Hiện, việc liên kết chuỗi sản xuất trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm đang là vấn đề rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng và phối kết hợp giữa nông dân và các doanh nghiệp.
Liên kết chuỗi sản xuất sẽ làm cho sản phẩm nông nghiệp luôn có giá ổn định và giảm bớt hiện tượng tăng diện tích trồng khi giá sản phẩm lên cao.
Giống ớt mới cho nông dân Diễn Châu hàng trăm triệu lợi nhuận
Bà con nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu, Nghệ An) đang rộ vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Năm nay, đưa giống mới vào sản xuất, năng suất vượt trội, được công ty liên kết thu mua với giá gấp đôi năm ngoái, sau khi trừ chi phí, bà con “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng/ha.
Cây ớt cho thu hoạch từ sát Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch. Ảnh: Thanh Phúc
Theo ước tính của bà con trồng ớt tại đây, mỗi sào ớt cho năng suất 1,5 -2 tấn, với giá bán hiện nay là 12.000 - 15.000 đồng/kg ớt chín, mỗi gia đình có thể thu về 45 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 35 triệu đồng cho 3 sào ớt.
Vụ đông xuân năm nay, toàn xã Diễn Phong trồng 10 ha ớt, đây là cây trồng truyền thống của địa phương. Trước đó, bà con trồng các giống ớt chỉ thiên, năng suất thấp hơn, đầu ra bấp bênh.
“Sau 1 năm nghỉ trồng ớt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Diễn Phong liên kết với công ty xuất khẩu ớt đưa giống ớt mới vào trồng. Theo đó, công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Đặc biệt, nhờ quản lý tốt dịch bệnh nên cây ớt sạch bệnh, cho năng suất cao. Theo ước tính, năng suất ớt đạt 30 tấn/ha, cá biệt, có những hộ chăm sóc tốt, năng suất lên đến 35-40 tấn/ha”, ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã cho biết.
Theo tính toán, mỗi sào ớt, nông dân chỉ phải đầu tư 2 - 2,5 triệu đồng và mất khoảng 2,5 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch. Với giá thu mua hiện tại, trừ chi phí nông dân còn “bỏ túi” 200 – 300 triệu đồng/ha.
Ngoài ớt ra, bà con nông dân ở huyện Diễn Châu cũng đang tiến hành thu hoạch khoai tây, với diện tích trồng hơn 220 ha, khoai tây cho năng suất cao với dự kiến sản lượng lên đến hàng nghìn tấn. Với giá thu mua bình quân tại ruộng 7,7 triệu đồng/tấn, cao hơn giá thu mua năm ngoái chỉ 7 triệu đồng/ tấn cho bà con nông dân thu nhập tương đương 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí, nông dân thu về 100 triệu đồng/ha.
Nông dân tuyển lựa khoai trước khi nhập cho doanh nghiệp. Ảnh: Mai Giang
Đây là năm thứ 3, huyện Diễn Châu tham gia trồng khoai tây theo dự án liên kết gồm Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An là đơn vị tổ chức, Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Học viện nông nghiệp Việt Nam) cung ứng giống, còn Công ty Orion Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: "Khoai tây là cây trồng có ưu thế về mùa vụ, ít cạnh tranh với các loại cây trồng khác; dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lại phù hợp thổ nhưỡng địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình trồng khoai tây liên doanh trong vụ đông và đông xuân để góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cho nông dân".
Với đầu ra ổn định nên nông dân huyện Diễn Châu mở rộng diện tích qua từng năm. Như tại xã Diễn Phong, năm đầu thử nghiệm mới 10 ha, nay đã trồng trên 40 ha. Ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã Diễn Phong (Diễn Châu) cho biết, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng khoai tây, tập trung chủ yếu ở các xóm Hướng Dương, Đông Hồ, năng suất dự kiến khoảng 800 tấn.
Có thể thấy chỉ với hai loại sản phẩm nông sản là ớt và khoai tây, khi có đơn vị bao tiêu sản phẩm, bà con nông dân sẽ yên tâm hơn khi thu hoạch mà không lo sản phẩm không tiêu thụ hết, đồng thời giá bán cũng sẽ ổn định và cao hơn.
Trúng đậm cá trích ngư dân Hà Tĩnh vô cùng phấn khởi
Cũng phấn khởi như bà con nông dân ở Nghệ An khi thu hoạch ớt và khoai tây được giá, bà con ngư dân ở xã Xuân Yên (Hà Tĩnh) trong hơn 1 tuần nay liên tục trúng đậm cá trích, mang về nguồn thu khá sau mỗi chuyến biển.
