Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 2 năm 2024 | 8:0

Khuyến nông Việt Nam năm 2024: Tiếp tục đổi mới tư duy, hoạt động theo hướng đa phương thức, đa giá trị

Tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị.

Lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo Việt

Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, với trị giá đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: khoảng cách công nghệ ngày càng lớn giữa các nước và khu vực gây khó khăn trong việc sử dụng tối ưu và bền vững phân bổ tài nguyên, thiếu năng lực thích ứng với các thách thức hiện tại và mới nổi.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cho rằng: Một trong những hạn chế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam là thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, còn đứt đoạn, gây khó khăn lẫn nhau; trong đó nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường.

Để giải quyết các thách thức trên, ông Aziz Arya, chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác tam giác, Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đề xuất: Tại khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã tạo sinh kế cho hàng triệu nông dân và mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần an sinh, ổn định xã hội.

Thứ trưởng cũng trăn trở vấn đề thương hiệu gạo Việt Nam chưa được biết nhiều trên thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, khối doanh nghiệp phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.

Theo ông Nam, Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo, đồng thời phổ biến kiến thức cho bà con nông dân sản xuất trực tiếp. Để lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo thì khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cần cùng chung tay xây dựng ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số

Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số gia trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2021-2025. Thành công ban đầu là ứng dụng Khuyến nông xanh (app Khuyến nông xanh), đã tạo nên kênh tuyên truyền hữu hiệu, gần gũi và thân thiện với mọi người, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý dự án khuyến nông.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Việt Nam thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đến tháng 8/2023, các nội dung và kết quả của việc thực hiện Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã được kế thừa và tiếp tục triển khai thực hiện theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023 - 2027.

Với mục tiêu chuyển đổi từng bước hoạt động khuyến nông từ môi trường truyền thống sang kết hợp, đồng thời cùng khuyến nông trên môi trường số nhằm đáp ứng mục tiêu khuyến nông tam nông trong giai đoạn mới, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Việt Nam thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, tổ chức 2 hội thảo, 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông. Đối tượng là cán bộ khuyến nông, chủ nhiệm dự án, cán bộ thực hiện dự án, tổ khuyến nông cộng đồng, người nông dân sản xuất có ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức các diễn đàn, toạ đàm với chủ đề Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Theo đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông. Trong đó có chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; các chính sách và định hướng của bộ, ngành về chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng; kỹ thuật, công nghệ, mô hình ứng dụng chuyển đổi số đang áp dụng…

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông là đòi hỏi cấp thiết để phù hợp và bắt kịp với chiến lược chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và  PTNT. Thực hiện chuyển đổi số hoạt động khuyến nông là việc làm  cần thiết và có ý nghĩa, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, tăng cường tính kết nối chia sẻ thông tin đối với khuyến nông cơ sở, đóng góp hiệu quả cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và thực hiện thắng lợi mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tiếp tục đổi mới hoạt động

Tại Hội nghị tổng kết ngành Khuyến nông năm 2023, TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, năm 2023, các dự án khuyến nông Trung ương được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn (12 dự án, trên 30 mô hình); xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP (8 dự án). Thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (10 dự án). Phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực đảm bảo chất lượng, gắn với chuỗi giá trị (vùng nguyên liệu lúa gạo ĐBSCL, vùng nguyên liệu cây ăn quả, vùng nguyên liệu gỗ).

Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, triển khai các dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; phát triển chăn nuôi đạt chuẩn, sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đặc trưng, bản địa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn…

Trong lĩnh vực thủy sản, thực hiện dự án khuyến ngư phục vụ tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực của ngành; nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, phòng chống thiên tai, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2024 tiếp tục là năm ngành Nông nghiệp và PTNT đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, các rào cản mới như: bảo vệ động vật hoang dã, tín chỉ carbon, dinh dưỡng... Đồng thời cũng là năm triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn, mã số vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu.

Trước yêu cầu của thực tiễn, với vai trò rất lớn của khuyến nông, Thứ trưởng giao một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như: Đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cần hướng dẫn nông dân kiến thức về kinh tế, thị trường, triển khai dự án, đào tạo huấn luyện, truyền thông…; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển ngành nghề nông thôn để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, định hướng ở những mô hình mới. Tiếp tục xây dựng đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp, thể hiện là cánh tay nối dài của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Hoàn thiện Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm  2030 định hướng năm 2050. Trên cơ sở đó, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định 83/2018/ NĐ-CP về khuyến nông cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời củng cố, hoàn thiện, mở rộng phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khuyến nông cộng đồng. Đặc biệt, tập trung tham gia vào triển khai thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", xây dựng các vùng nguyên liệu, chuỗi an toàn thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, sản phẩm OCOP, tín dụng...

“Phát huy kết quả đạt được năm 2023, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phấn đấu tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cụ thể hoá hơn nữa các hoạt động ngay từ đầu năm 2024. Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các hội, đoàn thể và kết nối với hệ thống khuyến nông cả nước để triển khai công tác khuyến nông ngày càng đạt kết quả nổi bật hơn nữa, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Nông nghiệp và PTNT”, TS. Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top