Hiện, trồng rau thương phẩm tại Lâm Đồng đang phát triển mạnh, nhiều người dân trở nên giàu có từ nghề.
Những năm gần đây, nghề trồng rau thương phẩm tại xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương (Lâm Đồng) phát triển mạnh. Nhiều nông nông hộ trở nên giàu có, việc làm ăn đã tiến lên hàng đối tác với các doanh nghiệp lớn.
Nông dân Lạc Lâm chủ động đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao
Nghề trồng rau ở xã Lạc Lâm hình thành từ hàng chục năm qua. Gần đây, người dân dần chuyển các mô hình truyền thống sang nhà kính công nghệ cao, và thực hành nông nghiệp một cách hiện đại.
Anh Nguyễn Văn Toản, người trồng rau ở đây chia sẻ, ngày trước trồng truyền thống, lợi nhuận 1, thì nay lợi nhuận 10, nhờ công nghệ nhà kính.
Ở địa phương, có những gia đình thu nhập 5-7 tỷ đồng mỗi năm, nhờ làm rau thủy canh. “Lợi nhuận cao nên người dân đầu tư và làm lớn. Bây giờ việc nông dân đi ô tô sang, xây nhà hàng tỷ là chuyện bình thường”, anh Toản thổ lộ.
Ông Trần Thanh Sơn không giấu nổi niềm vui, khi gia đình ông chẳng phải thấp thỏm lo âu trước điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Bởi toàn bộ nông sản của gia đình ông, và nhiều nông hộ khác, đều đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Trên diện tích 2 ha, bà Đinh Thị Nhu đã lắp đặt nhà kính, và trồng các loại cao cấp như: ớt chuông, dưa baby... Mỗi năm, thu về gần 2 tỷ đồng nhờ bán nông sản cho các doanh nghiệp.
Cạnh đó, anh Nguyễn Quốc Thắng cũng có nguồn thu nhập “khủng” từ mô hình rau sạch hướng hữu cơ, và ươm cây giống. “Tổng diện tích rau của gia đình khoảng 7,5 ha.
Trong đó, tôi dùng 2 ha để làm vườn ươm, còn lại trồng rau thương phẩm và xây dựng nhà kho. Mỗi tháng, thu về khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng”.
Anh Thắng còn cho biết thêm, nghề trồng rau ở địa phương phát triển mạnh, nên nhu cầu về giống cây lớn. Mỗi năm, gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 6-8 triệu cây con các loại.
Do nghề trồng rau thu nhập cao, nên nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nông trại. Những nông hộ có sẵn diện tích, và làm truyền thống, thì đang chuyển dần từ sản xuất rau cấp thấp, sang các dòng cao cấp, để hướng đến xuất khẩu. Ngoài ra, phong trào sản xuất nông sản sạch cũng đang được chú trọng phát triển.
Hiện, diện tích sản xuất của Lạc Lâm khoảng 1,7 nghìn ha. Trong đó, đất trồng rau cao cấp như hành tây, ớt tây, bắp cải, cà chua khoảng 612 ha; 1,1 nghìn ha còn lại là rau ngắn ngày: xà lách, hành lá, tần ô, cải thảo...
Dòng rau cao cấp đạt sản lượng 45 tấn/ha/năm, doanh thu khoảng 121 tỷ đồng. Sản lượng rau ngắn ngày, cấp thấp 25 tấn/ha/năm, tổng thu trên 84 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương có 15 vườn ươm phát triển mạnh, doanh thu 54 tỷ đồng/năm.
Ông Trương Quang Kiên, Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, cho biết: Ngoài canh tác rau, nhiều hộ dân còn thuê đất xâm canh ở những địa phương khác. Năm 2019, có khoảng 750 ha diện tích xâm canh, tổng thu nhập trên 56 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, tổng thu từ nông nghiệp của Lạc Lâm đạt 341,7 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người gần 67 triệu đồng/người/năm.
Địa phương đang xây dựng các mô hình nông nghiệp, phục vụ tham quan, du lịch. Hướng đến du lịch trải nghiệm, quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Thời gian tới, Lạc Lâm đẩy mạnh việc thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn để nông dân nâng cao nhận thức trong cải tạo đất, luân canh nhằm phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng.
Vận động người dân sản xuất nông sản, theo quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp, nhằm hình thành chuỗi giá trị nông sản.
Lâm Đồng: Đầu xuân, hối hả chống hạn cho cà phê
Sau gần 2 tháng nắng hạn, hàng chục ngàn ha cà phê tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc đang trong tình trạng thiếu nước nên rũ lá, khô bông.
Người dân các địa phương đang hối hả chống hạn cho cà phê
Vì vậy, đầu xuân Canh Tý 2020, đông đảo bà con các địa phương đang hối hả tận dụng nguồn nước tưới chống hạn cho cà phê.
Ghi nhận tại các địa phương có diện tích cà phê lớn như xã Lộc Ngãi, Lộc Thành, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Đức, Lộc Quảng và thị trấn Lộc Thắng… (huyện Bảo Lâm) hay các xã Tân Châu, Tân Thượng, Tân Nghĩa, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc… (huyện Di Linh) và Đam B’ri, Đại Lào, Lộc Nga (TP Bảo Lộc) thì tiếng máy nổ bơm nước râm ran khắp nơi.
Mặt khác, người dân đang ngày đêm thay nhau canh máy châm dầu, kéo ống tưới cho hàng chục ngàn ha cà phê. Tại xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) máy bơm liên tục hoạt động.
Riêng mương thủy lợi hồ Đắk Long Thượng (xã Lộc Ngãi) dài hơn 20 km, chính quyền địa phương phải chia lịch, cắt cử người trực, để điều tiết nước.
