Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 2 năm 2024 | 12:17

Kinh tế VAC - sinh kế thoát nghèo bền vững

Trong gần 40 năm qua, mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) do Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) khởi xướng, phát động tại hộ gia đình đã từng bước được cải tạo để xóa suy dinh dưỡng, tạo sinh kế xóa đói, thoát nghèo cho người dân và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Đây là thực tế đã được khẳng định.

TS. Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, kinh tế vườn hay kinh tế VAC là thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và kinh tế nông nghiệp ở nước ta.

Bạc Liêu đa dạng các mô hình kinh tế VAC

Ngoài thực hiện hiệu quả mô hình đỡ đầu hộ nghèo, các đơn vị, xã, phường của TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) còn phối hợp với các cấp, các ngành linh hoạt hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập… Hầu hết những hộ nghèo, cận nghèo sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế (chủ yếu là chăn nuôi, trồng rẫy, mua bán nhỏ…) đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng ớt của nông dân xã Hiệp Thành. Ảnh: Minh Luân.

Từng là hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, song nhờ ý chí vươn lên và đức tính cần cù trong lao động, cộng thêm sự tiếp sức của đoàn thể địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất có hiệu quả, đến nay, kinh tế gia đình bà Thạch Thị Đượl (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch) ngày càng đi lên. Bà Đượl cho biết, trước đây do không có vốn để đầu tư trồng trọt nên cuộc sống gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2021, nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình bà đã thực hiện mô hình trồng rau diếp cá. Mô hình sản xuất này đã giúp mang lại nguồn thu trên 60 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ngày càng khởi sắc.

Ngoài mô hình trồng rau diếp cá, xã Vĩnh Trạch còn có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được nhiều hộ áp dụng như: trồng ớt Thái, ớt châu Phi, ớt chỉ thiên, ngò gai (mùi Tàu), đậu bắp và nuôi heo sinh sản…, qua đó làm phong phú, đa dạng mô hình sản xuất cho TP. Bạc Liêu. Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đó là các mô hình: trồng cải rổ Thái, cóc Thái, nhãn, hẹ; nuôi ếch, vịt xiêm, gà, heo thương phẩm, lươn và các loài cá nước ngọt; trồng chuối sáp và trồng táo trong nhà lưới; trồng hoa vạn thọ; mua bán nhỏ; làm bánh truyền thống...

Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian tới, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Phát triển kinh tế hộ

Sau nhiều năm cải tạo đất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây ăn quả của gia đình ông Vũ Công Hằng, tổ 3, phường Hòa Chung (TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã cho thu nhập đáng kể và trở thành mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế vườn đồi.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Vũ Công Hằng, tổ 3, phường Hòa Chung cho thu nhập cao.

Ông Hằng chia sẻ: Nhận thấy điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu phù hợp với trồng cây ăn quả, từ năm 2000, gia đình đầu tư trồng trên 600 cây ổi lê, hơn 30 cây bưởi da xanh. Riêng đối với cây ổi, gia đình trồng theo đúng khoảng cách khuyến cáo, cắt tỉa đúng kỹ thuật, làm cỏ thường xuyên. Vì vậy, cây tạo tán đều, quang hợp ánh sáng tốt, ra hoa quanh năm, quả ngọt, giòn, thuận tiện cho khâu chăm sóc, thu hoạch. Trung bình gia đình thu hái 50 - 70 kg ổi/ngày, chính vụ lên tới 100 kg/ngày. Ngoài việc bán lẻ tại các chợ, một số thương lái đến vườn đặt hàng, ổi hái đến đâu bán hết đến đó, giá bán ổn định, vườn cây ăn quả cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/năm.

Cùng với gia đình ông Hằng, hộ ông Phan Văn Khê (tổ 5, phường Hòa Chung) từ 5 năm trở lại đây đã chuyển đổi hơn 3.000m2 đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây như: mít Thái, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh các loại. Đến nay, vườn cây ăn quả của ông Khê đã cho thu hoạch, riêng hơn 100 cây mít Thái năm nay cho thu quả lứa đầu.

