Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 9 năm 2022 | 23:39

Tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp như “nấm sau mưa”?

Nhằm từng bước nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai, ngành chức năng đã ban hành nhiều chỉ thị tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai... song vẫn có địa phương “thờ ơ” chậm xử lý.

Buộc trả lại hiện trạng đất
 
Thực hiện Chỉ thị 19, thời gian qua, xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời một số trường hợp vi phạm về đất đai, nhất là các hộ vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc, qua kiểm tra, xã phát hiện 9 trường hợp vi phạm ở các thôn Việt Thắng Làng, Việt Thắng Núi, Văn Sơn về: Xây dựng tường rào; quây tường rào thép gai chôn cọc bê tông trái phép... Xã đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức lực lượng tháo dỡ công trình vi phạm. Ví như năm ngoái hộ ông Lê Quý Ngọ, thôn Việt Thắng Làng xây dựng công trình phụ trái phép trên đất nông nghiệp. Xã cũng yêu cầu ông Ngọ tháo dỡ công trình trả lại hiện trạng đất, đến nay không tái phạm.
 
Xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm để xử lý, đồng thời phân công cán bộ chuyên môn mỗi ngày 2 lần trực tiếp kiểm tra thực địa, kể cả ngày nghỉ. Nhờ đó, hơn một năm qua, địa phương đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý gần 10 trường hợp vi phạm từ khi manh nha.
 
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, toàn huyện có 1.489 trường hợp vi phạm về đất đai với diện tích hơn 180 ha. Huyện đã phân loại, thiết lập hồ sơ để xử lý từng trường hợp; phấn đấu năm 2022 cơ bản xử lý xong các vi phạm liên quan đến đất đai. Riêng 93 trường hợp vi phạm phát sinh sau khi Chỉ thị ban hành, địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn cơ bản tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất.
bg.jpg
Hộ ông Nguyễn Văn Chung, xã Cao Xá (Tân Yên) tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp.
TP. Bắc Giang có hơn 1 nghìn trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 26 ha, chủ yếu là chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm; chuyển đất nông nghiệp, đất vườn sang đất ở. TP. Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm theo Chỉ thị số 19, thành lập Ban Chỉ đạo; kiện toàn tổ công tác kiểm tra đôn đốc xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Đến nay các phường, xã đã xử lý xong gần 800 trường hợp vi phạm; nhiều trường hợp đã khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình.
 
Được biết, trong tỉnh có một số địa phương đã tích cực xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm như: Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên và TP. Bắc Giang. Qua đó xử phạt 1.453 trường hợp với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.
 
Nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt
 
Được biết, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận 120-KL/TU về việc tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19. Theo đó, cấp ủy, chính quyền quán triệt thống nhất quan điểm công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện Chỉ thị.
 
Mọi trường hợp vi phạm về đất đai sau ngày Chỉ thị ban hành được coi là hành vi cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm; xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Mục tiêu năm 2021, toàn tỉnh xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị; năm 2022 cơ bản xử lý xong các vi phạm đã thống kê.
 
Mục tiêu là vậy song đến nay, tiến độ xử lý vi phạm về đất đai còn chậm, các địa phương chủ yếu vẫn dừng lại ở việc thống kê, rà soát số liệu, kết quả xử lý chưa cao.
 
Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 72,8 nghìn trường hợp vi phạm về đất đai, tổng diện tích hơn 10,6 nghìn ha, lỗi chủ yếu là: Tự ý chuyển đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây lâm nghiệp, đào ao, hồ nuôi trồng thủy sản… Trong đó, hàng chục nghìn trường hợp vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị chưa được xử lý. Lo ngại hơn, vi phạm phát sinh sau thời điểm ban hành Chỉ thị này tại một số nơi chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
 
Toàn tỉnh mới xử lý xong 202/559 trường hợp vi phạm sau thời điểm ban hành Chỉ thị, đạt tỷ lệ 36,6%. Ví như hộ ông Nguyễn Văn Chung, thôn Xuân Tân 1, xã Cao Xá (Tân Yên), năm 2020 tự ý xây nhà xưởng trái phép quy mô lớn trên đất lúa giáp ranh với đường giao thông nông thôn để tập kết nông sản như ớt, lạc…
 
Trước đó, huyện xử phạt ông Chung và buộc khắc phục hậu quả sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Thế nhưng đến nay, nhà xưởng vẫn chưa được tháo dỡ.
 
Nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền sở tại chưa thực sự quan tâm, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, dứt điểm, để tổ chức, cá nhân vi phạm nộp phạt xong vẫn tái diễn.
 
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác quản lý đất đai. Trong đó yêu cầu Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập tập trung đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19, Kết luận 120 của BTV Tỉnh ủy.
 
Cùng đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh thiết lập hồ sơ khởi tố một số vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai có tính chất hệ thống, dấu hiệu tội phạm để răn đe. Được biết, Đoàn Giám sát của BTV Tỉnh ủy đang tiếp tục giám sát chuyên đề về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đối với các địa phương.
 
Ông Lương Văn Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Sở đề nghị các huyện, TP xây dựng phương án, xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể; kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm song không xử lý dứt điểm đối với trường hợp phát sinh sau ngày ban hành Chỉ thị 19; kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm còn lại.
 
Vì sao công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa bị xử lý dứt điểm?

Cụ thể, tại khu phố 2, phường Bắc Sơn, TP. Thanh Hoá xuất hiện một công trình nhà ở 2 tầng kiên cố nằm giữa khu đất trồng các loại cây ăn quả và ao. Thời điểm phóng viên có mặt, ngôi nhà đã được tháo dỡ phần mái, cửa và được quây lưới che chắn xung quanh.

Người dân sinh sống ở đây cho biết, công trình được xây dựng vào khoảng cuối năm 2021, thời gian thi công diễn ra khá lâu nhưng do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm nên mới để xảy ra tình trạng xây dựng một công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Liên quan đến vụ việc, UBND phường Bắc Sơn cung cấp thông tin, tháng 12/2021 UBND phường Bắc Sơn đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại khu phố 2, yêu cầu gia đình ông Vũ Ngọc Tuấn (chủ ngôi nhà) chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Sáu tháng sau, UBND phường Bắc Sơn ban hành Quyết định 206/QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm của ông Tuấn. Hành vi vi phạm cụ thể được UBND phường Bắc Sơn xác định đó là: Chuyển đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (xây dựng công trình trên diện tích đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm tại khu phố 2). UBND phường Bắc Sơn không ban hành quyết định xử phạt với lý do quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cũng trong ngày 8-6-2022, UBND phường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thị xã, Công ty CP Phát triển Tân Hà Trung tổ chức hội nghị làm việc với ông Vũ Ngọc Tuấn.

 

bg2.jpg
Ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu phố 2, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Tại biên bản làm việc này, ông Tuấn nêu ý kiến: Nguồn gốc đất gia đình đang sử dụng tại khu phố 2 là đất PAM theo dự án 327, PAM 4304 của Nhà nước, gia đình nhận chuyển nhượng lại của ông Hàm và một số hộ dân khác, hiện gia đình đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Đối với các công trình xây dựng, gia đình đã có một phần công trình xây dựng từ những năm 1980. Đến nay, gia đình xin các cơ quan chức năng để xây dựng nhà trông coi và bảo quản sản phẩm nông nghiệp nhưng không được cơ quan nào tiếp nhận. Tất cả các công trình xây dựng đều là công trình tạm, không có móng làm nơi trông coi sản phẩm, làm nhà kho và để chăn nuôi chứ không phải công trình kiên cố.

Tuy nhiên, kết luận buổi làm việc, các bên liên quan yêu cầu ông Tuấn thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chấm dứt hoàn toàn các hành vi vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp mà ông đã xây dựng. Hạn cuối cho ông Tuấn tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm là hết ngày 20-6-2022. Nếu hết thời hạn trên, ông Tuấn không tự giác tháo dỡ, chính quyền sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến hạn ngày 20-6-2022 các lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng khu vực vi phạm, ông Vũ Ngọc Tuấn vẫn chưa thực hiện tháo dỡ công trình.

