Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 8 năm 2024 | 10:43

Điện Biên: Phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, Điện Biên tích cực chuyển đổi cơ cấu từ các giống cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được các địa phương, hộ sản xuất đẩy mạnh, giúp nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Mường Ảng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị

Thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện Mường Ảng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu.

Cà phê là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Với quan điểm phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững, huyện Mường Ảng đã xác định việc phát triển cây công nghiệp (cây cà phê), cây ăn quả thành vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng. Từ năm 2021, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cùng Nhân dân trên địa bàn phục hồi 13,4ha cà phê, trồng mới 18,1ha nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên 2.193,5ha.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Mường Ảng, huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc thực hiện chế biến sâu cà phê, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm cà phê sạch, có chất lượng cao và ổn định. Hiện nay trên địa bàn có 2 cơ sở chế biến cà phê bột và các sản phẩm từ cà phê gồm: Công ty TNHH Hải An và Cơ sở chế biến cà phê Hà Chung. Các dòng sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao và 3 sao gồm: Cà phê bột Hà Chung - bột pha phin, cà phê bột Minh Duy, cà phê bột Chị Em, cà phê pha phin Arabica Hải An, cà phê hòa tan Adew.

Đến thời điểm hiện tại huyện Mường Ảng đã hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành.

Huyện Mường Ảng cũng tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nương, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam lòng vàng, nhãn, mít, na... Hiện nay tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 412,5ha; tập trung tại các xã: Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Búng Lao, thị trấn Mường Ảng. Diện tích xoài Đài Loan, bưởi da xanh được đầu tư từ năm 2018 (trên 40ha) đã cho thu hoạch ổn định, năng suất một số diện tích đạt 6 tấn/ha.

Với mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hộ dân đã thành lập hợp tác xã. Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực cây ăn quả gồm: Hợp tác xã Hoa quả sạch Mường Ảng và Hợp tác xã Lộc Rừng.

Mô trình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Ẳng Tở.

Năm 2020, hơn 20 hộ dân trên địa bàn thị trấn Mường Ảng và các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao đã thành lập Hợp tác xã hoa quả sạch Mường Ảng. Hợp tác xã có diện tích sản xuất gần 100ha, trong đó bưởi da xanh trên 50ha, còn lại là nhãn, cam, xoài và mít. Hiện nay, cây trồng phát triển ổn định, trung bình mỗi năm hợp tác xã thu hoạch từ 300 - 500 tấn quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên từ 50 - hơn 100 triệu đồng/năm.

Là một trong những thành viên tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả, ông Hà Văn Hoan, thị trấn Mường Ảng cho biết: “Gia đình tôi hiện có 2,5ha trồng chủ yếu bưởi da xanh, cam, ổi xen lẫn cây cà phê. Nhờ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình sinh trưởng phát triển tốt; tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, mẫu mã đẹp. Trừ chi phí, thu nhập từ cây ăn quả mang lại cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm”.

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian tới huyện Mường Ảng tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng diện tích cây ăn quả hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên một số nhóm cây ăn quả có khả năng phát triển thành sản phẩm đặc sản của huyện, gắn với du lịch sinh thái, dễ tiếp cận với thị trường và chế biến tập trung như: Bưởi, xoài, mít... Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất gắn với chế biến sản phẩm cây ăn quả nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

Hiệu quả mô hình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Điện Biên đang hướng đến để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn. Bám sát mục tiêu đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực khai thác những lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường.

Điện Biên là một trong những tỉnh được đánh giá có điều kiện tự nhiên, khí hậu, hệ sinh thái đa dạng, các phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống đặc trưng của nông dân, rất thuận lợi trong triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao, môi trường bị tác động xấu…

Người dân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) tìm hiểu quy trình thực hiện mô hình nông nghiệp sinh thái.

Để khắc phục những hạn chế, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Tổ chức Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (GRET) do Pháp tài trợ, triển khai dự án “Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và Hệ thống thực phẩm an toàn ở Việt Nam - ASSET” (gọi tắt dự án ASSET) trên địa bàn tỉnh.

Dự án được triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên và Tuần Giáo từ năm 2022 - 2025, với 7 hoạt động hỗ trợ chính, gồm: Phát triển thức ăn thô xanh và chăn nuôi; cải thiện an toàn thức ăn chăn nuôi; phát triển cà phê chất lượng; bảo vệ cây trồng theo hướng nông nghiệp sinh thái; phát triển khả năng nhận diện chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cho đối tác địa phương; truyền thông và nâng cao nhận thức rộng rãi về nông nghiệp sinh thái.

