Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 1 năm 2023 | 11:39

Hoa, cây cảnh... cho nông dân thu nhập cao trong những ngày cận Tết

Nhu cầu trưng hoa và cây cảnh và những sản phẩm nông nghiệp vào những dịp Tết đến, Xuân về tăng rất cao, chính vì thế, nhiều địa phương bà con nông dân trồng hoa và cây cảnh đã có một khoản thu nhập khá cao trong những ngày này. Với mức giá cao đã giúp cho bà con nông dân trồng hoa và cây cảnh có một cái Tết no đủ, đầm ấm.

Làng nghề Vĩnh Hoà tất bật vào vụ Tết

Có lịch sử xa xưa, đến nay làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vẫn giữ vững nghề truyền thống đó là làm bánh chưng, bánh dày, giò bê... Những ngày này, người dân nơi đây đang tất bật sản xuất hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Những chiếc bánh sau khi được đun đủ lửa, đúng giờ thì được vớt ra... xem như đã là thành phẩm.

Theo ông Lưu Đức Bằng - Trưởng Ban quản lý, từ khi ông sinh ra thì làng đã có nghề. Làng có quyết định công nhận “Làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa” từ năm 2005. "Đến hẹn lại lên", dịp Tết Nguyên đán, làng nghề, làng bánh Vĩnh Hòa lại tất tả "chạy Tết", mong mỏi có nguồn hàng dồi dào cho thị trường.

Làng có 245 hộ, trong đó 178 hộ tham gia vào hoạt động của làng nghề chiếm tỷ lệ 73%. Số còn lại tham gia vào các ngành nghề khác như  buôn bán, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Những sản phẩm như: Bánh chưng, bánh tét, giò chả, bánh gai, bánh đa, bánh mướt hoạt động quanh năm. Để có những chiếc bánh thơm, ngon, đẹp thì nguyên liệu đầu vào phải chuẩn, sạch...

Riêng mặt hàng bánh chưng, bánh tét, giò bê sản xuất mạnh nhất từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là khoảng thời gian người dân làng nghề bận rộn nhất trong năm, thậm chí ăn ngủ ngay tại chỗ làm. Từ nhân đậu, thịt, đến lá giong, gạo làm bánh đều được các "nghệ nhân" tuyển chọn kỹ lưỡng.

Thời điểm này, mỗi gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 chiếc bánh chưng, bánh tét các loại, hàng chục tấn giò me. Khách hàng chủ yếu nội tỉnh và các khách sỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng, gạo làm bánh được ngâm đủ nước, thịt được thái miếng rồi trộn gia vị, thêm hành tím...

Mỗi gia đình làm nghề, ngoài lao động trong nhà còn phải thuê thêm 3 - 5 công nhân thời vụ và trả lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Riêng với giò me có xưởng có từ 7 - 12 công nhân. Thu nhập bình quân của những người làm bánh là 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Những chiếc bánh sau khi được đun đủ lửa, đúng giờ thì được vớt ra... xem như đã là thành phẩm.

Hoa cúc tươi được giá, chủ vườn tại Nghệ An phấn khởi

Đến ngày 27 tháng Chạp, một số vườn hoa tươi trên địa bàn Nghệ An đã được khách đặt hàng mua hết. Theo các chủ vườn, Tết năm nay hoa tươi bán tại vườn được giá, lãi đậm.

Ông Phan Quốc Nam - chủ vườn hoa cúc ở khối 4, thị trấn Yên Thành phấn khởi cho biết, năm nay gia đình ông trồng 75 vạn cây hoa cúc các loại, trong đó khoảng 20 vạn cây là bán trong dịp Tết Nguyên đán này, số còn lại, một phần bán dịp Rằm tháng Chạp và ra tháng Giêng.

Thương lái đến tận vườn thu mua hoa. Ảnh: Xuân Hoàng

"Kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa phục vụ thị trường dịp trước, trong và sau Tết cho thấy, hoa tươi không chỉ tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, mà còn cả Rằm tháng Chạp và ra Giêng, nên bố trí trồng nhiều lứa hoa để phục vụ nhu cầu thị trường", ông Phan Quốc Nam chia sẻ.

