Doanh nghiệp cho rằng, không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn.
Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh MINH HÀ)
Tín hiệu tăng trưởng lạc quan
Để cán đích mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 từ 54 - 55 tỷ USD, thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư mạnh cho chế biến sâu. Và ngay những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có hàng loạt đơn hàng xuất khẩu nông sản đến các thị trường lớn.
Đơn cử như Công ty CP Nafoods Group, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 1.300 tấn nguyên liệu quả tươi sang thị trường các nước trong tháng 1/2024; trong đó, sản lượng chanh leo cô đặc chiếm 60% và chanh leo NFC (nước ép) chiếm 30%.
Giám đốc Kinh doanh công nghiệp Công ty CP Nafoods Group Hồ Thị Loan chia sẻ, xuất khẩu chanh dây sẽ mang lại giá trị cao trong năm 2024 khi giá đang không ngừng tăng mạnh trở lại với mức giá chanh quả chế biến từ 10.000 – 11.000 đồng/kg. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trong nước và thế giới có nhu cầu mở rộng sản xuất, cũng như nhu cầu thị trường chanh quả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào tăng mạnh vào đầu năm.
Tương tự, mặt hàng gạo cũng đón chờ một năm thành công, khi các tín hiệu từ các thị trường đều rất khả quan. Ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận được nhiều đơn hàng.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện trên 600 USD/tấn. Năm 2024, lượng gạo xuất khẩu tối thiểu của Việt Nam có thể cũng bằng năm 2023, nhưng giá trị chắc chắn cao hơn từ 10 - 15%. Do vậy, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo dự kiến đạt mức trên 5 tỷ USD.
Nhận định về thị trường gạo xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa phân tích: mặc dù, giá lúa, gạo vẫn phụ thuộc khá lớn vào việc Ấn Độ có xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo hay không, song giá mặt hàng này năm 2024 vẫn có thể ở mức cao.
Theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), thế giới đang thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo. Hiện lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Đây là thời cơ lớn cho mặt hàng lúa, gạo Việt Nam mà các doanh nghiệp cần tận dụng để bứt phá.
Chế biến sâu tạo những sản phẩm có giá trị cao
Các chuyên gia khuyến nghị, để xuất khẩu nông sản trong năm 2024 đạt giá trị cao hơn và thiết lập nhiều kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng chủ lực, ngành hàng nông sản Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn về chế biến sâu. Đây được coi là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng được chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra những sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị cao hơn.
Năm 2024 mặt hàng tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đề cập về giải pháp chế biến sâu, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.
Theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trên chặng đường vượt khó trong năm 2024 mặt hàng tôm cần phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, bằng cách lựa chọn giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động chế biến để nâng giá trị gia tăng.
Sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.
Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phạm Minh Thông cho rằng, để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu.
“Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn”.
Có chiến lược cụ thể cho từng ngành hàng
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Các chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp sẽ cán đích thành công, thậm chí vượt mục tiêu đề ra, bởi nhiều ngành hàng hứa hẹn có đột phá lớn. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyễn cho biết, năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả.
Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).
“Nguồn lực rau, quả của Việt Nam là rất lớn; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới. Dư địa của ngành hàng này còn nhiều. Điều quan trọng là làm thế nào để khai thác tốt các tiềm năng đó”, ông Đặng Phúc Nguyễn nói.
Tương tự, nhóm, ngành hàng thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, khi nhiều thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, gạo, lâm sản, các sản phẩm đồ gỗ cũng được ngành Nông nghiệp kỳ vọng có một năm phục hồi, khởi sắc để đưa giá trị xuất khẩu của toàn ngành lên cao.
Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức không phải là không có. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nông sản Việt đã có sự chuyển biến về chất lượng, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu, song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ bám sát các thị trường nhập khẩu lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng, như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…