Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 7 năm 2015 | 9:14

Xung quanh việc xử lý vi phạm hành chính ở TP. Rạch Giá: Cần thấu lý, đạt tình

Cho rằng bà Phạm Thị Đào vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo liên tục ra quyết định, thông báo, rồi lại thu hồi quyết định, thông báo với lý do chưa phù hợp với quy định của pháp luật… Tuy nhiên, sự thật đằng sau sự việc tưởng như chẳng hề to tát này là gì?

Áp dụng luật tùy tiện?

Ngày 26/6/2015, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 127/QĐ-XPVPHC (Quyết định số 127) đối với bà Phạm Thị Đào trú tại 1/6D Chi Lăng, khu phố 3. Theo đó, bà Đào bị xử phạt về hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể: Dựng cổng rào (diện tích ngang 7,5m; cao 2,65m, vật liệu bằng hợp kim); tường rào (diện tích ngang 7,3m; chiều cao đo được 3,10m; dày 20cm); công trình khác (nâng nền lát gạch ngang 7,3m; độ cao 0,25m trên lòng đường), vi phạm quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 13 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ (Nghị định số 171).

Toàn cảnh tường xây, hàng rào, nền đường hẻm cụt trong khu đất gia đình quản lý

Theo Quyết định số 127, bà Đào bị xử phạt hành chính tổng cộng 6 triệu đồng; đồng thời phải tháo dỡ cổng rào, tường rào, phá dỡ phần nền, trả lại hiện trạng ban đầu. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn được biết, trước khi có Quyết định số 127, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo ban hành quyết định xử phạt hành chính, sau đó thấy trái pháp luật lại thu hồi. Việc áp dụng luật như thế này bị người dân đánh giá là “tùy tiện”. Cụ thể, ngày 22/12/2014, cán bộ phường Vĩnh Bảo xuống lập biên bản cho rằng bà Đào xây bờ tường áp sát với tường của kho công sản là sai. Ngày 27/12/2014, bà Đào nhận được Quyết định xử phạt hành chính số 356/QĐ-XPVPHC (Quyết định số 356) do ông Vũ Quang Hậu, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo, ký. Theo quyết định này, áp dụng điểm a, khoản 6, Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ (Nghị định số 121), phường xử phạt tiền và buộc bà Đào tháo dỡ công trình sai phạm.

Làm việc với các cơ quan chức năng, bà Đào cho rằng mình không sai phạm. Tuy nhiên, ngày 2/2/2015, bà Đào nhận được Quyết định số 26/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt hành chính số 356. Theo quy định của pháp luật, bà Đào không vi phạm và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 121. Ngày 17/6/2015, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo ra Quyết định số 98 thu hồi Quyết định số 356; Quyết định số 99 thu hồi Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 2/2/2015 của Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo.  

Ngày 22/6/2015, cán bộ phường tiếp tục xuống lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị bà Đào giải trình trước ngày 29/6/2015 cho Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo. Trong khi bà Đào làm đơn khiếu nại biên bản nói trên, ngày 26/6/2015, cán bộ phường lại đến trao Quyết định số 127, phạt 6 triệu đồng và buộc phải tháo dỡ công trình bị cho là vi phạm như đã nêu ở trên.