Về chăn nuôi dự án hỗ trợ tăng sản lượng thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê); chế biến thức ăn thô xanh thành thức ăn ủ chua; xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ; cải thiện an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi tại các chợ truyền thống. Trong lĩnh vực trồng trọt hỗ trợ người dân tham gia thực hiện các thí nghiệm trồng xen các loại cây che phủ đa dụng cho cây mắc ca…

Gia đình ông Lò Văn Ngoai, bản Bó Giáng, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) là một trong hàng trăm hộ tham gia dự án ASSET với mô hình trồng cây mắc ca, đã mang lại hiệu quả cao hơn so với lối canh tác, sản xuất truyền thống.

Ông Lò Văn Ngoai chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng hơn 1ha mắc ca nhưng không trồng xen các loại cây trồng khác. Từ năm 2022, khi tham gia dự án ASSET và trồng mới hơn 3ha cây mắc ca, gia đình được dự án hỗ trợ các thí nghiệm trồng xen các loại cây che phủ đa dụng (cỏ MulatoII, Zuzi, Stylo, đậu nho nhe, cốt khí, đậu bướm) trong giai đoạn cây mắc ca chưa được thu hoạch. Qua đó, giúp tăng khả năng che phủ, cải tạo đất; cung cấp nguồn thức ăn bổ sung cho trâu, bò; hỗ trợ sinh trưởng cho cây mắc ca. Đồng thời, được thiết lập mô hình canh tác trên đất dốc, hạn chế xói mòn đất.

Tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) gia đình ông Lò Văn Miêu là 1 trong số 30 hộ dân tham gia dự án ASSET (trồng cỏ nuôi trâu, bò). Gia đình ông Miêu được hỗ trợ mở rộng các diện tích trồng cỏ, đưa các giống cỏ: Voi xanh Đài Loan (giống mới), Zuzi, Stylo, Mulato vào trồng. Trong quá trình thực hiện dự án, gia đình ông được hỗ trợ chế biến thức ăn thô xanh thành thức ăn ủ chua (túi ủ chua, men ủ, máy băm cỏ) cho trâu, bò từ cây thức ăn xanh và các phụ phẩm trồng trọt, giúp người dân chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Miêu, tham gia dự án ASSET, gia đình ông còn được hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi thông qua hoạt động thu gom phân chuồng, chế biến phân ủ từ phân chuồng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ cải thiện chuồng trại chăn nuôi, thiết kế hố phân, mái lợp, men ủ, bạt ủ phân, máy ép phân (phân ép dạng viên); chuyển giao quy trình ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh cho nông dân. Phân sau khi ủ không còn mùi, khô, hoai mục, dễ dàng cho việc vận chuyển. Đây là phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả trong nông hộ, góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua gần 3 năm triển khai dự án ASSET đã đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực đối với sự phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ tại vùng thực hiện dự án và lan tỏa cao đến các địa phương khác trong tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án đã thay đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả, bán chăn thả sang chăn nuôi có quản lý, kiểm soát. Các hộ dân tham gia đã tiếp cận được với các quy trình mới trong trồng cỏ, chế biến thức ăn chăn nuôi, xử lý chất thải, xen canh cây trồng, tạo lợi ích kép trong sản xuất nông nghiệp góp phần ứng phó với các tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, cải thiện sinh kế, nâng cao hiệu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Dự án dự án góp phần giảm tải áp lực về xử lý chất thải chăn nuôi giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường. Dự án đã triển khai nhân rộng tại nhiều xã như: Hẹ Muông, Noong Hẹt, Mường Pồn (huyện Điện Biên); Ẳng Tở, Mường Lạn (huyện Mường Ảng).

Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì Điện Biên có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp sinh thái. Hiện nay tỉnh đã phê duyệt 3 đề án về: Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để nông nghiệp Điện Biên dịch chuyển sang nông nghiệp sinh thái. Trong đó, ưu tiên phát triển, chuyển giao những ứng dụng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tạo cơ hội cho người dân tham gia và hưởng lợi từ các mô hình.

Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu từ các giống cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được các địa phương, hộ sản xuất đẩy mạnh, giúp nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Người dân xã Tỏa Tình thu hoạch cà phê.

Cà phê là loại cây được huyện Tuần Giáo tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến hết năm 2023, huyện có 614,1ha cà phê; trong đó có 325,43ha cà phê kinh doanh. Cây cà phê được trồng tại các xã: Tỏa Tình, Quài Tở, Pú Nhung, Mường Thín, Quài Nưa... trong đó phần lớn diện tích tại xã Tỏa Tình - nơi hình thành vùng sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung của huyện.

