tế, tạo việc làm và còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp thụ phấn cho các loại cây trồng làm tăng năng suất, chất lượng mùa màng và góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.