Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các địa phương hối hả gia tăng sản xuất tăng tốc phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bá Thủy ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) dán tem nhãn cho phẩm giò, chả của gia đình.
Hưng Yên: Nghề làm giò, chả vào cao điểm vụ Tết
Cơ sở sản xuất giò, chả của gia đình ông Đoàn Danh Cường ở xã Hải Triều (Tiên Lữ) những ngày cuối năm nhộn nhịp khách hàng. Thời gian này, ngoài huy động người nhà, ông thuê thêm 3 - 5 lao động để sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày thường, cơ sở tiêu thụ khoảng 30 - 50 kg giò, chả các loại/ngày, dịp Tết số lượng tăng gấp 3 đến 4 lần, nhờ vậy trừ chi phí đạt thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, cơ sở chế biến các mặt hàng khác như: mọc, giò xào, chả, giò pha tai lợn... Với nhiều năm kinh nghiệm, ông Cường cho biết: Làm nghề chế biến thực phẩm, quan trọng nhất là phải “giữ chân” được khách hàng, bằng cách phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu chế biến phải chọn lọc từ những con lợn khoẻ mạnh, trong quá trình chế biến không thêm phụ gia, chất cấm. Sản phẩm chế biến ra được tiêu thụ trong ngày để bảo đảm chất lượng. Hiện nay, cơ sở đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Về thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) những ngày này, tiếng máy xay giò rộn rã suốt ngày đêm. Nghề làm giò, chả ở Trai Trang diễn ra quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là thời điểm nhộn nhịp nhất. Nghề làm giò, chả ở đây có từ lâu đời, hiện nay có khoảng 40 hộ làm nghề. Dịp cuối năm, các hộ làm nghề cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn giò, chả các loại, cao gấp 4 đến 5 lần ngày thường. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, giò, chả Trai Trang được bán ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, thậm chí gửi sang nước ngoài làm quà biếu. Sản phẩm cũng đã có mặt tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học… Nhờ làm nghề truyền thống mà nhiều hộ dân trong thôn có thu nhập cao, cơ ngơi khang trang.
Ông Nguyễn Bá Thủy ở thôn Trai Trang có truyền thống làm giò, chả từ hơn 30 năm trước. Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất giò chả của gia đình ông tiêu thụ 2 – 3 tạ giò, chả thành phẩm. Ông Thủy chia sẻ: Làm nghề này vất vả lắm, cập rập suốt đêm tới sáng. Bù lại thu nhập cao, thời điểm Tết chỉ sợ không có sức mà làm.
Một ngày làm việc của các hộ làm giò, chả ở Trai Trang thường bắt đầu từ 1 giờ sáng. Từ Tết dương lịch, các hộ vào cao điểm sản xuất, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi. Hiện nay, nhiều công đoạn đã có máy móc hỗ trợ nên việc làm giò, chả thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để sản phẩm chất lượng thì lại tùy thuộc vào công thức của từng hộ sản xuất; tỷ lệ thịt nạc, mỡ, gia vị như thế nào cho vừa cần đến sự khéo léo, tinh tế của người thợ. “Thịt xay quá thời gian làm cho giò bị bở, mất đi độ giòn. Việc canh thời gian, nhìn cối thịt đoán được độ vừa của giò rất quan trọng. Thịt vừa xay xong phải mang đi gói ngay, để lâu ảnh hưởng tới độ thơm”, anh Đỗ Văn Tú, một hộ sản xuất cho biết.
Để làm ra sản phẩm ngon thì nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng. Chị Thuý, một hộ sản xuất giò ở Trai Trang chia sẻ thêm: Thịt lợn phải tươi, còn hơi ấm của lợn vừa được mổ, sau đó đem đi xay ngay mới giữ độ tươi, dẻo, thơm ngon. Ngoài ra, máy móc, dụng cụ sản xuất phải được rửa sạch sẽ, lau khô tránh vi khuẩn.
Năm nay, các hộ làm nghề ở thôn Trai Trang đón nhận thêm niềm vui bởi “Giò, chả Trai Trang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, trong thôn có 20 hộ sản xuất kinh doanh giò, chả được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Ông Ngô Quang Thiệu, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ cho biết, nghề làm giò, chả thôn Trai Trang phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong thời gian qua, người làm nghề mới chỉ chú tâm đến việc làm sao cho sản phẩm được ngon và vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa chú ý đến phát triển thương hiệu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Giò, chả Trai Trang” có ý nghĩa quan trọng, các hộ sản xuất phấn khởi bởi sản phẩm truyền thống của làng nghề đã được bảo hộ về mặt pháp lý, tăng uy tín, mở ra cơ hội mới cho sản phẩm của địa phương.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hộ sản xuất quan tâm, đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; quan tâm, chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm giò, chả; đồng thời tiến tới xây dựng giò, chả Trai Trang thành sản phẩm OCOP của địa phương với những hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ để các hộ sản xuất yên tâm làm nghề.
