Là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, vì vậy, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) ưu tiên phát triển mô hình nông nghiệp đô thị.
Với sự định hướng của ngành chức năng và sự sáng tạo, nhạy bén từ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác nhiều mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao dần hình thành, đem lại thu nhập ổn định, góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực ven đô.
Trồng rau thủy canh trong trụ đứng tại Gia Ngọc Farm.
Điểm nhấn nông nghiệp đô thị
Năm qua, ngành Nông nghiệp quận Cái Răng tạo được điểm nhấn khi xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chất lượng cao. Ðơn cử như mô hình trồng rau thủy canh trong trụ đứng tại phường Phú Thứ; mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại phường Hưng Phú; trồng rau trong nhà lưới ở phường Hưng Thạnh; trồng hoa hồng leo, nuôi lươn không bùn ở phường Thường Thạnh…
Ðược biết đến là một trong những người tiên phong về trồng rau thủy canh trong trụ đứng tại TP Cần Thơ, chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm, Chủ Gia Ngọc Farm (phường Phú Thứ), bộc bạch: "Xuất phát điểm ban đầu tôi chỉ trồng rau sạch dùng trong gia đình. Sau vài lần thử nghiệm, tôi thấy rau trồng rất đạt về sản lượng lại có vị ngọt, giòn, hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ đó, tôi mơ ước lớn hơn là mang rau sạch đến nhiều người để họ có thể sử dụng rau sạch giống mình. Nghĩ là làm, từ tháng 5-2023, tận dụng khoảng 300m2 đất của gia đình, tôi đầu tư hệ thống nhà kính, phun sương, cung cấp dinh dưỡng tự động… để trồng 250 trụ rau thủy canh trồng xà lách các loại, cải bó xôi, cải thìa, cải ngọt, cải xanh…". Theo chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm, mặc dù trồng rau thủy canh trong trụ đứng chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với cách trồng rau thủy canh truyền thống nhưng bù lại có thể tối ưu hóa không gian để trồng rau nhiều hơn; khâu vệ sinh, kiểm soát bệnh hại dễ dàng và có thể chủ động trong khâu lắp ráp, di chuyển…
Không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế, nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận Cái Răng còn sản xuất theo tiêu chuẩn; áp dụng khoa học kỹ thuật để tiết giảm chi phí… Bà Lưu Kim Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thường Thạnh, cho biết: Hiện phường có 3 mô hình được chứng nhận VietGAP: 1 mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm ở khu vực Thạnh Thắng, 1 mô hình nuôi lươn không bùn ở khu vực Thạnh Huề và 1 mô hình nuôi lươn không bùn ở khu vực Thạnh Lợi. Ngoài ra, Hội Nông dân phường cũng thường xuyên phối hợp Trạm Khuyến nông quận Cái Răng mở các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất; hỗ trợ cây con giống, vật tư nông nghiệp... cho bà con.
Vừa được Hội Nông dân phường Thường Thạnh hỗ trợ 50% giá mua vật tư, thiết bị cho hệ thống tưới phun tự động vườn nhãn Ido của gia đình, ông Nguyễn Văn Hoàng, chia sẻ trong niềm vui: "Trước đây mỗi lần tưới nhãn tôi phải tưới từ sáng tới chiều mới xong. Giờ chỉ cần 15 phút là có thể tưới hết cả vườn. Sau bao năm làm vườn, khâu tưới nước làm tôi ngán ngại vì tốn nhiều công sức, thời gian nay đã được tự động hóa hoàn toàn. Mặt khác, nhờ hệ thống vòi tưới tự động lắp đặt phù hợp, từng gốc nhãn được tưới đúng vị trí, đúng lượng nước cần tưới, tránh được thất thoát nước".
Phát triển theo chiều sâu
Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nông dân, cơ sở sản xuất đã và đang có hướng mở rộng quy mô, đưa các mô hình nông nghiệp đô thị phát triển theo hướng công nghệ cao, có chiều sâu. Chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm, chia sẻ: "Mỗi tháng vườn rau nhà tôi cho ra thị trường khoảng 150kg rau, với giá bán dao động 50.000-60.000 đồng/kg, tùy loại. Hiện khách hàng của tôi chủ yếu mua online qua các kênh Facebook, Zalo, Tik Tok… Ðể mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng niềm tin cho khách hàng, sắp tới tôi sẽ hoàn tất thủ tục chứng nhận VietGAP, xây dựng thương hiệu Gia Ngọc Farm. Ðồng thời, mở các khu trải nghiệm để khách có thể vừa nấu ăn vừa thưởng thức rau sạch; kết nối để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố".
Ðể các mô hình nông nghiệp đô thị hình thành và phát triển, sự trợ lực từ phía ngành chức năng có vai trò vô cùng quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thứ, Hội tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế hộ, nhân rộng điển hình tiên tiến góp phần xây dựng kinh tế ven đô và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Chẳng hạn, đối với mô hình nuôi lươn không bùn sẽ nâng lên thành tổ hội nghề nghiệp và mở rộng diện tích cung cấp lươn giống cho bà con trong và ngoài địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí vận chuyển, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Ðồng thời, nỗ lực đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử để quảng bá sản phẩm, mở thêm nhiều đầu ra cho nông dân, tổ hợp tác.
Ông Trần Vũ Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Cái Răng, nhấn mạnh: "Ðể nâng chất các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn, năm 2024, Cái Răng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp đô thị; khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và tổ hợp tác để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành chức năng quận thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị cho các loại nông sản chủ lực, bảo đảm đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân".
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…