Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương, kết hợp các chính sách hỗ trợ, có thể cung ứng đủ số lượng giống cây trồng phục vụ cho sản xuất thời gian tới.
Đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, ngành trồng trọt ước bị thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng do bão số 3 và mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc. Đây cũng là lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tổ chức họp để chỉ đạo phục hồi sản xuất ngay sau bão lũ trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp với những hướng dẫn về kỹ thuật để khôi phục sớm nhất với những diện tích có thể cứu lại được. Cùng với đó là các biện pháp tiêu úng được thực hiện khẩn cấp.
Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội. Các doanh nghiệp cũng rất trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân. Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tinh thần nhanh chóng, kịp thời nhất để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những hội nghị phục hồi sản xuất để đảm bảo khung mùa vụ và cơ cấu cây trồng, từ đó, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và các năm tiếp theo.
Bão số 3 và hoàn lưu của nó đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những định hướng trong khôi phục sản xuất, việc đảm bảo nguồn cung ứng cây giống để đảm bảo sản xuất, đáp ứng nguồn cung thực phẩm kịp thời, nhất là dịp Tết.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, hằng năm, diện tích vụ đông dao động 350.000-400.000ha. Năm nay, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp địa phương tối đa hóa diện tích cây vụ đông. Những diện tích nào bị thiệt hại mất trắng, không có khả năng phục hồi sẽ đẩy sớm cây vụ đông. Như vậy, diện tích cây vụ đông sẽ tăng lên.
Các địa phương sẽ phải cơ cấu lại và sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày để quay được nhiều vòng sản xuất trước khi bước vào vụ lúa đông xuân 2024-2025. Các địa phương cũng chủ động xin từ nguồn dự trữ quốc gia cũng như các doanh nghiệp cung ứng kịp thời nhất về cây giống.
Về cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Việc ban hành nghị định sửa đổi sẽ góp phần đáng kể giúp các địa phương, người dân có nguồn lực tái tạo, phát triển sản xuất.
Đáp ứng nhu cầu giống và cam kết không tăng giá
Để khắc phục thiệt hại do bão lũ, tổng hợp nhu cầu hạt giống để hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhu cầu giống lúa khoảng 15.000 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng trên 4.100 tấn); rau các loại 112,5 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 0,25 tấn); giống ngô khoảng 1.080 tấn (kho dự trữ quốc gia có khoảng 275,4 tấn).
Trước nhu cầu cây giống trên, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía Bắc. Các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho bà con nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm gióp phần giúp bà con nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Cập nhật đến 11 giờ ngày 18/9, đã có 18 doanh nghiệp, hiệp hội… ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cùng tiền mặt trị giá 15,2 tỷ đồng.
Điển hình Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền ủng hộ giống cây trồng, vật tư, phân bón trị giá 3 tỷ đồng/doanh nghiệp...
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed, nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ cho người dân vùng bão lũ là việc làm cần thiết và Tập đoàn ThaiBinh Seed luôn luôn thực hiện công tác này từ nhiều năm nay. ThaiBinh Seed sẽ hỗ trợ 30 tấn giống ngô, 20 tấn giống lúa (tương đương 3 tỷ đồng) và sẽ trao trực tiếp tới bà con thông qua sự phân bổ của Bộ. Đồng thời, chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá các loại giống để bà con yên tâm sản xuất”.
Đại diện Công ty Bình Điền cũng cam kết: “Công ty đã quyết định sẽ hỗ trợ, đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng kinh phí 3 tỷ đồng (1 tỷ đồng hỗ trợ phân bón, còn lại là giống ngô và giống lúa). Chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp đến các địa phương theo danh sách phân bổ cụ thể của Bộ. Và chúng tôi cũng cam kết sẽ không tăng giá các sản phẩm của công ty để tiếp tục hỗ trợ bà con ổn định sản xuất”.
Đồng hành, chia sẻ thiệt hại với bà con vùng bão lũ, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng VN (Vinaseed) cũng đã trao tặng kinh phí 3 tỷ đồng thông qua việc hỗ trợ các loại giống cây trồng; Công ty CP Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ nông dân các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai giống ngô và 1,2 tỷ đồng tiền mặt.
Đại diện Công ty Bayer Việt Nam - ông Nguyễn Trường Vương cho biết: “Bayer Việt Nam quyết định hỗ trợ 20 tấn giống ngô (tương đương 2,4 tỷ đồng) cho người dân các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Bên cạnh đó, thời gian tới, chúng tôi có chủ trương nhập khẩu các loại hạt giống rau màu để tiếp tục hỗ trợ bà con với mức giá ưu đãi nhất”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các địa phương để tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của từng địa phương, nhu cầu của bà con. Nếu là giống thì các loại giống gì, các loại vật tư gì… Trên cơ sở đó, Bộ sẽ lập danh sách để các doanh nghiệp có thể phân bổ tận nơi với mục tiêu tiền, hàng đến được tay người dân thiết thực và hiệu qủa nhất.
Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định: Đây chỉ là hỗ trợ bước đầu, rất mong các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với những kế hoạch dài hơi nhằm giúp người dân không chỉ ổn định cuộc sống sau bão lũ mà còn tái thiết cuộc sống bền vững, lâu dài hơn nữa.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…