Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023 | 15:20

Ba năm xuất khẩu nông sản, rau quả sang EU theo EVFTA: Bài học kinh nghiệm

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội và tạo động lực mạnh mẽ để tăng cường thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Hiện nay, EU là một trong những thị trường hấp dẫn nhất của nông sản Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA; trong đó rau quả là mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi của EU ngay từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

Sau hơn 3 năm thực thi  EVFTA, giá trị xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam có chiều hướng tăng rõ rệt. Năm 2022, tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có những bước tiến vượt trội. Cụ thể, sản lượng nông sản xuất khẩu năm 2022 tăng 11% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu tăng 15% so với 2021, 28% so với năm 2020.

Chế biến xoài đóng hộp xuất khẩu sang EU tại Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Cần Thơ). Ảnh N.H

Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam vào EU thời gian qua vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như mong đợi. Các biện pháp phi thuế quan như kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) vẫn là thách thức đối với nông sản Việt khi xuất khẩu sang EU. Đặc biệt, hiện nay EU đang liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp SPS, các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Cùng với việc tăng về sản lượng và giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU, Việt Nam cũng nhận được các thông báo về các lô hàng nông sản thực phẩm chưa tuân thủ các quy định SPS, trong đó có một số loại rau quả đã bị đưa vào diện kiểm soát chặt khi nhập khẩu vào EU.

Về sản xuất rau quả trong những năm qua

Nước ta có điều kiện sinh thái đa dạng phát triển được nhiều loại cây ăn quả khác nhau từ nhóm rau quả nhiệt đới, á nhiệt đới đến ôn đới. Bộ giống cây ăn quả, đặc biệt là các giống cây ăn quả đặc sản rất phong phú, có giá trị trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Mùa vụ thu hoạch rau quả của Việt Nam đa dạng, phong phú, có loại cho thu hoạch quanh năm.

Đến hết năm 2022 diện tích cây ăn quả của Việt Nam ước đạt 1,22 triệu ha, tổng sản lượng khoảng 13,5 triệu tấn, diện tích sản xuất rau là 975 ngàn ha, sản lượng 18 triệu tấn, từng bước đáp ứng nội tiêu và xuất khẩu, trong đó có thị trường EU.

Tuy nhiên sản xuất rau quả ngoài đáp ứng về số lượng và chất lượng, rất cần quan tâm đến các quy định của thị trường EU.

Chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm rau quả

Trong thời gia vừa qua nhờ có sự nỗ lực của nhà nước và sự vào cuộc của người nông dân và doanh nghiệp mà chất lượng và ATTP đối với sản phẩm rau quả đã có bước tiến đáng kể, từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của người tiêu dùng. Đó là lý do rau quả Việt Nam được xuất khẩu đến trên 85 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tính đến năm 2019 cả nước đã xây dựng được 1.577 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó riêng rau quả có 596 chuỗi/địa chỉ được chứng nhận (chiếm 37,8%).

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm xây dựng. Đến năm 2019 riêng TCVN liên quan đến bảo quản rau quả là 23 tiêu chuẩn đã được hài hòa hóa với TC quốc tế và khu vực và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Người sản xuất rau quả nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ có cơ sở áp dụng các TCVN và QCVN vào thực tế để sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc đáp ứng được yêu cầu của người tiêu thụ.

Sự chủ động của các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý

Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm coi đây là cơ hội để thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Châu Âu và ngay từ năm 2020, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 -2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021.

Tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030; Đối với các tỉnh Tây Bắc, năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030 và các kế hoạch triển khai các đề án này đến các tỉnh thành trên toàn quốc.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều hoạt động như: tọa đàm, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, mở cửa thị trường, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp sản xuất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để các sản phẩm trái cây của Việt Nam có thể xuất sang các nước EU.

Đối với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đều thống nhất tiềm năng xuất khẩu rau quả vào EU là rất lớn. Tuy nhiên thị trường này lại có những quy định rất khắt khe về an toàn thực phẩm cho từng loại trái cây, nhiều hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua khi xuất khẩu vào thị trường này.

