Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2022 | 10:12

An toàn thực phẩm: Tránh tư duy khẩu hiệu và lỗ hổng trong khâu kiểm soát

ATTP là vấn đề lớn, thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của toàn xã hội do đó cần tránh tư duy khẩu hiệu. ATTP phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người để cùng chung tay thay đổi tư duy cả cộng đồng chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý nhà nước và những đơn vị liên quan.

Sơ chế rau an toàn, chuẩn bị cung ứng thị trường .

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan trọng để bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội và quản lý nhà nước về ATTP không phải đợi đến tháng hành động mới vào cuộc mà phải hành động từng ngày, từng giờ và phải nỗ lực để thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Tránh tư duy khẩu hiệu

Mới đây Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến kinh doanh trên địa bàn TPHCM, đồng thời chủ trì Hội nghị “Đảm bảo chất lượng an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” qua hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước.

Tại hội nghị nhiều ý kiến đại biểu đã chỉ ra, các khâu sản xuất, lưu thông, chế biến phân phối thực phẩm trên thị trường hiện nay vẫn chưa có tính tự giác cao. Các cá nhân, doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Nghiêm trọng hơn, vừa qua tại TPHCM đã xảy ra tình trạng gian dối khi doanh nghiệp sử dụng hàng kém chất lượng nhưng “đội lốt” nhãn mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đối diện nỗi lo dư lượng các hóa chất. Đơn giản như cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Tư duy sản xuất, kinh doanh ở nhiều cá nhân, tổ chức vẫn còn đang nặng tính đối phó, chưa thực sự ý thức làm đúng chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Dẫn chứng thực tế tại TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cho biết, thành phố đang nỗ lực để bảo vệ an toàn trong từng bữa ăn cho khoảng 12 triệu dân. Cuộc chiến xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn bước đầu đã mang lại kết quả khả thi khi số vụ ngộ độc thực phẩm đông người giảm mạnh nhưng điều đó chưa thể khẳng định là đã an toàn. “Qua công tác giám sát chất lượng thực phẩm, tổng số mẫu năm sau được lấy nhiều hơn năm trước nhưng tỷ lệ sai phạm thì giảm dần theo các năm. Tùy từng thời điểm, nguy cơ, mặt hàng rau củ quả ở chợ đầu mối dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tổng số mẫu kiểm tra chiếm trung bình khoảng 10%. Tổng thể tất cả các nhóm mặt hàng thực phẩm thì khoảng 96% tỷ lệ đạt, 4% chưa đạt” - bà Phong Lan nói.

Từ thực tế kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền, các siêu thị, cơ sở giết mổ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá công tác quản lý chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TPHCM đã được thực hiện chặt chẽ, bảo vệ tốt quyền, lợi ích cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường kết nối với ngành nông nghiệp các địa phương để tạo nguồn hàng phong phú và kiểm soát chất lượng ngày càng tốt hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý: Đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp là tạo ra nông sản cung cấp thực phẩm thiết yếu cho cả cộng đồng, tác động tới sức khỏe của cả một thế hệ. Ngành nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực để tạo ra một chuỗi sản xuất và cung ứng an toàn từ nông trại đến bàn ăn. Các quy định liên quan đến thực phẩm sẽ dần hoàn thiện, đồng thời chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc phải thực hiện đối với cả hệ thống sản xuất, phân phối dần trở thành một ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

“ATTP là vấn đề lớn của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của toàn xã hội do đó cần tránh tư duy khẩu hiệu, không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc mà phải làm từng ngày, từng giờ. ATTP phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người để cùng chung tay thay đổi tư duy cả cộng đồng chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý nhà nước và những đơn vị liên quan”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, quy mô nhỏ nên chất lượng không ổn định và còn thiếu minh bạch. Tỷ lệ vi phạm ATTP, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển.