Ông Khê tâm sự: Mít là loại cây có giá trị kinh tế khá cao. Trong quá trình trồng, gia đình luôn chú ý đến các khâu làm cỏ, bón phân, khi cây mọc cao chừng 1 m thì cắt tỉa cành nhỏ. Giống mít Thái cho quả sớm, do đó lứa đầu không nên giữ lại toàn bộ quả mà phải tỉa bớt những quả gần ngọn để tập trung chất dinh dưỡng nuôi cho 1 - 2 quả gần gốc. Ngoài ra, mít thường bị sâu đục thân, đục cành gây hại vào thời điểm cây còn non hoặc tấn công vào quả non; ruồi đục quả thường đẻ trứng vào thời điểm quả già làm mít bị thối nhũn… Vì vậy, người làm vườn cần quan tâm, xác định đúng bệnh để phòng trừ kịp thời. Hiện nay, để có thêm kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, tôi tham gia sinh hoạt tại Chi hội Làm vườn phường Hòa Chung để được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Với lợi thế về điều kiện đất đai, thuận tiện trong tiêu thụ sản phẩm, người dân nắm bắt nhanh về khoa học kỹ thuật, thị trường, phong trào làm vườn trên địa bàn phường Hòa Chung phát triển khá mạnh. Ông Phan Thái Cường, Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn phường Hòa Chung cho biết: Chi hội duy trì sinh hoạt định kỳ, thông tin cho nhau về giá cả thị trường, các cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, chia sẻ về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiêu biểu như: nuôi gia cầm, cá lồng, cá thả ao; trồng các loại cây như thanh long, bưởi, ổi, mít, hồng, nhãn, trồng rau xanh cung cấp cho thị trường thành phố, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thời gian tới, Chi hội tiếp tục tập hợp, vận động, tuyên truyền hội viên tham gia thúc đẩy kinh tế VAC.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Sinh Cung, để khai thác tiềm năng của địa phương trong phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu, tạo thu nhập bền vững cho hội viên, nông dân làm kinh tế theo mô hình VAC, thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu phát triển kinh tế VAC gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 65% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Làm vườn; phát triển 105 chi hội cơ sở, trong đó trên 60 chi hội hoạt động có hiệu quả;  xây dựng trên 2 mô hình VAC hiệu quả/huyện/năm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang Đỗ Xuân Bình cho biết, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.

Theo đó, Bắc Giang đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp khác nhau phù hợp theo từng giai đoạn.

Trên cơ sở đó, tỉnh đưa ra một trong những mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh; phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác.

Do vậy, đến nay, nhiều mô hình kinh tế VAC đang mang lại hiệu quả cho người dân. Trong đó, tiêu biểu là mô hình phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch trải nghiệm tại Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng),  thành lập năm 2016.

Từ diện tích ban đầu là 13ha, đến nay hợp tác xã đã mở rộng lên 60ha, trong đó 12ha sản xuất nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động.

Sau gần 7 năm hoạt động, Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng đã xây dựng hơn 35.000 m2 nhà lưới công nghệ cao. Hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 85 lao động với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn) ngoài sản xuất, bao tiêu sản phẩm vải thiều, hoa quả cho thành viên và các hộ dân trên địa bàn tỉnh, hợp tác còn liên kết bao tiêu sản phẩm vải, cam, bưởi… cho người dân các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình... Doanh thu đạt hơn 25 tỷ đồng/năm.

Cùng mục tiêu, Hội Làm vườn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.076 trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tạo ra các vùng sản xuất tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Trong đó có trang trại của gia đình anh Nguyễn Quang Khải (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc), với 10.000m2 mặt nước nuôi  thủy sản, chăn nuôi 10 con lợn nái, 100 con lợn thịt. Doanh thu bình quân từ nuôi lợn đạt 800 triệu/năm và nuôi trồng thủy sản đạt 1,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp tại nước ta vẫn chưa phổ biến.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn 

Kinh tế vườn hay kinh tế VAC là một thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và nền nông nghiệp nước ta. Hàng năm, kinh tế vườn đóng góp sản lượng lớn rau, quả, thịt, trứng, thủy sản cho thị trường; mặt khác, nhiều sản phẩm OCOP hiện nay cũng xuất phát từ kinh tế VAC. Để nâng cao hiệu quả kinh tế VAC, hiện nay các địa phương, người dân đang ứng dụng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển kinh tế VAC.

 PGS. TS. Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, dù mang lại những lợi ích không nhỏ, tuy nhiên, việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại nước ta vẫn đang ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển.

Hiện nay, mô hình VAC đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các hình thức đã được cải tiến cùng những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh tại nhiều hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

TS. Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: “Ngoại trừ các đại điền trang quy mô lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nông nghiệp, còn lại các loại hình vườn hộ, trang trại, gia trại nhỏ và vừa của các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đều thuộc phạm vi kinh tế VAC.

Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm hơn 80% sản lượng rau, quả, hơn 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ đây”.

Mặt khác, kinh tế vườn cũng tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa giá trị; kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ đào tạo, giải trí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân.

Đồng thời, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái, góp phần trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top