Giò, chả là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ thắp hương gia tiên trong những ngày Tết cổ truyền. Với nước mắm ngon vừa đủ, chút mì chính cho thêm phần đậm đà, thịt lợn sau khi xay mịn được gói cẩn thận bằng lá chuối rồi cho vào luộc. Đến khi mặt trời mọc cũng là lúc trong bếp mùi giò luộc chín thơm nức. Những cây giò nóng hổi được vớt ra bốc khói nghi ngút mang hương vị xuân đến mọi nhà.
Vĩnh Phúc: Kiếm "bộn tiền" từ dịch vụ cắm hoa lan dịp Tết
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu chơi hoa lan Hồ điệp của người dân tăng cao. Để kịp thời cung ứng ra thị trường các sản phẩm đẹp, đắt giá, tại các cửa hàng bán lan Hồ điệp, những người thợ cắm hoaluôn tất bật ngày đêm tạo hình, lên chậu cho hoa lan. Tuy bận rộn, vất vả, nhưng đây là dịp để những người thợ cắm hoa kiếm “bộn tiền” với mức thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Thợ cắm lan tất bật ngày đêm để kịp hoàn thành tác phẩm ưng ý cho khách hàng.
Kinh doanh lan Hồ điệp lâu năm, có lượng khách ổn định, do đó, từ đầu tháng Chạp, chị Nguyễn Thị Phượng, chủ cửa hàng hoa phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên đã liên hệ, ký hợp đồng với một nhóm thợ gồm 6 người có tay nghề cao ở Hà Nội về cắm lan cho cơ sở của mình.
Chị Phượng cho biết: “Năm nay, cửa hàng tôi nhập hơn 15.000 bầu lan Hồ điệp từ Đà Lạt về phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Bình thường, cửa hàng có 3 thợ chính làm công việc cắm hoa. Tuy nhiên, thời điểm cận Tết, nhu cầu chơi hoa lan tăng cao, tôi phải thuê thêm người làm việc ngày đêm mà vẫn không xuể.
Trong nhóm thợ chuyên cắm hoa được thuê có 2 thợ chính, 4 thợ phụ, là nhóm thợ chuyên nghiệp đã làm nghề từ nhiều năm nay.
Thợ cắm lan tuy không thiếu nhưng để tìm được thợ giỏi, cắm đẹp thì không phải dễ. Tiền công trả cho thợ tính theo cành/bình, mỗi cành từ 15 - 30 nghìn đồng, tùy tay nghề và uy tín của từng người.
Họ sẽ bắt đầu cắm lan từ đầu tháng Chạp và thường kết thúc công việc vào 25 - 27 Tết. Riêng chi phí để trả cho thợ cắm hoa vụ Tết hết khoảng 200-300 triệu đồng”.
Những chậu lan Hồ điệp có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí có những chậu lan lên tới cả trăm triệu. Ngoài ra, cửa hàng cũng nhận ghép lan theo yêu cầu của khách hàng.
Từ thành phố Hà Nội về thành phố Vĩnh Yên theo lời mời của chủ cửa hàng, anh Lưu Quốc Thái - thợ cắm hoa có 8 năm kinh nghiệm trong nghề và được chủ cửa hàng đánh giá là người thợ khéo léo, cẩn trọng, có trách nhiệm và giàu sáng tạo.
Theo anh Thái, thời điểm cận Tết, công việc cắm, ghép các chậu lan của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng và thường kết thúc vào lúc nửa đêm. Cắm hoa lan đòi hỏi sức bền, cẩn thận, khéo léo bởi hoa lan dễ gãy.
Trung bình, để cắm, ghép một chậu hoa khoảng vài chục cành, anh mất 1 - 2 giờ thực hiện nhưng với những chậu hoa lan dáng cầu kỳ, số lượng hàng trăm cành, kể cả những người thợ lành nghề cũng phải mất hàng chục tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, bù lại với công sức bỏ ra, anh Thái có thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/ngày.