Ngày 1-7-2022 UBND phường Bắc Sơn tiếp tục ban hành Quyết định số 231/QĐ-CCKPHO về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với ông Vũ Ngọc Tuấn. Ngày 8-7-2022, UBND phường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thị xã, Công ty CP Phát triển Tân Hà Trung tiếp tục tổ chức hội nghị làm việc với ông Tuấn để tuyên truyền, vận động nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Thông tin báo chí, ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết: Diện tích đất tại khu phố 2 là đất của các hộ dân được thống nhất với nông trường để thực hiện các dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc từ thời điểm nhiều năm trước. Từ đó đến nay, các hộ vẫn sử dụng đất để canh tác. Tuy nhiên, khu đất lại nằm trong diện tích mà UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung (nay là Công ty CP Phát triển Tân Hà Trung) thuê đất tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 5144/QĐ-UBND ngày 4-12-2019).

Đối với vụ việc xây nhà trên đất nông nghiệp tại khu phố 2, UBND phường đã nhiều lần lập biên bản xử lý, trong đó đề nghị Công ty CP Phát triển Tân Hà Trung tăng cường quản lý đối với diện tích đất được UBND tỉnh cho thuê, tăng cường trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm. Đối với hành vi vi phạm của ông Vũ Ngọc Tuấn, UBND phường Bắc Sơn đã nhiều lần làm việc, tổ chức tuyên truyền, vận động và yêu cầu gia đình tự tháo dỡ. Vừa qua, ông Vũ Ngọc Tuấn đã tự nguyện tháo dỡ xong phần mái và phần cửa. Gia đình ông Tuấn có đơn kiến nghị xin để lại làm nơi chăn nuôi và lợp lưới trồng phong lan để không tổn hại đến kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết thêm: Ban đầu, UBND phường đã xây dựng phương án thực hiện Quyết định số 231/QĐ-CCKPHO về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các quy định, nhận thấy công trình vi phạm nằm trên đất đã được giao cho tổ chức thuê nên UBND phường không có thẩm quyền giải quyết vụ việc. UBND phường đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên xem xét, chỉ đạo để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bắc Sơn là địa phương có không ít công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp từ những năm trước đây. Những bất cập trong việc bàn giao, trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn phường cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến vi phạm của người dân. Từ thực tế vụ việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại khu phố 2, phường Bắc Sơn, chính quyền thị xã Bỉm Sơn cần có những động thái tích cực hơn để kiên quyết xử lý dứt điểm những công trình vi phạm, bảo đảm kỷ cương pháp luật.

Chủ tịch xã bị tố chiếm dụng và xây dựng trên đất công trái phép

Trong giai đoạn năm 2008 – 2011 tại UBND xã Tráng Liệt nay là UBND thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, tố cáo ông Phạm Đỗ Lâm hiện đang là Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt đã san lấp, lấn chiếm khu ao Cát – Đo đạc và xây dựng. Cho đến nay, ông Lâm đã xây dựng lên ngôi nhà 2 tầng kiên cố.

Những năm qua khu ao Cát bị nhiều hộ lấn chiếm nên không còn nguồn nước tưới tiêu thủy lợi vì thế đã có khoảng gần chục hộ xã viên đội sản xuất số 8 phải nhượng lại ruộng canh tác 03. Từ 2008 -2011 việc san lấp trái phép trở nên rầm rộ. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay những công trình kiên cố 2,3 tầng mọc lên nhiều hơn, trong đó có nhà ông Phạm Đỗ Lâm.

