Năm 2022, ngành hàng cá tra đạt thành tích ấn tượng trên cả 3 phương diện, diện tích thả nuôi tăng 104%, sản lượng thu hoạch tăng 103,5% so với năm 2021. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD…
Ngành hàng cá tra lập kỷ lục xuất khẩu
Theo Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700 ha (chiếm 0,44% diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước), tập trung tại các tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ với diện tích nuôi trồng rất nhỏ so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, nhưng sản lượng cá tra thu hoạch chiếm tới 30% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước.
Điểm nuôi cá tra giống tư nhân ở An Giang.
Tính đến hết tháng 11/2022, sản lượng thu hoạch cá tra đạt 1,526 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 2,19 tỉ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm trước. Hai nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn là Trung Quốc - chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%. Ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: EU, Thái Lan, Mexico... Nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% - 200%. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile tăng 28% - 66%.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2022, dự kiến cả nước xuất khẩu 1,68 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,4 tỉ USD - đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng. Các sản phẩm từ cá tra đã có mặt trên 134 quốc gia. Trong đó có các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia.
Phát biểu tại Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023”, diễn ra mới đây tại Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,4 tỉ USD, tăng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD.
Đến tháng 11/2022, diện tích luỹ kế nuôi cá tra của Đồng Tháp ước đạt 2.450 ha, đạt 111,3% so với kế hoạch, tăng 17,3% so cùng kỳ, với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn; kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.
Ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh, Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh đã có kế hoạch phát triển cá tra theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn nhiều khó khăn
Tại Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023”, các đại biểu đã nêu những khó khăn của ngành cá tra như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi đã làm một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người nuôi; giá thành sản xuất tăng (chủ yếu do giá thức ăn thủy sản liên tục tăng) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng...
Mặc dù đạt được những kết quả kỷ lục trong xuất khẩu nhưng ngành hàng cá tra cũng không ít khó khăn do các chi phí tăng cao.
Cùng với đó, các thị trường châu Âu, châu Á liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác; đồng thời, kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Hay việc cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, đa phần sản phẩm đông lạnh chiếm đến trên 97% (phi lê, nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm. Chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều đa phần là nhưng sản phẩm còn thô, còn sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm chưa nhiều.
Các đại biểu kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương xây dựng đàn cá bố mẹ theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh cho các trại sản xuất giống. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn các trại giống về giải pháp thay thế HCG (loại thuốc kích dục sinh sản cho cá tra) trong sản xuất giống cá tra và sử dụng phụ phẩm trong sản xuất, chế biến…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành. Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Theo dự báo, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra chỉ chiếm 4%, còn lại chủ yếu là phi lê. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp lớn đi đầu trong chế biến sâu, mang lại giá trị lớn, đặc biệt là giải quyết bài toán tận dụng phế - phụ phẩm để tăng giá trị cho ngành hàng cá tra. Phế - phụ phẩm trong cá tra chiếm tỉ trọng rất lớn trong ngành hàng cá tra. Theo tính toán có khoảng 16.000 tỉ đồng/năm nếu chúng ta khai thác hết. Giải quyết phế - phụ phẩm cũng chính là giải quyết bài toán về môi trường trong sản xuất của ĐBSCL. Đây là những cột trụ lớn cần giải quyết trong thời gian tới khi phát triển ngành hàng cá tra. |
Giải pháp nâng cao giá trị
Trước những khó khăn nói trên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ từ sản xuất giống, thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, từng bước khẳng định được vai trò quan trọng là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa giúp ngành cá tra vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua.
Theo TS. Huỳnh Văn Hiền, Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, sản phẩm cá tra tiêu thụ thị trường trong nước chỉ chiếm 6% và sản lượng xuất khẩu chiếm tới 94% sản lượng sản xuất. Vì vậy, vai trò xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL rất quan trọng. Tuy nhiên, khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung theo phân khúc của nhu cầu thị trường chưa được phân định rõ đã dẫn đến một số khó khăn nhất định.
TS. Hiền cho rằng, muốn giải quyết căn cơ vấn đề cần nâng cao chất lượng cá bố mẹ cũng như cải thiện chất lượng sản xuất giống cá tra. Đây là thế mạnh của ta nhưng nếu không đầu tư sẽ tụt hậu, thua kém các nước mới tham gia. Việc xây dựng thương hiệu cũng phải là bước đi quan trọng trong xu hướng phát triển bền vững với các giải pháp hiện đại, đồng nhất về sản phẩm và dễ dàng truy xuất nguồn từ khâu sản xuất tới bàn ăn. Như vậy, lòng tin cho người tiêu dùng về sản phẩm và hình ảnh tốt đẹp về thương hiệu cá tra Việt Nam được vươn xa.
Đảm bảo được lợi nhuận tốt và lợi ích cho toàn xã hội về môi trường và đảm bảo chống lãng phí về thức ăn, nếu chúng ta sản xuất tập trung được phân khúc thị trường, nâng cao được giá trị theo chế biến sâu và thiết thực gắn với thương hiệu. Tập trung theo phân khúc thị trường liên kết gắn với thị trường tiêu thụ là một trong những cơ bản rất quan trọng để gắn với thị trường tiêu thụ, TS. Hiền cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến Nông sản và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, cần tăng cường đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng giá trị gia tăng. Đồng thời, quản trị sản xuất và áp dụng các biện pháp để giảm giá thành trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra. Bên cạnh đó, nâng cao tỷ lệ nhà máy chế biến tự đầu tư vùng nuôi và liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu.
Theo ông Toản, thời gian tới cần tăng cường phân tích và dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, phổ biến các quy định, rào cản kỹ thuật. Trong vòng 10 năm diễn biến của từng thị trường có sự khác biệt cao. Bây giờ, không gian của các hiệp định thương mại tự do không phải là lý thuyết nữa, những FTA chúng ta tiếp cận theo thị trường thì chúng ta phải hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cả cách tiếp cận thị trường và giải quyết được cả những vấn đề rào cản kỹ thuật theo thị trường. Ở đây có thị trường Trung Quốc, thi trường CPTPP, thị trường EU, thị trường Mỹ, những thị trường đó vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra đều đã tăng nhưng nếu không nâng cao sức cạnh tranh thì ngành hàng cá tra sẽ không có bước phát triển cho giai đoạn tái cấu trúc. Việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến cá tra góp phần cải thiện quy trình nuôi tạo được hàng hóa lớn, có giá trị cao, đồng thời, giải quyết vấn đề kiểm soát môi trường.
Kiểm tra cá tra bố mẹ tại khu sản xuất cá giống của Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang (Ảnh: QĐND).
Hiện nay, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phát triển ngành cá tra hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2023 và các năm tiếp theo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra; cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; các tỉnh, thành ĐBSCL đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra…
Thứ trưởng phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu.
Có thể thấy, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL, ngoài vấn đề nâng cao chất lượng con giống thì cần đẩy mạnh liên kết, giảm giá thành sản phẩm, tăng giá trị sau chế biến, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA. Một trong những vấn đề trọng tâm là mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới, cải tiến phương thức sản xuất, chế biến để tăng dần hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cá tra, thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL bền vững.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…