“Nghề này ngoài năng khiếu còn phải có trách nhiệm với công việc và tinh thần không ngừng học hỏi. Xu hướng cắm hoa, chơi hoa mỗi năm mỗi khác, người thợ nếu không chịu khó học hỏi sẽ tụt hậu ngay, phải luôn đổi mới, sáng tạo, tìm tòi để tôn lên vẻ đẹp của hoa lan và phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng”, anh Thái chia sẻ thêm.
Khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vĩnh Yên, những ngày này trở thành chợ hoa Tết sôi động tập trung nhiều tiểu thương đến buôn bán. Ở đây, lan Hồ điệp là mặt hàng được trưng bày ở vị trí đẹp và rộng nhất.Từ giữa tháng 12 âm lịch, hàng chục thợ cắm lan hối hả làm việc cả ngày lẫn đêm.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, thợ cắm hoa thuê tại một cửa hàng lan Hồ điệp ở Quảng trường Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thường ngày, công việc chính của tôi là kinh doanh online nhưng vào dịp Tết tôi lại nhận thêm cắm hoa lan nghệ thuật. Bởi sự say mê, yêu thích hoa lan Hồ điệp nên từ 5 năm trước, tôi đã đăng ký theo học lớp cắm hoa nghệ thuật và học hỏi thêm kiến thức trên mạng cùng những người đi trước để rèn luyện tay nghề.
Tuy đây chỉ là nghề tay trái, nhưng công việc này đem lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định 15 - 20 triệu đồng mỗi vụ, giúp gia đình tôi đón một cái Tết đủ đầy hơn”.
Hà Nội: OCOP khẳng định thế mạnh trên thị trường
Đến nay, nhiều sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành mặt hàng quen thuộc của người dân trong dịp Tết đến, xuân về và ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường. Nắm bắt xu hướng này, các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng nguồn hàng hóa cung ứng ra thị trường.
Kiểm tra sự phát triển của cây su hào tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm).
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu của người dân thành phố Hà Nội về rau xanh tăng đột biến. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau tham gia Chương trình OCOP ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã đã mở rộng diện tích trồng su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và nhóm rau gia vị... Vào thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, hợp tác xã cung ứng trên 50 tấn rau/ngày. Trong đó, 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Lương Văn Phương, sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình OCOP. Dịp Tết Nguyên đán này, ước tính xã Tráng Việt có 8.000 quả bưởi được đưa ra thị trường với giá 90-100 nghìn đồng/quả. “Bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon. Sản phẩm được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, lượng tiêu thụ không những ổn định mà còn có xu hướng ngày càng tăng” - ông Lương Văn Phương khẳng định thêm.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, trên địa bàn huyện có 172 sản phẩm OCOP. Để đẩy mạnh tiêu thụ trong dịp Tết, huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để quảng bá sản phẩm tới tay người dùng.
Hiện nay toàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, rất nhiều sản phẩm như: Rau, thịt, giò chả, bánh chưng, gạo… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và có sản lượng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm đều được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tạo được dấu ấn riêng trên thị trường. Đa số sản phẩm OCOP được trưng bày, bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn...
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến, Công ty có hơn 20 loại giò chả, nem… được công nhận sản phẩm OCOP. Nắm bắt thị hiếu của người dân trong dịp Tết, Công ty đã cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm để phục vụ thị yếu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, với hơn 1.000 điểm bán lẻ thương hiệu Nutrimart trên toàn quốc, một trong những tiêu chí mà đơn vị ưu tiên lựa chọn đưa vào hệ thống là sản phẩm được UBND các tỉnh, thành phố, cấp chứng nhận OCOP. Việc lựa chọn các sản phẩm đã được cấp sao trong chương trình OCOP sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều thời gian kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc trước khi nhập hàng, phân phối… Các địa phương cần hỗ trợ chủ thể tham gia OCOP sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu và định hướng theo nhu cầu của thị trường.
Tiếp tục đổi mới phương thức quảng bá, dịp Tết này, các chủ thể sản phẩm OCOP đã quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới dạng quà tặng để tiếp cận thị trường. Những món quà này là cơ hội để quảng bá sâu rộng hơn sản phẩm mang tính đặc trưng của từng địa phương.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, ngay từ khi Chương trình OCOP được triển khai năm 2019, thành phố đã xác định phát triển sản phẩm không chạy theo số lượng. Thay vào đó là chú trọng nâng cao chất lượng và mở rộng “đầu ra” để mang lại giá trị cốt lõi lớn hơn cho chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là cụ thể hóa triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phát huy hiệu quả Chương trình OCOP.
Để phát triển bền vững Chương trình OCOP, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Hỗ trợ chủ thể sản xuất đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng... qua đó ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…