Có dấu hiệu trù dập

Trước đây, UBND TP.Rạch Giá quy hoạch phân lô tách thửa khu đất tọa lạc tại ví trí góc đường Chi Lăng và Ngô Quyền, gồm các khu A, B, C, D, E để bán cho cán bộ; trong đó lô D thể hiện hẻm cùng đường nội bộ ngang 4,5m, dài 36m, nằm mặt đường Chi Lăng (nay là hẻm 1D đường Chi Lăng). Từ năm 2007 đến năm 2013, bà Đào mua các lô đất 1/11D, 1/13D, 1/15D, 1/17D, 1/14D, 1/16D, 1/18D nằm liền kề và đối nhau ở cuối hẻm (có giấy chủ quyền). Năm 2007, bà Đào sửa chữa xây dựng nhà giáp với bức tường của kho công sản. Tháng 3/2012, ông Bùi Văn Phụng là quản lý kho công sản cho thuê một phần phía sau của kho công sản chứa vật liệu xây dựng với giá 2 triệu đồng/tháng, trong thời hạn 25 tháng, tổng cộng bà Đào đưa cho ông Phụng 50 triệu đồng (bằng hợp đồng miệng). Bà Đào cho biết, tại thời điểm này, hẻm 1D giáp kho công sản là vách tường liền không có cửa mở ra hẻm 1D. Bà Đào hỏi cán bộ quản lý kho công sản (ông Bùi Văn Phụng) xin đập vách tường giáp với hẻm 1D để mở cửa thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư và chứa vật tư xây dựng, sau đó sẽ xây trả lại hiện trạng như cũ. Nhưng ông Phụng không đồng ý xây lại, đó chính là căn nguyên có cái cửa sau của kho công sản. Vì cái cửa “bất đắc dĩ này”, công ty của gia đình bà Đào thường xuyên bị mất cắp; bà Đào phải cho xây bức tường che cửa đi, với mục đích ngăn kẻ trộm và làm đẹp cảnh quan.   

Năm 2010, bà Đào dựng rào chắn ngang hẻm bằng sắt, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại để bảo vệ tài sản và an ninh trật tự trong khu nhà mình, đồng thời không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong hẻm. Bà Đào cho biết: “Lý do tôi làm hàng rào này là các lô phía trong hàng rào đều là của tôi nên không làm ảnh hưởng đến ai, và người dân sống trong hẻm không ai có ý kiến gì đối với việc tôi dựng hàng rào”.

Đến năm 2014, con hẻm xuống cấp, ngập úng ở cuối hẻm, bà Đào nâng cấp phần cuối hẻm trong khu vực trước cửa nhà bằng xi măng và lát gạch để giữ gìn mỹ quan và đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực nhà riêng của bà. Việc nâng cấp con hẻm này cũng không làm ảnh hưởng gì đến người dân sống trong hẻm vì đây là hẻm cùng và các lô đất đối nhau đều thuộc quyền sở hữu của gia đình bà.

Nhận xét về vụ việc nêu trên, luật sư Phạm Hồng Sơn (Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Quyết định số 127 của Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo là trái với quy định của pháp luật. Cụ thể: ”Điều 13. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

...3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình trên đường đô thị không thực hiện theo phương án thi công hoặc thời gian quy định;

b) Thi công trên đường bộ đang khai thác không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn theo quy định; không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công; không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định để xảy ra tai nạn giao thông”.

Như vậy, theo Điều 13, Nghị định số 171 mà Quyết định số 127 viện dẫn, bà Đào không hề vi phạm. Hơn nữa, luật pháp để phục xã hội, phục vụ con người, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Những vấn đề dù lớn hay nhỏ trước khi xử lý đều được xét đến yếu tố lý và tình. Lý bảo đảm kỷ cương của pháp luật, tình bảo đảm việc áp dụng pháp luật phù hợp với thực tế có lợi cho dân, cho cộng đồng và doanh nghiệp, nhưng không làm mất đi tính thượng tôn của pháp luật. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, theo luật sư Sơn, dù chưa bàn đến việc áp dụng pháp luật để xử phạt hành chính bà Đào đúng hay sai, nhưng có thể thấy rằng việc áp dụng pháp luật tại địa phương này quá cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế, làm cho người dân, cụ thể là bà Đào, bị tổn hại về tinh thần, gây ra nghi ngờ cho xã hội về sự trù dập doanh nghiệp. Diện tích đất làm đường bà Đào đang sử dụng (theo quy hoạch gọi là hẻm cụt, thực tế coi như sân trước cửa nhà, vì ngoài cán bộ, công nhân công ty ra, không có người dân nào đi vào đường này). Tại sao địa phương không điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho bà Đào thuê, hoặc đấu giá khoảng đất nêu trên? Áp dụng pháp luật có lý, có tình, người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện sống, nhà nước tăng nguồn thu ngân sách, không tốn thời gian, giấy mực của cơ quan chức năng, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp văn minh hơn. Phải chăng đằng sau sự việc này còn khuất tất mà cơ quan chức năng cần phải làm sáng tỏ?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top