Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 8 năm 2021 | 7:3

Nông dân Phú Bình giàu lên nhờ cây ớt

Nhờ trồng cây ớt, mà nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) trở nên giàu có trong những năm gần đây.

Khi ớt thành cây chủ lực

Trước đây, mỗi khi nhắc đến vùng đất Phú Bình, người ta sẽ nghĩ đến vùng quê của lúa, lang, lạc, lợn. Nhưng khoảng 3 – 4 năm nay, có dịp về nơi này, nhất là các địa phương nằm ở phía Nam của huyện mới thấy những đổi thay rõ rệt trong tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân. Thay vì trồng các loại cây hoa màu truyền thống như: ngô, khoai, đỗ, lạc thì bà con nơi đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ớt cho năng suất và thu nhập cao hơn hẳn.

Vài năm trở lại đây, cây ớt đã trở thành cây màu chủ lực của bà con nông dân một số xã trên địa bàn huyện Phú Bình với diện tích lên tới hàng trăm hecta mỗi năm.

 

003.jpg
Ông Chất – Người tiên phong đưa cây ớt về trồng trên đồng đất Phú Bình, Thái Nguyên.

 

Đến xã Thanh Ninh, một trong những địa phương có diện tích trồng nhiều ớt nhất của huyện Phú Bình. Ghé thăm ông Nguyễn Văn Chất, ở xóm Phú Yên người tiên phong trong việc đưa cây ớt về trồng ở địa phương này. Vừa rót nước mời khách, ông Chất vừa chia sẻ: “Vụ này mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng số lượng bà con nhân dân trong vùng hỏi mua cây giống vẫn nhiều đáng kể. Chỉ tính riêng xóm Phú Yên đã có khoảng 60 hộ trồng ớt với số lượng lớn, ngoài ra còn trồng rải rác ở những xóm khác trên địa bàn xã lên tới vài trăm hộ. Vụ ớt năm ngoái, gia đình tôi đã bán cây giống cho các hộ dân để trồng trên diện tích khoảng 20ha. Còn năm nay, tính đến thời điểm này tôi đã gieo được khoảng hơn 100 triệu tiền hạt giống”.

 

002.jpg
Bà Bùi Thị Hải, xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh bên ruộng ớt của gia đình.

 

Người dân ở Thanh Ninh bắt đầu đưa cây ớt vào trồng từ khoảng những năm 2000 trở lại đây. Ban đầu, ông Chất là người đưa cây ớt từ vùng Bắc Giang về trồng thử trên diện tích nhỏ của gia đình nhưng không bán được. Do đó, ông phải lặn lội đạp xe về tận Bắc Ninh, Bắc Giang để bán. Dần dần, do thị trường đón nhận và cây ớt dần được ưa chuộng, bà con nhân dân trong vùng cũng thay đổi tư duy nên bắt đầu bảo nhau trồng ớt thay một số cây màu khác để nâng cao thu nhập. 

Đến nay, ngoài trồng ớt để bán, gia đình ông Chất chủ yếu thu mua của bà con nhân dân cũng như làm cây giống để cung cấp cho bà con trong vùng trồng với số lượng lớn. Trung bình mỗi ngày, ông Chất thu mua từ 4 – 5 tấn ớt rồi bán cho thương lái từ các nơi. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 400 – 500 vạn cây giống với giá bán 300đ/cây mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, trước khi dịch bệnh Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, ớt chủ yếu được các thương lái thu mua và xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, Trung Quốc ngừng nhập khẩu, do đó các thương lái đã chuyển hướng sang bán ớt cho các công ty sản xuất tương ớt tại các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ giữa mùa dịch, bà con nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình cũng chủ động giảm một số diện tích đất trồng ớt chuyển sang trồng các cây hoa màu ngắn ngày khác như ngô, khoai, lạc… chờ khi dịch ổn định lại tiếp tục trồng ớt trên quy mô lớn.

Liên kết cùng thành công

Để thuận tiện cho việc sản xuất và thu mua ớt, năm 2017, ông Chất thành lập Tổ hợp tác liên kết trồng ớt xã Thanh Ninh và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân. Ông Chất cho biết: Trồng ớt hiệu quả gấp 3 – 5 lần so với trồng lúa. Có thời điểm giá ớt lên cao tới 105.000đ/kg thì bà con thắng đậm. Với mỗi sào ớt lúc được giá có thể mang về thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng. Kể cả lúc giá cả xuống thấp nhất thì vẫn hơn thu nhập từ trồng lúa và các cây hoa màu khác. Trung bình mỗi năm với việc thu mua ớt và bán cây giống, gia đình ông Chất có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.