Lỗ hổng trong công tác kiểm soát

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng của Diễn đàn Hội quán Các bà mẹ cho biết, bản thân chị đã đi đến 42 tỉnh/thành trên cả nước để tìm hiểu về vùng trồng được quảng bá là rau sạch an toàn VietGAP.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể. Ảnh: Dương Ngọc

“Bản thân tôi luôn có sự đề phòng và nghi ngờ các sản phẩm rau quả trên thị trường, kể cả những sản phẩm có chứng nhận VietGAP. Bởi, khi đến những vùng trồng có chứng nhận VietGAP, tờ giấy đó được cấp một lần rồi dùng mãi mãi, không có khâu kiểm soát. Từ những lý do đó, tôi không ngạc nhiên trước sự việc rau VietGAP “dỏm” trà trộn vào siêu thị vừa qua”, chị Thúy nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), thời gian gần đây, dư luận vẫn râm ran về thông tin rau củ không rõ nguồn gốc biến hình thành rau chuẩn VietGAP vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Điều này cũng đến từ những lỗ hổng trong công tác kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thực phẩm. “Luật An toàn thực phẩm không quy định phải áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP,… Luật Thương mại cũng không bắt buộc rau củ quả, hàng tươi sống phải có nhãn mác và truy xuất nguồn gốc. Đây là điểm khó cho các chợ đầu mối vì có muốn cũng không làm được”, bà Minh cho biết.

Ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết mỗi ngày chợ có 2.300 tấn rau củ quả trái cây, lượng rau hằng ngày lớn hơn 1.300 tấn, trong đó 50% lượng quả từ Lâm Đồng gửi về. Theo quy trình nhập chợ, có đội kiểm soát những chủ hàng: đăng ký mã hàng, vùng chuyển, số điện thoại người cung cấp… vào sổ ghi chép để có thể truy xuất nguồn gốc. "99% thương nhân tại chợ tự mua bán và trao đổi hàng hóa trực tiếp với nhau. Chợ là nơi trung chuyển hàng hóa là chính. 9h tối là rau củ quả đã được tập kết ở chợ và khoảng 2 tiếng sau đã được vận chuyển đến các vùng tiêu thụ khác. 99% nông dân tự sản xuất, tự cung cấp cho các thương nhân ở chợ nên việc kiểm soát là rất khó khăn", ông Phương nói.

Theo ông Lý Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, không thể kiểm soát được sản phẩm cuối cùng đối với rau, củ mà bắt buộc phải kiểm soát bằng quá trình sản xuất, tiêu chuẩn, vùng nguyên liệu. Việc test (xét nghiệm) trong phòng thí nghiệm rất mất thời gian (từ 3-5 ngày) và chi phí rất cao, còn test nhanh thì chỉ phát hiện ra dư lượng bảo vệ thực vật ở hàm lượng cao,nên kiểm soát sản phẩm ở khâu cuối cùng là không khả thi.

Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

 Thông tin tại Tại tọa đàm trực tuyến: "Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm" do tạp chí Công thương tổ chức nêu rõ, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đến nay, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm An toàn thực phẩm tại 62/63 tỉnh, thành phố (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương). Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Quầy hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ Đông Hà (Quảng Trị) đang triển khai thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, quá trình thí điểm tới nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm còn đặt ra những bài toán khác nhau về phát huy nguồn lực và duy trì lâu dài và phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam như mô hình vẫn còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là các chợ ở khu vực nông thôn, khi mà người dân đến mua sắm còn chưa đông.

Cùng với đó, vấn đề nguồn hàng từ các chợ, phần lớn tiểu thương lấy từ chợ đầu mối hoặc là từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương, công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm hàng này còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo phân công của Chính phủ thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.

“Vì vậy, chúng tôi cũng cần phải có những gắn bó chặt chẽ hơn nữa để làm sao nguồn hàng từ các chợ đầu mối về với các chợ dân sinh là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Lê Việt Nga cho hay.

Ở góc độ địa phương, ông Đinh Lâm Sáng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, do địa hình nên giao thương tại tỉnh có những khó khăn nhất định. Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn, bởi tập quán tiêu dùng của người dân chưa quan tâm đúng mức đến an toàn thực phẩm. Một số chợ cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, thiếu kinh phí để bảo dưỡng…

Việc đề ra chính sách xây dựng mô hình hình chợ an toàn thực phẩm là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên, để chính sách gắn với thực tiễn của mỗi địa phương, phát huy được sự linh hoạt trong triển khai, từ đó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm, đòi hỏi vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các bên. Cùng với đó, những khó khăn của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc huy động nguồn lực để phát triển, duy trì chợ an toàn thực phẩm cần sớm được cơ quan chức năng có những tháo gỡ kịp thời./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top