Từ nay đến năm 2025, huyện Mường Khương (Lào Cai) phấn đấu phát triển được 500 ha cây hồi, thực hiện tại 3 xã: Tả Ngải Chồ, Pha Long, Tung Chung Phố.
Người dân Mường Khương trồng cây hồi trong dịp trồng cây đầu xuân 2021. Ảnh: Báo Lào Cai
Các diện tích sẽ thực hiện gồm 350 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp và 150 ha đất chuyển đổi từ nương trồng ngô năng suất thấp sang trồng hồi.
Sau gần 3 năm trồng thử nghiệm tại huyện Mường Khương, hiện cây hồi đang phát triển tốt không bị sâu bệnh. Huyện Mường Khương mong muốn phát triển cây hồi có thể giúp nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo bền vũng và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để thực hiện, huyện sẽ tổ chức các lớp tham quan tại các tỉnh có diện tích hồi lớn, phát triển như tại Lạng Sơn, Cao Bằng… để người dân có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm và triển khai trồng hồi tại địa phương. Đặc biệt, huyện khuyến khích, thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã trồng và tiêu thụ hồi, đồng thời, thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, đảm bảo nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho cây hồi khi trồng với quy mô lớn.
Cây hồi là cây lâm nghiệp, ngoài chức năng phòng hộ còn cho thu hái hoa phục vụ ẩm thực và chiết xuất tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ kinh doanh dài. Cây hồi đến năm thứ 6 sẽ bắt đầu cho ra hoa, một năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 8 với năng suất 50 – 80 kg/cây (đối với cây 10 năm tuổi trở lên). Giá hoa hồi năm 2020 là 60 nghìn đồng/kg.
Phát triển khoai sọ nương hàng hóa ở Trạm Tấu
Sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mở ra hướng đi mới cho người trồng khoai sọ. Ảnh: Báo Yên Bái
Nông dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) rất vui mừng khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm khoai sọ nương, mở ra hướng đi mới cho đồng bào vùng cao phát triển kinh tế.
Năm nay, anh Hờ A Trăng ở bản Tà Chử, xã Bản Công mua được xe máy, nhiều vật dụng khác có giá trị, tất cả là nhờ phần lớn nguồn thu nhập từ khoai sọ. "Từ năm 2019, hơn 3.000 m2 đất lúa nương kém hiệu quả, tôi chuyển sang trồng khoai sọ. So với trồng lúa thì trồng khoai sọ cho năng suất cao gấp 3 - 4 lần và mỗi vụ, gia đình tôi thu về hơn 12 triệu đồng từ trồng khoai sọ” - anh Trăng cho biết.
Với gia đình anh Vàng A Sáy ở bản Tà Xùa, anh đã chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng khoai sọ. Theo anh Sáy, giống khoai sọ bản địa rất dễ trồng, hợp với thổ nhưỡng vùng cao lại không phải bỏ nhiều công chăm sóc, sản phẩm dễ bán.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng đất đai, những năm qua, xã Bản Công đã tuyên truyền, vận động và khuyến khích đồng bào chuyển đổi đất trồng lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng khoai sọ mang lại quả kinh tế cao.
Ông Chớ A Páo - Bí thư Đảng ủy xã Bản Công cho biết: "Toàn xã trồng được 5 ha khoai sọ nương. Từ hiệu quả mà giống khoai này đem lại, năm 2021 xã tiếp tục trồng thêm 15 ha”.
Ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Khoai sọ Trạm Tấu được trồng trên nương, thời gian trồng từ giữa tháng 3 và cho thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11. Đây là giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, da trắng, ăn dẻo, đậm thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao; quá trình trồng, chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, đây là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô và các cây trồng khác, nên trong năm 2020 toàn huyện đã trồng mới được 80 ha ở 10 xã, sản lượng đạt trên 1.000 tấn”.
Theo cách tính của người trồng khoai sọ thì giá bán 1 kg hiện nay dao động từ 17.000 - 20.000 đồng, năng suất đạt từ 9 - 11 tấn/ha, trừ chi phí ban đầu, mỗi héc - ta khoai sọ đem về cho họ trên 50 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích.