Song, do lượng máy bơm nước quá đông, liên tục, nên nhiều khu vực ở xã Lộc Ngãi, nước vẫn chưa về. Ông Nguyễn Thành Linh (ngụ thôn 8, lo lắng: “Địa phương lên lịch xả nước tưới cho cà phê trong 6 ngày. Nhưng do đầu nguồn bà con tưới quá nhiều, nên đến nay nước vẫn chưa thể về.
Hiện, hơn 100 hộ dân chúng tôi đang thay nhau túc trực, chờ nước chống hạn cho cà phê. Hy vọng, đêm nay nước sẽ về”.
Trong khi đó, nguồn nước ở ao hồ, các con suối tự nhiên và ao hồ tự đào, tại các địa phương vẫn đảm bảo nguồn nước, nên công tác tưới chống hạn của người dân khá thuận lợi.
Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, nguồn nước trên địa bàn vẫn đảm bảo tưới hơn 95% diện tích cà phê.
Để đối phó với nắng hạn, ngoài việc chủ động điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý, các công trình thủy lợi, hồ chứa, địa phương đang vận động người dân bỏ bớt cành cà phê, sử dụng lá cà phê phủ gốc để giữ ẩm cho cây.
Ở huyện Di Linh, theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, ngoài nguồn nước sông, suối và hồ thủy lợi tự nhiên, địa phương còn có gần 6.000 ao hồ nhỏ, do người dân tự đào, để chống hạn.
“Mặc dù đầu xuân mới, nhưng người dân đã chủ động và đồng loạt ra quân, tưới chống hạn cho cây trồng. Qua kiểm tra thực tế, về cơ bản nguồn nước vẫn đáp ứng đủ.
Thống kê sau 4 ngày (từ mùng 4 - 7 tết Canh Tý 2020), đã có gần 60% diện tích cà phê toàn huyện được tưới. Để đảm bảo nguồn nước lâu dài, địa phương đang điều tiết tích nước, và phân phối nguồn nước sông suối, hồ thủy lợi.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước. Đặc biệt, để đạt hiệu quả cao, địa phương đang vận động người dân lắp đặt hệ thống tưới tự động để tránh lãng phí nguồn nước” - ông Trần Nhật Thi cho biết.
Gia Lai: Chăm sóc cà phê sau thu hoạch cho năng suất cao
Ngay sau Tết Nguyên đán, bà con Gia Lai đã tập trung tưới nước đợt 1, kết hợp cắt tỉa cành, bón phân cho cà phê, để có một vụ mùa bội thu.
Gia Lai hiện có hơn 94.900 ha cà phê, trong đó có 80.763 ha đang trong chu kỳ kinh doanh, và hơn 14.100 ha kiến thiết cơ bản. Vào mùa khô, nông dân phải tưới nước, bón phân để cây đủ dưỡng chất ra hoa, nuôi quả.
Ông Trương Quốc Canh (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình có hơn 2 ha cà phê kinh doanh. Sau Tết, tôi tranh thủ tưới nước cho vườn cây khi mầm hoa đã phân hóa. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định đến năng suất niên vụ tới”.
Ông Canh đang tưới cho cà phê bằng béc phun, để tiết kiệm nước Ảnh: L.N
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Nghị (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cũng đang tất bật tưới nước đợt 1 cho vườn cà phê 2 ha.
Anh Nghị cho hay: Năm nay, nước tại các hồ xuống thấp hơn, so mọi năm nên anh tranh thủ tưới trước Tết được gần 1 ha, còn hơn 1 ha bắt đầu tưới từ mùng 4 Tết đến nay.
Việc tưới nước đợt 1 cho cà phê hết sức quan trọng, nếu không tưới kịp thời, những mầm hoa có thể bị khô, năng suất sẽ giảm. “Đối với cây cà phê, mỗi vụ phải tưới 3-4 đợt.
Trước đây, tôi thường tưới trực tiếp vào gốc nhưng giờ nguồn nước ngày càng ít, nên tôi tưới bằng béc phun mưa, để tiết kiệm nước”-anh Nghị chia sẻ.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, đầu năm 2020, nhiệt độ trên cả nước, có khả năng cao hơn so trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C.
Riêng Tây Nguyên, lượng mưa từ tháng 1 - 3 phổ biến ở mức thấp hơn so trung bình nhiều năm, khoảng 15-30%, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, khoảng 25-40%.
Vì vậy, nguy cơ thiếu nước, thậm chí hạn hán trong vụ Đông Xuân 2019-2020 có thể xảy ra.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia Grai-cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, huyện đã kiểm tra, đánh giá nguồn nước sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện.
Xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn hán, để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng.
Tận dụng mọi nguồn nước và có kế hoạch vận hành, điều tiết, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra việc tranh chấp nước tưới, giữa cây ngắn ngày, và dài ngày.
“Đến nay, người trồng cà phê đã tưới đợt 1 được hơn 50% diện tích. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn người dân chăm sóc cà phê. Qua kiểm tra cho thấy, lượng nước năm nay tại các ao, hồ, đập và suối thấp hơn so với cùng kỳ năm trước”-ông Hưng cho biết thêm.
Ngoài ra, các địa phương đã khuyến cáo, nông dân trồng cà phê thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, VietGAP để tiết kiệm nước.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Đak Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh. Cơ quan chuyên môn cũng đang hướng dẫn người dân chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch.
“Với đặc điểm của cây cà phê, sau mỗi vụ thu hoạch, phải cắt tỉa cành, tưới nước, và bón phân đúng thời điểm, để cây đạt năng suất cao. Do đó, cần tăng lượng phân bón, giúp cây đủ sức nuôi cành và quả.
Để đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu, người dân cần áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hợp lý, tránh thiếu nước cuối vụ”-ông Nguyễn Kim Anh chia sẻ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.