Từ ngày 12/3 đến nay, mỗi ngày, hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân xã Xuân Yên đồng loạt ra quân đánh bắt cá trích. Theo anh Trần Văn Cường - thôn Yên Hải cho biết: “Mỗi chuyến ra khơi thường bắt đầu từ 4h sáng ở vị trí cách bờ khoảng 1-3 hải lý. Sau gần 5 tiếng đánh bắt, các tàu thuyền cập bờ, có hôm được nhiều thì được hơn 100 kg cá trích”.
Anh Trần Văng Cường đang gỡ cá sau chuyến ra khơi trở về
Theo ước tính, trong khoảng 10 ngày qua, sản lượng cá trính đánh bắt được của bà con ngư dân xã Xuân Yên đạt khoảng 150 tấn. Ngày nhiều nhất, có tàu có thể đánh bắt được trên 300kg cá trích. Cá được các tiểu thương thu mua ngay tại biển với giá bán từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Những ngày được cá đậm, sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu về 1,5 - 2 triệu đồng.
Theo các ngư dân, những năm trước, vụ đánh bắt cá trích nhiều nhất thường vào khoảng giữa tháng 2 nhưng năm nay muộn hơn và bắt đầu có sản lượng lớn kể từ đầu tháng 3.
Người chăn nuôi thỏ thương phẩm ở Hướng Hóa thu hàng trăm triệu đồng
Nắm bắt nhu cầu thực tế của khách hàng, sau khi tìm hiểu thông tin, học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ, vợ chồng chị Đào Thị Diệu ở khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo cải tạo mảnh đất vườn sản xuất kém hiệu quả của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi thỏ New Zealand.
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình chị Diệu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao - Ảnh: N.T
Sau 5 năm đầu tư mô hình nuôi thỏ thương phẩm, hiện trong chuồng nhà chị Diệu có trên 500 con thỏ mẹ và thỏ con.
Với đặc điểm sinh sản nhanh, một năm thỏ mẹ sinh sản từ 6 -7 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con, sau khoảng 3 - 4 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 4 kg/con thì xuất bán, giá bán 90.000 - 110.000 đồng/kg thỏ thịt.
Ngoài nuôi thỏ thương phẩm, vợ chồng chị Diệu còn bán thỏ giống với giá 120 - 150.000 đồng/con. Hiện tại, gia đình chị đang có gần 200 m2 chuồng trại, được đầu tư xây dựng khép kín, gồm hệ thống chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động, hệ thống nước, quạt mát...
Mô hình của gia đình chị có đầu ra thuận lợi. Sau khi trừ mọi chi phí, mang lại lợi nhuận cho gia đình chị từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Chị Diệu cho biết, trong thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng quy mô để phát triển nuôi thỏ với số lượng lớn hơn.
Với lợi thế vườn nhà rộng, ông trồng thêm một số loại cây, cỏ để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho vật nuôi. Ông Phạm Văn Yên ở Khối 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Thỏ có bộ lông dày, lại không có tuyến mồ hôi nên khả năng chịu nhiệt độ cao là rất thấp, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng của thỏ là 25o C, độ ẩm từ 60 - 80%.
Trong khi đó, mùa hè ở Khe Sanh khá nóng, trung bình từ 30 - 35o C nên ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của thỏ. Bởi vậy, tôi lợp mái cao cho chuồng nuôi và dùng lưới mành phủ kín xung quanh để ánh nắng không chiếu trực tiếp vào tường giúp giảm được từ 2 - 4o C so với nhiệt độ ngoài trời. Bên trong chuồng, tôi lắp thêm nhiều quạt trần, hệ thống nước phun sương tạo không khí mát mẻ, dễ chịu cho đàn thỏ”.
Mô hình nuôi thỏ của ông Yên có hơn 300 con. Mỗi tháng, ông xuất bán cho các thương lái, nhà hàng trong và ngoài huyện từ 2 - 2,5 tạ thỏ thịt với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Yên thu lãi gần 100 triệu đồng.
Hiện nay, huyện Hướng Hóa có gần 10 mô hình nuôi thỏ quy mô vừa và lớn, với số lượng hơn 3.000 con, tập trung chủ yếu ở thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo, xã Hướng Tân và xã Tân Lập.
Sau thời gian chuyển đổi chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình nuôi thỏ phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trên địa bàn huyện.
Sản phẩm nông nghiệp trong trồng trọt hay chăn nuôi, nếu có sự liên kết từ những công ty tiêu thụ, sản phẩm sản xuất ra sẽ được tiêu thụ ngay. Bà con nông dân sẽ yên tâm hơn trong khâu tiêu thụ, đồng thời giá cả lại cao cho thu nhập ổn định. Vì thế liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chúng ta.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.