Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 3 năm 2023 | 14:55

Đâu là giải pháp để dừa mang về tỷ đô?

Dừa và các sản phẩm từ dừa được coi là mặt hàng đang có sức bật lớn của nông sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD.

Ngành dừa Việt Nam đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Năm 2023, phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa sẽ gia nhập “câu lạc bộ” tỷ USD.

Tiềm năng của trái dừa Việt Nam

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, chia sẻ, những năm qua, dừa trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty, trong đó dừa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là lớn nhất. “Theo cơ chế thị trường, năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu trái cây sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng 30-40%, trong đó có mặt hàng dừa tươi”, ông Tùng thông tin.

Nói về tiềm năng của trái dừa Việt Nam, bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), nhận định, sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là sản phẩm chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ… Công ty đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng từ trái dừa để tăng giá trị xuất khẩu.

Ngành dừa tiệm cận nông sản xuất khẩu tỷ USD.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam phát triển khoảng 200 sản phẩm, trong đó có một số sản phẩm giá trị cao, xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Phần Lan, Hoa Kỳ..., qua đó khẳng định thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiện, hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhận định, hiện đơn hàng xuất khẩu dừa của doanh nghiệp rất khả quan, nhiều khả năng ngành này sẽ cán đích xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.

Cả nước có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”.  Hiện nay, ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.

Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa. Ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, lợi thế của gỗ dừa là không nằm trong bất kỳ nhóm gỗ hạn chế nào trên thị trường nhưng giá trị lại rất lớn. “Gỗ dừa được xếp vào nhóm một - nhóm gỗ có giá trị cao nhất của quốc gia”, ông Khoa nói.

Để khai thác giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ dừa, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang trình và đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các tiêu chuẩn, các văn bản quy định về khai thác và kinh doanh nhóm ngành này, cũng như ban hành những tiêu chuẩn quy định để tạo thuận lợi cho xuất khẩu gỗ dừa trong thời gian tới.

Hiệp hội Dừa sẽ gửi hồ sơ lên Tổng cục Hải quan xây dựng đơn giá tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp làm căn cứ xuất khẩu. Đồng thời, triển khai truyền thông đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm từ gỗ dừa như một loại nguyên liệu gỗ thân thiện với môi trường.

Xây dựng các vùng trồng bền vững

Đối với dừa trái nguyên liệu, trong bối cảnh sức mua thị trường thế giới giảm, từ cuối năm 2022, giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dừa.

Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng. Do vậy, một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao uy tín của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa còn rất lớn. Theo bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc khối nguyên liệu Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu.

Do vậy, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào. Hiện nay, Betrimex đã phát triển được hơn 8.300ha dừa ở Bến Tre và Trà Vinh đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Để gia tăng giá trị trái dừa, bà  Liên cho rằng, phải cải tiến khâu sơ chế. “Hầu như sơ chế dừa trái đang làm thủ công, hy vọng các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu phát triển máy móc sơ chế dừa trái, giảm phụ thuộc lao động thủ công, gia tăng giá trị nguyên liệu dừa trái”, bà Trúc Liên đề xuất.

Bà Trúc Liên cũng đề xuất cơ chế ưu đãi về vốn cho các dự án đầu tư công nghệ chế biến dừa và các dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững, theo các tiêu chuẩn hữu cơ của các thị trường khó tính.

Đẩy mạnh hoạt động giao thương thúc đẩy phát triển ngành dừa

Hiệp hội Dừa Việt Nam đề ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa và ngành liên quan đến dừa, đẩy mạnh các hoạt động giao thương kích cung, kích cầu cho thị trường, thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ngành dừa Việt Nam trong thời gian vừa qua trở mình phát triển lại gặp phải 02 đợt dịch bệnh trên toàn thế giới làm chậm đi tốc độ tăng trưởng mà cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cả nước từng kỳ vọng. Tuy nhiên, lại có những lợi thế mà Trung ương đã tạo điều kiện cho ngành dừa như: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa.

Dừa là một trong 9 nhóm ngành đầu tiên của quốc gia được Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho việc thúc đẩy phát triển. Chính phủ tin tưởng trao trọng trách cho Hiệp hội dừa Việt Nam đại diện ngành dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Thế giới – ICC, đưa cây dừa vào đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. (Quyết định số 5227/QĐ-BNN-TT ngày 30/12/2021) và nhiều điều kiện thuận lợi khác.

Quyền Tổng thư ký - Phó trưởng Đại diện Hiệp hội dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa thế giới - ông Cao Bá Đăng Khoa cho biết, trong chương trình triển khai kế hoạch hành động 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam đề ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa và ngành liên quan đến dừa, đẩy mạnh các hoạt động giao thương kích cung kích cầu cho thị trường, thúc đẩy cho sự phát triển của nền kinh tế. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kết nối, giao thương, đưa thương hiệu của mình truyền thông rộng rãi. Hiệp hội Dừa Việt Nam đã tổ chức chương trình “Xúc tiến thương mại ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa” lần thứ 1 với chuyên đề: “Hợp tác phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên cho biết: “Với chương trình cấy phôi tích hợp, chúng tôi sẽ sử dụng lại các phôi dừa trong quá trình sơ chế hàng ngày, sau thời gian nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và đưa ra vườn ươm, những cây dừa này được quay về để cung cấp cho bà con nông dân cải tạo hoặc trồng mới vườn dừa nhằm tái tạo vùng trồng của Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh lân cận”.