Năm 2023, xã Tỏa Tình có 405,65ha cà phê (chiếm gần 70% tổng diện tích cà phê toàn huyện), gồm: 225,8ha cà phê kinh doanh và 179,85ha cà phê giai đoạn kiến thiết. Sản lượng cà phê trong năm 2023 đạt 1.919,3 tấn. Hiện nay, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực và mang lại giá trị kinh tế cho người dân xã Tỏa Tình. Nguồn thu từ cây cà phê đã giúp rất nhiều hộ dân Tỏa Tình không những giảm nghèo bền vững mà còn có “của ăn, của để” và vươn lên làm giàu.

Với người dân Tỏa Tình, thời gian 2 tháng cuối năm là mùa vất vả song cũng là thời gian vui nhất trong năm vì vào vụ thu hái cà phê, là ngày hưởng thành quả sau 1 năm chăm bón. Năm 2023, cà phê được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi. Giá cà phê bình quân đạt 12.000 đồng/kg, lúc cao điểm đạt 15.000 đồng/kg. Xã Tỏa Tình có 7 bản, đến nay đều đã trồng cà phê. Những nương ngô, sắn, lúa nương ngày nào đã được thay thế bởi cây cà phê. Điển hình như bản Hua Sa B, cả 46 hộ đều chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng cà phê. Hộ ít vài nghìn mét, hộ nhiều trồng được vài ba héc ta.

Ông Vừ Gà Nếnh, bản Hua Sa B có trên 4ha cà phê, trong đó hơn 3ha cà phê kinh doanh. Gia đình ông Nếnh đã chuyển đổi khoảng 3/4 diện tích nương của gia đình để trồng cà phê. Sự mạnh dạn trong sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông Nếnh thu quả ngọt.

Ông Vừ Gà Nếnh khẳng định: “Cây cà phê rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tỏa Tình, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng tốt. Về giá cà phê thay đổi theo thị trường từng năm song giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống. Năm 2023, tôi có 3ha cà phê kinh doanh cho sản lượng hơn 25 tấn quả, với giá trung bình 11.000 đồng/kg, tôi thu nhập gần 300 triệu đồng.”

Thành công với cây cà phê, người dân xã Tỏa Tình đã tích cực, chủ động chuyển đổi, mở rộng diện tích. Các hộ dân chủ động nguồn vốn, tìm hiểu, lựa chọn và mua cây giống về trồng. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo, năm 2024 xã Tỏa Tình đã trồng mới 247,44ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn xã đạt 653,09ha.

Ông Phạm Hữu Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Huyện định hướng xây dựng xã Tỏa Tình trở thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu cà phê tập trung. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục sát sao trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho người dân. Đồng thời, linh hoạt các nguồn vốn để hỗ trợ người dân trong quá trình phát triển cây cà phê trên địa bàn.”

Những năm gần đây, các huyện đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, từ các loại cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như: Các dự án trồng cây quế tại Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ; mô hình trồng bí xanh tại huyện Nậm Pồ và Mường Chà. Các dự án, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Nguời dân xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) chăm sóc vườn bí xanh.

Khoảng 3 năm gần đây, huyện Mường Chà triển khai chuyển đổi đất nương, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Đến nay, toàn huyện đã có trên 30ha bí xanh. Những vụ bí đầu tiên cho thấy hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng trước đây. Hiện nay huyện Mường Chà đang triển khai các giải pháp để phát triển bền vững vùng nguyên liệu bí.

Tại xã Mường Mươn, sau nhiều cân nhắc, năm 2022 UBND xã đã triển khai dự án trồng bí xanh từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Dự án được thực hiện tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 trên diện tích 2,6ha, 10 hộ dân tham gia. Sau 1 vụ thu hoạch, nhận thấy cây bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình tiếp tục được người dân nhân rộng. Đến nay, xã Mường Mươn đã có hơn 20ha bí. Toàn bộ diện tích đều được Hợp tác xã Nam Dương bao tiêu sản phẩm.

Ông Quàng A Lềnh, người dân bản Púng Giắt 2 cho biết: “Trước đây, bà con trồng 1 vụ lúa/năm nhưng năng suất thấp. Chuyển sang trồng bí xanh thì thay đổi hẳn. Mỗi năm thu 2 vụ bí, 1 vụ cắt 10 lượt quả. Với giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, cây bí xanh cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa 1 vụ”.

Cùng với cây bí xanh, thời gian qua huyện Mường Chà đã chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Dứa, khoai tây, mắc ca, quế...

Thực tế cho thấy, nhiều dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả và từng bước khẳng định giá trị kinh tế. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, phù hợp quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như: Cà phê tại Mường Ảng, Tuần Giáo; lúa gạo tại huyện Điện Biên; cây ăn quả tại huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo; chè tại huyện Tủa Chùa… Qua đó từng bước hoàn thành các mục tiêu trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo baodienbienphu.com.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top