Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn và tạo sự chuyển biến đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Mặc dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) đã mang lại những kết quả tích cực trên nhiều mặt đối với sự phát triển nền kinh tế của nước ta trong 2 năm qua, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó xuất khẩu nông sản tăng mạnh cả số mặt hàng, số lượng xuất khẩu và giá trị thu về. Hầu hết các chuyên gia kinh tế, cả trong nước và quốc tế chung nhận đinh: Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn và tạo sự chuyển biến đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của ta sang EU tăng đáng kể: hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%.... Đặc biệt, chúng ta cũng đã tận dụng tốt những ưu đãi, nhất là việc giảm thuế suất (tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA năm sau cao hơn năm trước, thuỷ sản đạt 78,89%, rau quả đạt 65,58%, gạo đạt 100%).
Với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP bình quân đầu người trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới. Đây là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm (năm 2021). Tuy vậy, nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần, riêng gạo mới chỉ chiếm hơn 1% thị phần. Điều này cho thấy, các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều.
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thấy việc khai thác những lợi thế mà EVFTA mang lại chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, đại dịch Covid-19 đã buộc các quốc gia nói chung, các nước EU nói riêng thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội một thời gian khá dài. Chuỗi cung ứng đứt gãy, giá vận chuyển hàng hóa tăng cao. Thêm nữa, cuộc chiến Nga – Ukraina đầu năm 2022 đã đẩy giá xăng dầu lên cao và việc các nước phương Tây thực thi gần 6.000 lệnh trừng phạt Nga khiến lạm phát tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có EU tăng cao và tỷ giá Euro/USD giảm… Tất cả những điều đó làm cắt giảm chi tiêu của người dân EU. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản của ta.
Về chủ quan, chúng ta có thể thấy rất rõ, do sản xuất quy mô nhỏ là chính nên chất lượng nông sản của ta chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao, khắt khe của EU trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Thêm nữa, hệ thống Logistics của chúng ta vừa thiếu vừa yếu khiến giá thành khó cạnh tranh; việc quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu chưa đủ tầm; nắm chưa chắc nhu cầu tiêu dùng của từng thị trường…
Theo các chuyên gia, để khai thác hiệu quả những lợi thế của “cao tốc EVFTA” (ngoại trừ một số ít mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU như hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cà phê, chè và cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%) cả Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp nông sản cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc. Và cần khai thác tối đa lợi thế từ những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan như cà phê, điều, cao su, hạt tiêu và rau quả. Với mặt hàng rau quả, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,…) được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020).
Tuy nhiên, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm là, thị trường EU rất coi trọng sản phẩm sạch, an toàn, xanh, thân thiện môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu và cả vấn đề nhân đạo, vấn đề tiêu chuẩn lao động, điều kiện lao động,… Điều đó có nghĩa, hàng hóa vào EU cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị gia tăng và quy trình sản xuất chứ không chỉ bằng giá cả và số lượng.
Để thực hiện được những điều đó, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, chủ động, sáng tạo của tất cả các cơ quan chức năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở cả Trung ương và địa phương để giúp doanh nghiệp của chúng ta có đủ khả năng lưu thông và khai thác tốt “con đường cao tốc EVFTA”.