Về cơ bản, cây ớt tương đối dễ trồng nếu nắm chắc kỹ thuật và quan trọng là phải kiên trì. Một điều cần chú ý nữa là đối với ớt nên trồng luân canh, chứ không nên trồng liên tiếp 2 vụ liền cây sẽ dễ bị bệnh chết héo. Ngoài ra, trong quá trình chọn giống phải chọn giống quả nhẵn, bóng để tránh bám sương cũng như sâu bệnh. Cây ớt phù hợp với đất chân vàn, những nơi thuận tiện cho nước vào ra nhưng không bị ngập luống.

Vụ mùa này, qua nghiên cứu và trồng thử nghiệm, ông Chất chuyển sang lấy giống ớt mới 99999 cho năng suất hơn mà lại chịu được sâu bệnh tốt hơn. Thông thường thời gian trồng ớt thường kéo dài từ tháng 7 năm trước đến tháng 5 năm sau. Sau khoảng 3 tháng trồng là cây bắt đầu cho thu hoạch, cứ 3 ngày lại được hái một lần, mỗi lần khoảng 70kg, trung bình mỗi cây cho khoảng 3 kg/vụ, với mỗi sào 900 cây, tính ra sản lượng trung bình đạt khoảng 2,7 tấn/sào/năm. 

 

001.jpg

Gia đình bà Nguyễn Thị Thường, xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh hiện tại chỉ trồng 1 sào ớt nhưng cũng có thu nhập đáng kể.

 

Bà Bùi Thị Hải, xóm Phú Yên, một trong những hộ trồng ớt lâu năm và nhiều nhất của xóm cho biết: “Gia đình tôi trồng ớt được khoảng hơn chục năm nay, năm nào cũng trồng đều đặn 3 sào. Kể từ khi trồng ớt đến nay, giá ớt lúc lên lúc xuống, có lúc lên tới 90.000đ/kg, lúc thấp chỉ khoảng 7.000đ/kg nhưng nhìn chung vẫn cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa và các cây màu khác. Tính ra trồng ớt vẫn gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa”.

Nhờ trồng ớt mà vài năm nay, kinh tế của các hộ gia đình trong xã tăng lên rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, có những hộ xây nhà lầu, sắm được cả xe hơi nhờ trồng ớt.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Cây ớt là cây màu chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trong xã. Trước đây cây ớt chỉ được trồng nhỏ lẻ, xen kẽ cùng với dưa chuột, nhưng đến nay cây ớt đã phát triển mạnh và chiếm diện tích lớn nhất. Hiện, toàn xã Thanh Ninh có tổng diện tích trồng ớt trên 40ha, chiếm gần hết diện tích trồng cây hoa màu của xã, trong đó tập trung chủ yếu ở các xóm: Phú Yên, Đồng Trong, Nam Hương, Phúc Thanh 1, Phúc Thanh 2…. Hiện nay, xã đang phối hợp với Tổ hợp tác liên kết trồng ớt xã Thanh Ninh để tiến tới thành lập HTX nhằm hỗ trợ nguồn vốn để HTX phát triển, góp phần phát huy quy mô, diện tích, nâng cao thu nhập cho bà con.

Bà Đinh Thị Ngân, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình đánh giá: Cây ớt bắt đầu được trồng ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Bình khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bắt đầu được bà con trồng nhiều và chuyển đổi mạnh khoảng 3 – 4 năm nay. Cây ớt là cây gia vị được ưa chuộng trong những năm gần đây, so với trồng lúa và các cây hoa màu khác thì hiệu quả mang lại từ cây ớt cao hơn hẳn. Trung bình người dân trên địa bàn trồng khoảng 3 vụ/năm với diện tích ước tính của toàn huyện khoảng trên 100ha mỗi năm tập trung ở các xã: Thanh Ninh, Lương Phú, Tân Đức, Dương Thành, Tân Hòa, Bảo Lý…

Huyện đang định hướng quy hoạch thành vùng sản xuất ớt tập trung tại các xã phía Nam, chứ không khuyến khích sản xuất đại trà trên quy mô toàn huyện và chủ yếu là các hộ dân tự liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân ký cam kết tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng thời gian tới, vùng trồng ớt Phú Bình sẽ phát triển ổn định, bền vững.   

 

(Bài tuyên tuyên truyền thực hiện nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top