Xã Trung Hiệp (Vũng Liêm - Vĩnh Long) có khoảng 20 hộ dân trồng nấm rơm quanh năm, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa
Thời gian qua, giá nấm rơm duy trì ở mức khá cao, thương lái mua tại vườn ở mức 45.000- 50.000 đồng/kg; loại 2 (nấm nở) 35.000- 40.000 đồng/kg. Đặc biệt vào ngày lễ, Tết và ngày rằm thì giá bán lẻ có thể lên đến 100.000 đồng/kg.
Ngoài canh tác 3 công (1 công = 1.000m2) ruộng, hơn 20 năm qua, anh Lê Văn Dùm ở ấp Bình Phụng vẫn duy trì sản xuất nấm rơm. Trong vụ nấm rơm này, anh chất khoảng 130 cuộn rơm trên nửa công đất vườn. Anh Dùm cho biết, hiện nay giá rơm khoảng 11.000- 14.000 đồng/cuộn, còn lúc “cháy rơm” lên đến gần 30.000 đồng/cuộn. “Lúc đó mà làm nấm rơm thì một là thiếu rơm để chất nấm, hai là lỗ”, anh Dùm chia sẻ.
Theo anh Dùm, trồng nấm rơm hiện nay cho lời cao hơn gấp 10 lần so với trồng lúa. Thời gian sản xuất một vụ nấm rơm chỉ tốn hơn 30 ngày, có thể làm quanh năm, thời gian thu hoạch nấm kéo dài trong 10 ngày liên tiếp. Nếu bà con sử dụng 100 túi meo nấm và sản xuất được 150kg nấm rơm, trừ chi phí nguyên liệu và thuê nhân công thì có thể lời khoảng 4 triệu đồng/vụ. “Bởi vậy mà dân trồng nấm hay nói vui: trồng nấm rơm là làm chơi, ăn thiệt”, anh Dùm dí dỏm nói.
Bên cạnh việc mang lại lợi nhuận khá cao cho nhà vườn, trồng nấm rơm cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật và thời gian “kỳ công” chăm sóc. Người trồng nấm luôn nằm lòng nguyên tắc thay đổi chỗ trồng. “Vì trong đất sẽ ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh gây hại, nếu cứ tiếp tục chất nấm thì thua. Sau một khoảng thời gian thì người ta đổi chỗ trồng nấm, thậm chí dân xứ khác kéo nhau qua xứ này để thuê đất trồng nấm rơm”, anh Dùm thông tin thêm.
Kinh nghiệm trồng nấm
Anh Nguyễn Hồng Nâu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiệp, lưu ý: Trong vòng 7 ngày đầu của quy trình trồng nấm, bà con phải cẩn thận thực hiện đúng các bước giũ rơm và lên cây. Tiếp theo là đợi rơm chín và ra giồng. Trong khoảng 12 ngày kế tiếp, meo nấm sẽ bắt đầu ra “trứng cá”. Sau đó là giai đoạn nấm rơm có thể cho thu hoạch liên tục trong 10 ngày. “Dù quy trình trồng nấm rơm là như vậy, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu vào đợt thu hoạch mà trời cứ mưa hoài thì sẽ không đoán được nấm ra lúc nào, nấm rộ lên nhanh mà cũng tàn rất nhanh, không cho đủ lượng nấm thì lời càng hẹp”- anh Nâu nói.
Một số nhà vườn trồng nấm rơm tại ấp Bình Phụng cho biết, chất rơm được xếp vào việc “cực công” nên tiền công 250.000 đồng/người/ngày. Còn hái nấm tuy mất nhiều thời gian nhưng lại khá nhẹ nhàng, cứ huy động hết người trong nhà ra hái, nếu vẫn không đủ người thì nhờ cả hàng xóm rồi sau này vần công lại. Lúc nấm rộ thì một người quen tay có thể hái được 1kg nấm trong 15 phút.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.