Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 11 năm 2019 | 13:30

Ứng dụng công nghệ, giúp nông dân làm giàu từ cây ổi

Với trên 200ha đất bãi ven sông Hồng, người dân ở phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) đã đưa đặc sản ổi găng vào canh tác, thu nhập bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm.

tr13t.JPG
Ông An bên khu vườn trồng ổi hữu cơ của Công ty Tuệ Viên.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hợp tác cùng nông dân tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn từ ổi, từ đó nâng cao lợi nhuận.

Thoát nghèo từ cây ổi

Tôi theo ông Lê Văn An (tổ 4, phường Cự Khối) ra vùng đất bãi sông Hồng. Đứng giữa một vùng đất trồng bạt ngàn ổi,  ông An cho biết, cây ổi găng được người dân trên địa bàn phường đưa về trồng trên vùng đất bãi từ năm 2002. Đến năm 2007, thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi găng, phường  mở rộng diện tích từ 50ha lên hơn 200ha.

Nói về giá trị kinh tế từ cây ổi găng so với những loại cây trồng khác, ông An cho biết, cây ổi cho giá trị cao gấp 4-5 lần so với trồng các loại cây màu khác, chính vì vậy, hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn phường có đất làm nông nghiệp ngoài bãi sông Hồng đều chuyển sang trồng ổi, chỉ  một số rất ít hộ trồng chuối và táo.

Đang chăm sóc vườn ổi, bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Từ khi chúng tôi chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi, thu nhập tăng cao khá nhiều. Với 1ha ổi, chúng tôi có thu khoảng  200 triệu đồng/năm, có nhà thu đến 250 triệu đồng”.

Theo ông An, hiện nay, ngoài số hộ gia đình có đất trồng ổi trên địa bàn có thu nhập từ cây ổi, còn có nhiều gia đình  không trồng ổi nhưng cũng có thu nhập từ cây ổi, đó là những gia đình làm dịch vụ, họ đi thu mua ổi tại vườn, sau đó mang sang trung tâm thành phố bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, họ có thu nhập cũng không kém những gia đình trồng ổi, chính vì thế, nhiều gia đình trên địa bàn đã thoát được nghèo từ cây ổi.

“Công nghệ hóa” sản phẩm từ ổi

Dẫn chúng tôi đến khu vực trồng ổi sạch theo phương pháp hữu cơ mà Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên đang triển khai, rất may, gặp được bà Nguyễn Thị Phương Liên, Tổng Giám đốc Công ty đang cùng cán bộ của mình kiểm tra sự phát triển của cây ổi.

Bà Liên cho biết, là doanh nghiệp hình thành ở vùng đất của những người làm vườn, chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ những vất vả của người nông dân, làm quần quật cả năm nhưng lợi nhuận thu được không đáng là bao. Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại đang rất cần và mong muốn được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

Vì thế, chúng tôi đã hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp trồng hữu cơ vào trồng ổi trên địa bàn phường Cự Khối, nhằm tạo ra  sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao giá trị cho cây ổi, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

Bà Liên cho biết, chúng tôi canh tác theo phương pháp khép kín, với mục đích khai thác tối đa hiệu quả của các loại cây trồng, trong đó có cây ổi. Trước đây, lá ổi và quả ổi chín không thể tiêu thụ được, thì nay chúng tôi  nghiên cứu để chiết suất từ những sinh khối thừa này trở thành những sản phẩm khác để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Các sản phẩm được chiết suất này được Công ty Tuệ Viên ứng dụng công nghệ sinh học, enzyme để chế biến lá ổi, quả ổi thành sản phẩm tẩy rửa, làm sạch, thực phẩm tự nhiên và an toàn cho người sử dụng như dấm ổi, nước súc miệng, xà phòng sát khuẩn. Các sản phẩm mang thương hiệu “Tôi là thảo mộc” đang được bán trên thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.

“Trước đây, người dân trồng ổi sau khi thu hoạch thì cắt tỉa cành đem chất đống ngoài đường; lá ổi để rụng tự nhiên và tự mục nát dưới gốc, điều này ngăn chặn sự phát triển vi sinh vật trong đất, làm cho đất không trao đổi được dinh dưỡng để nuôi cây. Bây giờ chúng tôi thu mua lại các loại sinh khối thừa này để làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm khác như than sinh học, phân bón hữu cơ để tạo thành vòng tròn nông nghiệp khép kín bền vững, đồng thời làm tăng giá trị của cây ổi. Hiện nay, chúng tôi đang mua lại lá ổi của nông dân với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg. Như vậy người nông dân ngoài việc thu nhập từ trái ổi, còn có thu nhập thêm từ lá ổi và cành”, bà Liên nói.

Chia tay với những người trồng ổi ở vùng đất bãi của sông Hồng đỏ nặng phù sa, chia tay với doanh nghiệp nặng lòng với sự vất vả của người nông dân, để từ đó cùng nông dân làm giàu, chúng tôi mong sao sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành với người nông dân, vừa để bà con nâng cao thu nhập, vừa tạo cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn.

 

Phó chủ tịch UBND phường Cự Khối Ngô Văn Nam cho biết, những năm qua, nhận thấy giá trị lợi ích của cây ổi, UBND phường đã có nhiều chương trình và kế hoạch để nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ổi găng là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, chính vì vậy, chất lượng quả thơm ngon, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Bên cạnh đó, Công ty Tuệ Viên đã giúp bà con sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. UBND phường sẽ tạo điều kiện để cho nông dân và doanh nghiệp được hợp tác cùng phát triển.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top