Đẩy nhanh việc mở cửa với các sản phẩm từ dừa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với mặt hàng dừa tươi, trong đó Hải Nam là một trong những địa phương nhập khẩu dừa tươi lớn nhất của nước này. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với trái dừa của Việt Nam sẽ giúp Hải Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Sơ chế và đóng gói dừa xuất khẩu tại Công ty Vina T&T . Ảnh: Vina T&T

Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam - Thẩm Hiểu Minh bày tỏ hoàn toàn ủng hộ và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan và địa phương liên quan của tỉnh Hải Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hiện thực hóa việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, dừa là cây cho nhiều sản phẩm nhất. Không chỉ lấy nước và cùi, giờ đây, tất cả các bộ phận của cây dừa đều được tận dụng, chế biến ra những sản phẩm mới như: rượu dừa, bộ ấm chén pha trà, ấm ủ trà, kẹo dừa, bánh dừa khô, bánh hoa dừa, kem dưỡng da, kem chống nắng,... Ngay cả phần vỏ quả trước bỏ đi thì nay người ta làm ra chỉ xơ dừa, bện dây thừng, làm đất bầu cây... Nói tóm lại là khó có thể liệt kê hết các sản phẩm có nguồn gốc từ cây dừa (theo thống kê của ngành chuyên môn, có tới 208 sản phẩm chế biến từ dừa). Do đó, đẩy nhanh việc mở cửa các sản phẩm từ dừa ra thế giới là một nhiệm vụ quan trọng để cây dừa mang về nhiều hơn tỷ USD.

Vai trò của người nông dân

Việc dừa sắp trở lại thị trường khó tính như Hoa Kỳ là tin vui với nông dân các vùng trồng nhiều dừa, đặc biệt là Bến Tre. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, cho biết, toàn tỉnh có 15.869ha dừa uống nước (dừa xiêm xanh, là loại có thể xuất sang Mỹ - PV).

Tiềm năng mở rộng là rất lớn do diện tích dừa loại này chỉ chiếm 20,34% tổng diện tích dừa Bến Tre. Tỉnh cũng có hơn 17.200ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó gần 10.900ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, dừa hữu cơ chủ yếu là dừa công nghiệp dùng làm các sản phẩm như dầu dừa tinh khiết, cốt dừa, cơm dừa nạo sấy.

“Các tổ chức cấp chứng nhận luôn kiểm tra, đánh giá hằng năm. Hiện chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp làm sẵn một số mô hình liên quan mã số vùng trồng, nhà đóng gói, khi cần là nhân rộng ra ngay”, ông Đức nói và cho biết dừa xuất khẩu của tỉnh chủ yếu đến từ các vùng đã có giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ.

Về phía doanh nghiệp, ông Mười của Vina T&T cho biết, đang theo sát quá trình cấp phép. Doanh nghiệp này thường xuyên điều chỉnh, tái đánh giá vùng trồng mỗi năm. Để bảo đảm chất lượng ổn định, Vina T&T cũng đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của nhà máy đóng gói, đồng thời kiểm soát chất lượng đầu vào từ khâu canh tác, bón phân đến thu hoạch và vận chuyển về nhà máy sơ chế, đóng gói.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, ngoài doanh nghiệp và chính quyền, nông dân cũng có vai trò quan trọng không kém. Trong đó đặc biệt phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn dưới sự giám sát của Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương. Nhà vườn cũng chỉ nên sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật được phía Mỹ cho phép, bảo đảm sản phẩm không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Cần chiến lược bền vững

Là mặt hàng mới, tiềm năng, do đó, ngành dừa cần xây dựng một chiến lược bền vững. Ông Cao Bá Đăng Khoa cho rằng, mùa xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu, do đó, Việt Nam cần xây dựng ổn định vùng nguyên liệu cho mặt hàng xuất khẩu này. Ngoài ra, Chính phủ cần tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

“Một trong những chương trình trọng tâm của Hiệp hội Dừa Việt Nam năm nay là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để mở rộng đầu ra cho trái dừa, trong năm 2023, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ đẩy mạnh hoạt động giao thương kích cung - kích cầu cho thị trường”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trong kế hoạch sắp tới, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ xây dựng thêm các hiệp hội dừa ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở mỗi tỉnh, hiệp hội sẽ do tỉnh thành lập và Hiệp hội Dừa Việt Nam là thành viên nhằm hỗ trợ cho các hội viên.

Mặc dù có tiềm năng lớn, song ông Khoa cho biết, việc phát triển ngành này còn nhiều khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp và Hiệp hội đang từng bước xây dựng những bộ tiêu chuẩn riêng, quy tắc riêng cho dừa. Chẳng hạn bộ tiêu chuẩn cây giống, xác nhận về nguồn gốc xuất xứ gỗ dừa. Sở dĩ ngành này phải làm vậy vì hiện không có khuôn mẫu nào xác nhận sản phẩm gỗ dừa cho việc vận chuyển gỗ từ địa phương này tới địa phương khác.

Về giải pháp lâu dài, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Cục sẽ phối hợp các đơn vị mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…; phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT có kiến nghị, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu cho dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.

Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Để thương hiệu sen Huế vươn xa

    Nhiều năm qua, sen Huế đã có thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm như hoa sen, hạt sen, trà sen... tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây sen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn gắn liền với đời sống và nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người.

  • A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo

    Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.

  • Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Lục Ngạn gỡ khó để các xã về đích NTM đúng tiến độ

    Theo kế hoạch năm 2024, Lục Ngạn (Bắc Giang) có một xã đạt NTM, hai xã đạt NTM nâng cao. Với đặc thù là huyện miền núi nên khi triển khai địa phương gặp nhiều khó khăn. Song, với sự đồng thuận cao của Nhân dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, huyện đang quyết tâm đưa các xã về đích đúng tiến độ đề ra.

Top