Nhìn lại chặng đường sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ và nhân dân xã Pà Cò (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) mới đạt 9/19 tiêu chí. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những gì Pà Cò làm được cho thấy những nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, nhờ đó, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi.
Cây chè mang lại thu nhập khá cho người dân Pà Cò
Ông Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Xác định nông nghiệp là hướng đi chủ đạo, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, những năm qua, ngoài việc tìm những cây - con có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, chăn nuôi, địa phương rất chú trọng đến việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình XDNTM, Pà Cò đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển một số diện tích cây trồng không phù hợp sang trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao, mở rộng trồng các loại cây ăn quả như: mận, đào, chanh leo,... góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong quá trình triển khai XDNTM, Pà Cò xác định công tác dân vận là quan trọng, trong đó tuyên truyền, vận động là khâu then chốt, quyết định sự thành công của chương trình. Bởi nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy nhiều khó khăn cần tháo gỡ, người dân và một số cán bộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nắm bắt được thực tế này, cấp ủy, chính quyền xã Pà Cò đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông qua các hội nghị, tọa đàm, các cuộc sinh hoạt chi bộ thôn và các ngành, đoàn thể về ý nghĩa, nội dung của chương trình XDNTM.Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, vận động cán bộ, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia; tổ chức công khai phổ biến đến tất cả các đảng viên và nhân dân trong xã về nội dung Đề án XDNTM; tổ chức hội nghị phát động XDNTM, tổ chức nhiều lượt tuyên truyền ở các thôn xóm. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi”, xã vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp ruộng để xây dựng các công trình. Nhờ có sự dân chủ bàn bạc tham gia góp ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nên việc tổ chức thực hiện được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, người dân đã nhận thức được ý nghĩa lớn lao của việc XDNTM là phục vụ cho chính mình, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp ngày công, hiến đất mở đường để cùng XDNTM.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện chương trình XDNTM. Tất cả các thôn, xóm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh”.
Người dân xóm Chà Đáy tích cực làm đường giao thông nông thôn.
Đến thời điểm này, sau hơn 6 năm triển khai XDNTM, xã Pà Cò mới đạt 9/19 tiêu chí (quy hoạch, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, lao động có việc làm, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự). Năm 2018, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nữa là giao thông và bưu điện.
Thời gian tới, xã Pà Cò tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân thực sự thấy được XDNTM mang lại nhiều lợi ích cho dân và chính nhân dân là những người được xứng đáng hưởng thụ. Từ đó các đảng viên, đội ngũ cán bộ xã được phân công nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, lắng nghe để hiểu và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Những tiêu chí còn lại cần nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thủy lợi … Chính vì vậy, chính quyền và nhân dân Pà Cò rất mong nhận được sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kinh phí để xã triển khai thực hiện chương trình XDNTM và hoàn thành đúng kế hoạch.
Năm 2017, xã Pà Cò tiếp tục hoàn thiện đường nội xóm tại 3 xóm: Xà Lính, Chà Đáy, Pà Cò lớn, tổng chiều dài 576m, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 400 triệu đồng, nhân dân đóng góp 195,9 triệu đồng. Tổng thu nhập năm 2017 trên địa bàn đạt 23 tỷ 408 triệu đồng, đạt 92,2% kế hoạch, thu nhập bình quân đạt 8,3 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 21,7%. |
Nguyễn Sơn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.