Đúng dự dự đoán, dịp Tết năm nay hoa tươi khan hàng, nên khách đến đặt hàng ngay tại vườn. Giá bán tại vườn đối với hoa cúc từ 4.000 - 6.000 đồng/cây (tùy loại hoa cúc). Với giá bán này thì người trồng hoa có lãi đậm. Ông Nam cho hay, đến ngày 26 tháng Chạp, phần lớn số hoa trên vườn đã được khách đặt mua sỉ, nên gia đình giảm được công thu hoạch và bán hàng.

Tại địa bàn huyện Diễn Châu, các vườn hoa ở xã Diễn Kỷ cũng tấp nập khách hàng. Vợ chồng chị Tuyết An, chủ một vườn hoa lớn nhất xã Diễn Kỷ phấn khởi cho biết, căn cứ nhu cầu của người tiêu dùng, vợ chồng chị trồng nhiều loại hoa cúc.

Theo đó, loại hoa cúc cây thấp có giá 2.000 - 3.000 đồng/cây, loại hoa cúc cây cao có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/cây. Các loại hoa khác cũng được giá.

Theo số liệu của các địa phương cho thấy, diện tích hoa được bà con trồng phục vụ dịp Tết không nhiều. Như tại huyện Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng, toàn huyện có khoảng 4 - 5 ha hoa, tập trung ở các xã: Diễn Kỷ, Diễn Đồng, Diễn Thái...

Còn trên địa bàn huyện Yên Thành, diện tích hoa ước khoảng 20 ha. Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trong số 20 ha này, ngoài bà con thuê đất trồng trên đất 2 lúa, còn có một số diện tích được trồng trong nhà lưới.

Tuy nhiên, theo các nhà vườn, trong khi diện tích hoa không nhiều thì năm nay mưa nhiều, khiến tỷ lệ cây hoa bị hư hỏng cao, số lượng hoa bị giảm hơn so với các năm trước.

Khảo sát thị trường hoa cúc trên địa bàn vùng nông thôn cho thấy, hiện nay hoa cúc ngoài nguồn cung tại chỗ, còn nhập từ Đà Lạt và một số địa phương khác về. Tuy nhiên, khách hàng vẫn ưa chuộng hoa cúc được trồng trên địa bàn hơn, bởi hoa tươi lâu hơn, trong khi giá bán ngang nhau. Hiện giá bán lẻ hoa cúc trên thị trường từ 5.000 - 7.000 đồng/bông.

Tùng la hán có giá hàng trăm triệu dịp sát Tết

Thời điểm cận Tết Nguyên đán 2023, các nhà vườn tại TP Hà Tĩnh cho ra mắt hàng loạt cây cảnh độc, lạ phục vụ nhu cầu của người dân. Một loại cây đang làm náo động thị trường Tết Nguyên đán năm nay là những gốc tùng la hán khủng có giá gần 400 triệu đồng.

Anh Đỗ Duy Hiệu (chủ vườn cây cảnh tại TP Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay, tùng la hán đã được nhân giống và trở thành loại cây được giới chơi cây cảnh ưa chuộng. Vào dịp Tết, thị trường tiêu thụ loại cây này càng sôi động hơn.

“Tùng la hán là loại cây cảnh nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. Cây có ý nghĩa rất tốt về phong thủy và sức khỏe”, anh Hiệu nói.

Những gốc tùng này được anh Hiệu mua ở miền Tây từ tháng 7/2022, sau đó vận chuyển ra Hà Tĩnh. Để giữ được thế cây đẹp, anh Hiệu phải thuê thêm 3 người thợ thường xuyên cắt tỉa cành, lá với mức lương 7-9 triệu đồng/tháng. Hiện tại mỗi gốc tùng la hán tại Hà Tĩnh có giá từ 10-80 triệu đồng. Đặc biệt, một số gốc khủng có giá từ 200-370 triệu đồng.

