Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 18 tháng 9 năm 2023 | 10:8

ĐBSCL tạo điều kiện hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL.

Tín dụng tăng trưởng ấn tượng

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã giúp cho hoạt động ngân hàng trong khu vực không ngừng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các ngành hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, các dịch vụ tài chính, ngân hàng an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Đến cuối tháng 8/2023, tín dụng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn vùng ĐBSCL với dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04%, chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực.

Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Về cơ chế, chính sách tín dụng không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp... theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm); chính sách cho vay bằng ngoại tệ để để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 8.2023 dư nợ toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%), chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Dự kiến từ nay đến cuối năm tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.

Có thể thấy, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL. Những năm qua, các tỉnh vùng ĐSBCL đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển những mặt hàng nông sản chủ lực thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau củ quả. Sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành lúa gạo và thủy sản đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản chung của cả nước.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL diễn ra mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên để điều hành tập trung tín dụng, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ.

Ngoài những chính sách chung hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước đã tập trung vốn, không để thiếu vốn, thiếu tiền mặt, thiếu các dịch vụ cung ứng tiền, cung ứng vốn tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thu mua, chế biến, tạm trữ và xuất khẩu hàng hóa bằng tiền đồng và ngoại tệ. Đặc biệt là làm sao để tranh thủ lợi ích tối đa về điều kiện thuận lợi hiện nay về xuất khẩu lúa gạo đồng thời giải quyết những khó khăn trong lĩnh vực thủy hải sản xuất khẩu còn đang khó khăn, thiếu đơn hàng cũng như tình trạng tồn kho còn khá khó khăn hiện nay.

Lúa gạo, thủy sản là những lĩnh vực được ưu tiên

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ.

Cụ thể nhiều doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại cần có cơ chế, định mức vay thông thoáng hơn như: tăng thời hạn và định mức vay cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, có chính sách giảm lãi suất cho vay ngoại tệ và đồng Việt Nam bởi trước đây doanh nghiệp đã vay với lãi suất rất cao trong khi tình hình tiêu thụ hàng hóa hiện đang gặp khó khăn, giảm bớt thủ tục để được vay, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đối với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng cần có tư duy mới đầu tư cho vay để phát triển theo chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản thì cả khu vực mới phát triển.

Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên, CEO Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện nay nguồn vốn vay của ngân hàng đang đang bị thắt cổ chai ở chỗ doanh nghiệp nên NHNN cần có chính sách cho nông dân vay vốn trên cở sở các hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp thông qua việc cho vay về giống, vật tư nông nghiệp chứ không nhất thiết là phát vay bằng tiền mặt. Trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những đơn hàng lớn nên cũng rất cần các ngân hàng có chính sách tăng định mức cấp vốn tín dụng, đồng thời tăng thời gian phát vay từ 6 tháng hiện nay lên 12 tháng hoặc 18 tháng để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp chất lượng cao Trung An, hiện tại doanh nghiệp lúa gạo của Trung An hoạt động là không thiếu vốn. Nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hiện đã được các ngân hàng cho vay đảm bảo hoạt động tốt, thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh hiện tại còn thừa vốn vì sản xuất khó khăn không biết vay vốn để làm gì. Còn thiếu vốn hiện nay là thiếu vốn để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Vì vậy, bản thân mong muốn các ngân hàng cần có tư duy mới đầu tư cho vay để phát triển theo chuỗi giá trị cho 2 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản thì cả khu vực mới phát triển…

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có thiếu vốn hay không, không phải là do ngân hàng không cho vay mà do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Do đó, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương, góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

Cùng về vấn đề này, Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, có một thực tế cần nhìn nhận rằng việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như: Hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp, trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi các đợt nước biển dâng, xâm nhập mặn và mưa lũ, sạt lở đất.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông. Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế; chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công - tư, chính sách phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã được triển khai song chưa đạt như kỳ vọng.

Bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, gia tăng áp lực lạm phát, tỷ giá, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào, xăng dầu leo thang, cầu tiêu dùng thế giới giảm, thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp, thị trường mới thiếu ổn định gây khó khăn hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công…

Bà Giang cho rằng cần xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư, hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.

Tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đặc biệt, cần phải đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trong vùng.

 ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  yêu cầu, đối với các tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ; tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…

Với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố, ngoài việc kết nối, báo cáo chính quyền địa phương, theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là nơi đầu mối kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, nắm đc những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện nay. Trên cơ sở đó, cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.

Đối với các doanh nghiệp, cũng phải tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền, phối hợp với tư tưởng đồng hành, chia sẻ, gắn bó, cởi mở, báo cáo trung thực tài chính với ngân hàng; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn; quan tâm đến chuyển đổi số…

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top