Về xuất khẩu sang Liên minh châu Âu

Các chuyên gia cho rằng, EU với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người, có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả, do vậy, cơ hội cho rau quả Việt Nam tại EU là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 110 - 120 tỷ USD, tương đương với 40 - 45% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Mặc dù vậy, rau quả Việt mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của EU (Bộ Công Thương, Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU, ngành hàng rau quả).

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ: Năm 2019, xuất khẩu đạt 3,167 tỷ USD; năm 2020 đạt 3,07 tỷ USD; năm 2021 đạt 3,236 tỷ USD và năm 2022 đạt tới 4,934 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU cả năm 2022 khoảng 230 triệu USD, tăng 34,7% so với năm 2021; trong khi đó, các mặt hàng nông - thủy sản khác tăng trưởng ít hơn như thủy sản tăng 26,1%, cà phê tăng 13,1%, chè tăng 14,6%.

Giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 8/2023 ước đạt 370 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng với thị trường EU, tính đến hết 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 139,3 triệu USD, tăng 68,8% so với 7 tháng đầu năm 2022 (82,5 triệu USD).

Chanh dây là mặt hàng có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Vũ Thảo

Tuy nhiên, thời gian qua, một số mặt hành nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) vượt quá giới hạn cho phép của EU, cụ thể:

Năm 2021, EU có 40 thông báo về việc hàng nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không tuân thủ quy định ATTP, trong đó sản phẩm nông sản là 22 thông báo. Thông báo về vi phạm mức dư lượng hóa chất  (MRL) nhiều nhất (19 thông báo, tương đương 47,5%; ô nhiễm vi sinh vật là 7 thông báo, chiếm 17,5%). Trong 6 tháng đầu năm 2022, EU có 40 thông báo, riêng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% do dư lượng thuốc BVTV.

Ngày 27/1/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc đưa các mặt hàng rau gia vị của Việt Nam như: Rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây ra khỏi danh mục phụ lục II với mức kiểm tra dư lượng ở mức 50% số lô hàng. Tuy nhiên, nhiều loại rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn bị kiểm soát chặt do nhiều lô hàng vi phạm quy định về ATTP như:

Ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất lấy mẫu kiểm tra ATTP là 50% số lô hàng.

Đậu bắp bị chuyển từ phụ lục I (kiểm soát thông thường) sang phụ lục II (kiểm soát chặt) với yêu cầu chứng thư kiểm soát ATTP của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc BVTV tại cửa khẩu EU là 50% số lô hàng.

Thanh long vẫn nằm trong phụ lục II, với yêu cầu chứng nhận kiểm tra ATTP của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20% số lô hàng.

Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm quy định về MRL là do: Sử dụng hóa chất BVTV nhiều, chưa tuân thủ “4 đúng”, đặc biệt là chưa đảm bảo thời gian cách ly. Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV không có trong Danh mục được phép sử dụng của EU. Đối với các thuốc BVTV không được EU cho phép sử dụng bị áp mức MRL rất thấp, thường là 0,01 ppm, hầu như nếu đã sử dụng thì không thể đáp ứng quy định này.

Về kiểm dịch thực vật:

Các lỗi liên quan đến kiểm dịch thực vật của nông sản Việt Nam từ năm 2020 đến hết tháng 6/2023, tổng số lần cảnh báo của EU là 170 lần, trong đó: cảnh báo liên quan đến sâu bệnh hại là 28 lần; cảnh báo liên quan đến giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là 133, thông báo liên quan đến lý do khác là 4 lần, cụ thể:

Sâu bệnh hại mà EU đã phát hiện chủ yếu là các đối tượng KDTV của EU. Nhiều loài sâu hoặc vi sinh vật gây hại phổ biến trên rau quả Việt Nam thuộc đối tượng EU kiểm soát nghiêm ngặt và đã được EU phát hiện như: Ruồi đục quả, dòi đục lá, bọ trĩ, bọ phấn, vi khuẩn gây bệnh loét cam, quýt…

Liên quan đến giấy chứng nhận KDTV: Khối lượng hoặc chủng loại rau quả ghi trong giấy chứng nhận KDTV không trùng khớp với khối lượng, chủng loại thực tế của lô hàng; Lô hàng không có giấy chứng nhận  KDTV theo quy định; giấy chứng nhận KDTV ghi không đúng quy định của EU…

Các lý do khác: Vật liệu đóng gói và chèn lót bằng gỗ không tuân thủ quy định của EU; loài thực vật không được phép nhập khẩu vào EU…

Những hạn chế trên đang là rào cản rất lớn đến tăng trưởng xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng sang EU, mặc dù EVFTA đã mở ra cơ hội lớn trong thương mại giữa Việt Nam và EU.