Lợi ích kép từ cây thảo quả
Những năm gần đây, người dân ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) tích cực trồng xen ghép cây thảo quả dưới tán rừng, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Người dân bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng (Bắc Yên) thu hoạch thảo quả. Ảnh: báo Sơn La
Hang Chú là một trong những xã có diện tích cây thảo quả lớn nhất ở huyện Bắc Yên. Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, diện tích rừng còn khá lớn, cây thảo quả đang phát triển mạnh, trở thành một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo ở Hang Chú. Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã hiện có gần 320 ha thảo quả, trong đó hơn 120 ha đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch quả năm 2020, sản lượng đạt gần 315 tấn, đem lại nguồn thu hơn 7,8 tỷ đồng cho bà con.
Cùng với xã Hang Chú, cây thảo quả đang được mở rộng diện tích tại các xã: Háng Đồng, Hua Nhàn, Xím Vàng... Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của bà con đang ngày một khấm khá. Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Cây thảo quả ưa sống dưới tán rừng, khả năng sinh trưởng tốt, không phải chăm sóc nhiều, trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư. Thông qua việc hưởng lợi từ cây thảo quả còn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên cho biết: Huyện Bắc Yên đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả; mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng; hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng mà không được phát quang các cây mọc dưới tán rừng, không được đốt các cây thảo mộc dưới tán rừng, không làm mất đi sự đa dạng sinh học của các loài cây, cỏ mọc dưới tán rừng.
Đến nay, toàn huyện có gần 500 ha cây thảo quả, trong đó có hơn 150 ha đã cho thu hoạch. Nhờ thị trường tiêu thụ lớn, được các thương lái tìm đến thu mua nhiều, đầu ra ổn định nên thảo quả đã được chọn làm cây mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của các xã vùng cao tại Bắc Yên.
Bắc Quang thiệt hại hơn 2.700 tấn cam Sành
Nông dân thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành xót xa trước cảnh cam Sành rụng hàng loạt. Ảnh: Báo Hà Giang
Từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều diện tích cam Sành trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) bị rụng quả, khiến các nhà vườn thiệt hại hơn 2.700 tấn cam Sành. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại 4 xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Thượng Bình và thị trấn Việt Quang với gần 940 ha bị ảnh hưởng/477 hộ dân bị thiệt hại.
Nguyên nhân được nhận định là do thời gian qua, trên địa bàn huyện Bắc Quang có mưa kéo dài, kèm theo sương muối; thời tiết thay đổi đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, gây nấm mốc, dẫn đến thối và rụng quả với số lượng lớn. Hơn nữa, sang Xuân, thời tiết ấm lên, chu kỳ xuân hóa của cây bắt đầu, vì vậy, cây cam tự điều chỉnh sinh lý để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới, dẫn tới hiện tượng rụng quả. Cùng với đó, do ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến sức mua giảm nên diện tích cam chưa thu hoạch còn tương đối lớn…
Trước thực tế trên, Thường trực UBND huyện Bắc Quang đã chủ trì buổi họp với các cơ quan, đơn vị bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam Sành và khắc phục tình trạng cam rụng. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp quan trọng, như: Rà soát toàn bộ diện tích cam trồng không đúng quy hoạch và mục đích sử dụng đất. Đồng thời, đánh giá lại diện tích, năng suất, sản lượng cam Sành giai đoạn 2010 – 2015 (thời điểm cung phù hợp với cầu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân) để tính toán diện tích cam phù hợp với từng xã, thị trấn…
Hiện nay, huyện Bắc Quang có hơn 4,3 nghìn ha cam Sành, trong đó, gần 3,8 nghìn ha đang cho thu hoạch. Ước sản lượng cam Sành niên vụ 2020 – 2021 lên đến 41,6 nghìn tấn. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện mới tiêu thụ khoảng 13.000 tấn cam Sành (tương đương 31%); giá cam dao động từ 5 – 10 nghìn đồng/kg.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.