Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 11:55

Để Tây Nguyên giàu lên: Cần chủ động, sáng tạo

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020, kinh tế - xã hội - văn hóa vùng đã đạt kết quả khá toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương cắt băng khai mạc triển lãm ảnh “Tây Nguyên xanh – Hài hòa – Bền vững”. (Ảnh: MPI)

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020, kinh tế - xã hội - văn hóa vùng đã đạt kết quả khá toàn diện: Quy mô kinh tế năm 2020 đạt  gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/người/năm, gấp 10,6 lần năm 2002. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2002 - 2020 đạt 5,5%, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong các vùng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng gần 2 lần, từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 2,47 tỷ USD năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2002 - 2020 đạt 9,8%, cao nhất trong các vùng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; hệ thống giáo dục, đào tạo được đầu tư đồng bộ. Các di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 82,8% năm 2010 lên 96,7% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,5% năm 2016 xuống 11% năm 2020.

Theo nhiều chuyên gia và người dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên, cái được lớn nhất sau 20 thực hiện NQ10 không chỉ là cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển, đời sống người dân,… mà là sự thay đổi về nhận thức, đặc biệt là tư  duy phát triển kinh tế bền vững, trên cơ sở thị trường đã bén rễ trong cộng đồng 6 triệu người thuộc 53 dân tộc anh em, trong đó có 2,2 triệu người là người của 52 dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, Bộ Chính trị khóa XIII đánh giá: Mặc dù đã có sự phát triển nhưng Vùng Tây Nguyên, vùng có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, vùng giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa phát triển chưa tương xứng, còn nhiều tồn tại (Khoa học - Công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng. Giáo dục - Đào tạo chuyển biến còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Giảm nghèo chưa bền vững; số hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỉ lệ xã đạt chuẩn “Nông thôn mới” còn thấp…) phải giải quyết nhanh để tạo bước tiến mới, theo kịp đà đi lên của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW. Nghị quyết lần này thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng tại Đại hội XIII, quyết tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về phát triển Vùng Tây Nguyên trong thời kỳ chiến lược mới. Trên cơ sở đó, Nghị quyết xác định rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045: Phấn đấu đến năm 2030, “Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế…”. Tầm nhìn đến năm 2045: “Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong Vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước…”.

Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 20/11 vừa qua, tại Đà Lạt - Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.

Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh Vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá. Trong đó nêu rõ việc huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển Vùng Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%. Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Đặc biệt là, sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu 5 tỉnh Vùng Tây Nguyên, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện các tổ chức quốc tế, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển Vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững” và nêu rõ, Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương Vùng Tây Nguyên thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ để giúp vùng Tây Nguyên phát triển.

Thời gian đến năm 2030 không còn nhiều mà nhiệm vụ thì rất nặng nề. Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, các cấp chính quyền và người dân Vùng Tây Nguyên cần chủ động, sáng tạo, cùng nhau phối hợp xây dựng chính sách đặc thù trên tinh thần liên kết toàn diện nhằm tạo đột phá.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top