Bài học kinh nghiệm khi thực hiện EVFTA

Về sản xuất rau quả

Để hội nhập và xuất khẩu vào EU, lĩnh vực sản xuất rau quả cần phải thay đổi và có định hướng phù hợp với từng thị trường:

Hạn chế lớn nhất là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì việc liên kết cần đặt lên hàng đầu để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn nhằm quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm, sự đồng đều về sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Năng suất, chất lượng một số loại rau quả xuất khẩu của nước ta còn chưa cao, làm giảm sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất. Tác động của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn...) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng rau quả. Đòi hỏi cần có sự đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu giống rau quả để cải thiện năng suất và chống chịu với điều kiện BĐKH.

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung để đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất như hệ thống thủy lợi, giao thông nội vùng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, kho bảo quản, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm;

Phát triển công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển, lưu thông các mặt hàng rau quả; xây dựng các nhà máy chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch, đồng thời giảm các thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu rau, quả tươi.

Về thương mại rau quả

EU quy định yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu rất nghiêm ngặt và thường xuyên thay đổi, do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu phải được cập nhật liên tục. Từ đó, việc tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu các tiêu chuẩn liên quan và phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đặc biệt chú trọng.

EU luôn đề cao vấn đề sở hữu trí tuệ, sản xuất minh bạch, nguồn gốc rõ ràng, trong khi đó các doanh nghiệp nông sản Việt Nam mới chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, thương mại công bằng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội...

Trong nước, hệ thống thu mua rau quả còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái; hệ thống kho bãi, dịch vụ logistic chưa đồng bộ dẫn đến giá thành cao, giảm sức cạnh tranh đối với mặt hàng rau quả tươi khi xuất khẩu. Đòi hỏi có sự phối hợp giữa Trung ương, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi, logistic, hoàn thiện chuỗi giá trị trong sản xuất rau quả.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến rau, củ, quả của Việt Nam còn hạn chế về công suất, chủng loại sản phẩm và mẫu mã. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU.

Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU thời gian tới

Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổng hợp tình hình, nghiên cứu, phân tích thông tin do EU cung cấp, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến các lỗi vi phạm quy định SPS thường gặp của nông sản và rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU trong thời gian qua để hướng dẫn doanh nghiệp và người sản xuất áp dụng các biện pháp cụ thể ngăn ngừa tái phạm, tự tin xuất khẩu nông sản sang EU.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết của các doanh nghiệp, người sản xuất và các đối tác có liên quan trong chuỗi sản xuất rau quả xuất khẩu sang EU về các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là cần quan tâm hướng dẫn thực hiện đúng các quy định SPS liên quan đến ATTP và KDTV.

Các doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn các chủng loại rau quả là thế mạnh của Việt Nam, xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất - xuất khẩu rau quả đạt tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng..., liên kết chặt chẽ với nông dân để sản phẩm được sản xuất ra đáp ứng tốt các quy định của thị trường EU.

Tăng cường xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến sang thị trường EU là giải pháp giúp khắc phục một số hạn chế của rau quả tươi của Việt Nam do khoảng cách địa lý xa EU và rau quả đã qua chế biến không có nguy cơ nhiễm sâu bệnh hại, vì vậy có thể dễ dàng vượt qua hàng rào kiểm dịch thực vật của EU, rất cần được các địa phương và doanh nghiệp quan tâm.

(Bài viết sử dụng tư liệu của "Dự án cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn - The Systematic Mechanism for Safer Trade Project - SYMST")

 

TS. Lê Văn Đức - TS. Chu Văn Chuông (Hội Làm vườn Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top