Từ ngày 12 đến 14/4, tại Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (gọi tắt là VietShrimp 2023) với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị”.
Với sự tham gia của 200 gian hàng đến từ 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, vaccine, quy trình, công nghệ. Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 mong muốn trở thành “cầu nối” của cả 4 nhà gồm nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam. Hội chợ có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất về ngành tôm Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
VietShrimp 2023 với sự tham gia của 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới.
Hiện ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Hội chợ VietShrimp 2023 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế thể hiện mong muốn và khát vọng đưa ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm.
“Mục tiêu của chúng tôi góp sức làm sao tổ chức lại ngành thuỷ sản, đặc biệt đối với con tôm ngày càng bền vững, năng suất, có hiệu quả cao hơn từ người sản xuất con tôm cho đến người chế biến, xuất khẩu tôm cũng như kinh doanh, tiêu thụ tôm”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, hiện Cần Thơ tham gia vào chuỗi giá trị ngành tôm thông qua các dịch vụ sản xuất và cung ứng phục vụ ngành tôm, cung cấp con giống, vật tư như thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, các dịch vụ chế biến và xuất khẩu. Trong những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đã liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm cả nước vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn ra phức tạp. Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000 ha, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD.
“Để khắc phục những khó khăn, thách thức và phấn đấu đạt được mục tiêu vừa nêu, cần phải quyết tâm, nổ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển ngành tôm; trong đó có việc liên kết 4 nhà, nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nuôi như thông qua chương trình Hội chợ triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” là một sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực”, ông Dương Tấn Hiển nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong suốt những thập kỷ qua, cộng đồng ngành tôm Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để đưa sản phẩm tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành cũng như nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 108 thị trường; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm hơn 97% tổng giá trị. Về cơ cấu sản phẩm, giá trị xuất khẩu tôm sú giảm, tôm chân trắng tăng trong năm 2022.
Dù hoạt động xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp. Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước khác, dẫn đến giá sản phẩm kém cạnh tranh trong khi tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với Ecuador và Ấn Độ. Điều này được thể hiện rõ nét khi bước vào đầu năm 2023, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm ước đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
“Năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam trên trường quốc tế”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Tôm hiện đang đóng vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, từ 36,8 - 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt khoảng 747.000 ha với sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Bước sang năm 2023, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu diện tích đạt 750.000 ha với sản lượng tôm các loại hơn 1 triệu tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD./.
Phạm Hải/VOV.VN
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…