Theo báo cáo của UBND thị trấn Kẻ Sặt, ông Phạm Đỗ Lâm - Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: "Việc tố cáo tôi lấn chiếm, xây dựng trên nguồn gốc đất công là không đúng. Khoảng những năm 1999, 2000 ông Phạm Văn Hà là em ruột tôi có cùng một số người khác sử dụng để thả cá, trồng rau, trong quá trình sử dụng ông Hà và các hộ dân có đổ vật liệu xây dựng, đất, cát để bồi lấp ao, đến khoảng năm 2004 ông Hà có xây ngôi nhà trên đất đó với diện tích khoảng 100m2 và đón bố mẹ tôi ra ở, các hộ khác cùng nuôi cá, trồng rau với ông Hà cũng san lấp và xây nhà rồi đã chuyển nhượng lại cho các chủ sử dụng khác. Đến năm 2014 bố tôi qua đời, đến đầu năm 2017 vợ chồng tôi có dọn ra ở cùng với mẹ tôi để tiện việc trông nom, phụng dưỡng.

Cũng theo ông Lâm, "đến năm 2018 khi UBND huyện Bình Giang có dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư mới ven Quốc lộ 38 đoạn từ Cầu Sặt đến Ngã năm mới, với tư cách là cán bộ, đảng viên tôi đã vận động mẹ tôi và các em trong gia đình trả lại đất để UBND huyện thực hiện dự án. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất đã được bàn giao cho Công ty TNHH Toàn Gia (là đơn vị trúng thầu thực hiện dự án). Tuy nhiên, hiện nay Công ty TNHH Toàn Gia chưa thi công đến vị trí trên nên vẫn đang cho gia đình ở nhờ trên khu đất đó trong thời gian gia đình chuẩn bị chỗ ở mới".

 

bg1.png
Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt bị tố chiếm dụng và xây dựng trên đất công trái phép

Được biết, năm 2018 UBND huyện Bình Giang có dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư mới ven Quốc lộ 38 từ Cầu Sặt đến ngã Năm mới, do Công ty TNHH Toàn Gia là chủ đầu tư. Trong đó toàn bộ diện tích khu ao Cát đã xây dựng nằm trong quy hoạch phải giải tỏa. Và ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UNBD thị trấn cho hay, "sau khi Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện tiến hành kiểm kê, kiểm đếm tài sản trên đất, tiền đền bù đã được chi trả về cho UBND trị trấn, về kinh phí hỗ trợ công vượt lập và tài sản trên đất đã được chi trả cho gia đình tôi. Hiện nay Công ty TNHH Toàn Gia chưa thi công đến vị trí trên nên vẫn đang cho gia đình ở nhờ trên khu đất đó trong thời gian gia đình chuẩn bị chỗ ở mới".

Qua đó, tại khu vực ao Cát có nhiều căn nhà 2,3 tầng xây dựng san sát nhau. Phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Bình Giang, tuy nhiên đã gần một tháng qua vẫn không nhận được phản hồi từ phía lãnh đạo UBND huyện này.

Vào tháng 6/2022, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt Quách Công Thọ đã ban hành Nghị quyết về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai trên địa bàn thị trấn.

Theo đó, yêu cầu UBND thị trấn rà soát, thống kê chi tiết, đảm bảo không bỏ sót các vi phạm đất đai đến thời điểm này trên địa bàn thị trấn. Đánh giá vi phạm của từng trường hợp. Nghiêm cấm không để phát sinh các vi phạm mới, giữ nguyên hiện trạng các vi phạm cũ.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2022 của tỉnh Hải Dương, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chuyển đổi và vi phạm xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhận định, tại các địa phương đã có sự buông lỏng quản lý, chỉ đạo thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng xây dựng không đúng quy định trên đất chuyển đổi. Trong đó, có cả nguyên nhân do sự phối hợp không tốt giữa các ngành của tỉnh và các địa phương. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND sẽ kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, không có vùng cấm. Nếu địa phương nào còn để phát sinh tình trạng vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi thì cán bộ, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp xây vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi. Trong đó, cần phân loại công trình, xác định rõ thời gian xây dựng, quy mô và mức độ vi phạm. Đồng thời, các địa phương rà soát, thống kê diện tích đất do UBND cấp xã quản lý, trong đó thống kê tổng diện tích đến nay đã bị biến tướng, giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng vào mục đích khác, từ đó đề xuất, tham mưu giải pháp quản lý, xử lý.

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top