Mô hình thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng ở xã Bắc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường và giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Mô hình thâm canh dưa lưới ở xã Bắc Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thu “tiền tỷ”
Dẫn chúng tôi tham quan các khu nhà màng trồng dưa lưới rộng hơn 320m2, ông Dương Công Mậu, thôn Đồng Vĩnh, xã Bắc Sơn, cho biết: “Trên diện tích này, trước đây gia đình chỉ trồng rau và 1 vụ trồng hoa cúc nhưng tính ra hiệu quả không ăn thua. Cuối năm 2017, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng, tôi đăng kí tham gia. Tháng 2/2018, với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, tôi trồng hơn 800 cây dưa Chu phấn. Sau 2 tháng chăm sóc, vườn dưa của gia đình cho kết quả tốt, trung bình mỗi quả nặng 1,8 - 2kg, năng suất ước đạt gần 1,4 tấn, với giá bán 38-40 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt gần 50 triệu đồng”.
Ông Mậu tính toán, sau vụ thứ 2 này, nếu thuận lợi, gia đình sẽ thu hồi được vốn và có lời.
Theo ông Phan Thành Nam, cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà, triển khai thực hiện dự án, Trung tâm chọn 5 hộ nông dân thuộc xã Bắc Sơn lắp đặt nhà màng với tổng diện tích 2.000m2, sử dụng các loại giống Kim cô nương, Chu phấn, Phụng thiên, Hồng phi. Ứng dụng nhà màng trong sản xuất nông nghiệp loại bỏ được một số loại sâu bệnh hại cây trồng, giúp kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng của chúng trong sản phẩm.
Đặc biệt, loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động theo tiến độ sinh trưởng của cây nên kiểm soát hoàn toàn dư lượng phân bón, cây phát triển khỏe, cho năng suất, chất lượng cao.
Vụ thứ 2 này, các hộ đang trồng thử nghiệm thêm giống dưa Hồng phi, Bạch ngọc, hiện tại cây sinh trưởng, phát triển tốt, đang giai đoạn ra hoa đậu quả. Theo dự tính, nếu người dân Bắc Sơn trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ hoa cúc vào tháng 9, tổng thu nhập đối với mô hình sản xuất công nghệ cao trong nhà màng đạt 150 triệu đồng/sào/năm (tương đương với 3 tỷ đồng/ha/năm).
Khuyến khích nhân rộng
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình, ông Dương Công Mậu cho biết: “Nếu ít vốn thì khó mà đầu tư trồng dưa lưới vì chi phí ban đầu khá lớn. Bên cạnh đó, cần chăm sóc vườn dưa tỉ mỉ, nhất là phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cây dưa lưới khó tính hơn so với các giống dưa hấu, dưa lê… Tuy nhiên, việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật), hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần cây trồng khác. Dưa có vị thơm, ngọt nên được nhiều người ưa chuộng”.
Ông Bùi Quốc Sơn, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà, cho biết, đây là mô hình đầu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng trên địa bàn huyện nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Từ thành công bước đầu của dự án có thể khẳng định, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng phù hợp với đất Bắc Sơn, cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để các hộ dân ở Bắc Sơn có điều kiện nhân rộng mô hình này không chỉ đối với dưa lưới mà kể cả các loại rau màu khác trồng trong nhà màng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.