“Sở hữu được một gốc tùng cổ thụ với dáng độc là năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, phát lộc trong kinh doanh, buôn bán”, một người chơi cây cảnh chia sẻ.

Quất 'khủng' ở Hà Tĩnh có giá gần trăm triệu đồng

Nhiều cây quất với hình thù độc đáo đang được rao bán với giá từ vài chục đến gần 100 triệu đồng tại thị trường cây cảnh Tết thành phố Hà Tĩnh. Tại ngã tư đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Nguyễn Huy Tự, gian hàng quất cảnh của anh Nguyễn Viết Long (xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) thu hút nhiều khách đến tham quan với nhiều gốc quất độc, lạ.

Một gốc quất thế ôm thành cổ có giá gần 50 triệu đồng. (Ảnh Phương Hồ).

Anh Long cho biết, những gốc quất được mua từ tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hà Nội... và được vận chuyển về Hà Tĩnh bày bán. Giá trị mỗi cây tùy theo hình dáng, kích cỡ và tính thẩm mỹ. Trung bình mỗi gốc quất tại cửa hàng anh Long có giá từ 10-50 triệu đồng.

Trong số đó, 2 gốc quất ôm gỗ lũa được chào bán với giá 80 triệu đồng, đây là những gốc quất được nghệ nhân phải mất nhiều năm để chăm sóc và tạo dáng. Gỗ lũa là phần gốc cây to sau khi chết nhưng vẫn rất cứng cáp, không bị mục nát và có đường vân đẹp mắt.

Sau khi được kết hợp với quất cảnh không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn phù hợp phong thủy được nhiều người ưa thích trong dịp Tết. Cũng vì vậy, mà khi gian hàng anh Long được bày bán đã thu hút rất nhiều người tham quan, mua sắm. Nhiều gốc quất giá hàng chục triệu đồng đã được mua từ khá sớm. "Năm nay tôi bỏ một số vốn lớn, nhập về 30 chậu quất dáng độc, lạ. Đến thời điểm này đã bán được trên chục chậu, chỉ còn gần một tuần nữa là đến Tết, hy vọng sẽ bán được hết hàng”, anh Long nói.

Ngoài quất cảnh, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết, nhiều nhà vườn đã mạnh tay đầu tư đưa về Hà Tĩnh nhiều loại cây cảnh có giá trị cao như bưởi, mai, đào cổ thụ có giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Từ vài ba năm trở lại đây, đào huyền trở thành xu hướng chơi đào mới của người dân Hà Tĩnh bên cạnh các loại đào truyền thống như đào Nhật Tân, đào phai... Với giá từ 2 đến 3 triệu cho một cành đào huyền và từ 3 đến 3,5 triệu cho một gốc đào huyền.

Anh Võ Văn Bảy (trú huyện Cẩm Xuyên) cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết rét đậm nhiều đợt nên các nhà vườn trồng đào huyền bị mất mùa do nhiều cây nụ không nhú lên được. Là mối bán đào huyền uy tín nên tôi chấp nhận bỏ giá cao hơn năm ngoái để đưa về những cành đào đẹp.

Bên cạnh các loại cây cảnh đắt tiền, các loại cây cảnh có giá tầm trung cũng được nhà vườn nhập về để phục vụ khách hàng như các loại mai, quất để bàn, đào cắm lọ với giá dao động từ 350.000 đồng/một chậu mai để bàn, 400.000 đồng/một lọ quất để bàn.

Tết đến, Xuân về là dịp để các sản phẩm nông sản, các loại hoa, cây cảnh được tiêu thụ nhiều nhất do nhu cầu sử dụng và trưng bày trong những ngày đón năm mới. Nhiều địa phương trong quá trình canh tác người nông dân đã biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, vì thế giá trị của sản phẩm đó cũng được tăng lên, giúp cho nông dân có một khoản thu không nhỏ. Nhưng nhiều loại hoa ngoài việc chăm sóc tốt, vẫn còn phải phụ thuộc nhiề vào thiên nhiên vì thế cũng gây không ít khó khăn cho bà con nông dân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top