Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 5 năm 2024 | 14:19

Miền Trung cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, thủy - hải sản theo hướng sinh thái

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, theo đó miền Trung sẽ đẩy mạnh kinh tế biển, cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, thủy, hải sản theo hướng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quảng Bình có nhiều lợi thế khi sở hữu đường bờ biển dài

Quảng Bình là tỉnh ven biển thuộc Bắc Trung Bộ, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, có đường bờ biển dài 116.04 km với 5 cửa sông; trong đó có 2 cửa sông lớn là Nhật Lệ và cửa Gianh. Có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn. Cùng với tiềm năng tài nguyên phi sinh vật như vận tải biển, điện gió, điện mặt trời là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển các lĩnh vực kinh tế tổng hợp về biển.

Với đường bờ biển dài Quảng Bình có nhiều bãi biển đẹp như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh, Nhân Trạch, Ngư Thủy… Bờ biển thoai thoải, có nhiều cồn cát trắng uốn lượn đẹp như tranh vẽ, nước biển trong xanh rất thuận lợi cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, dịch vụ thể thao biển.. Để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới về chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện các giải pháp khai thác hiệu quả các lợi thế cạnh tranh và tiềm năng vốn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, lãnh đạo tỉnh chú trọng công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.

Quảng Bình được đánh giá là vùng biển có trữ lượng lớn về thủy hải sản, vừa đa dạng và phong phú về chủng loài, ước tính có 1650 loài, trong đó có những loài quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, sò huyết, rắn biển… Diện tích tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản trên ba mặt nước khoảng 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản mặt nước mặn và nước lợ là 4.000 ha, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 11.000 ha. Theo số liệu điều tra và đánh giá của Tổng cục Thủy sản thì trữ lượng cá ở vùng biển Quảng Bình là khoảng 51.000 tấn.

Hiện tại, toàn tỉnh có gần 3.600 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; một số tàu cá thực hiện cải hoán, nâng cấp đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các phương tiện đánh bắt, việc ngư dân đầu tư khai thác theo hướng đẩy mạnh đánh bắt thủy sản ở ngư trường các vùng khơi, vùng biển xa, tổ chức sản xuất theo tổ biển xa, tổ hợp tác, đoàn kết đảm bảo an toàn trên biển, nâng cao hiệu quả và sản lượng khai thác, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Trong những năm qua, phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường biển củng được tỉnh quan tâm sâu sắc. Các cấp lãnh đạo, chính quyền của tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hành động trong việc thực hiện phòng chống ô nhiễm môi trường biển trong đó đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.

Kinh tế biển ở Khánh Hòa giữ vai trò chủ đạo

Khánh Hòa đang chiếm ưu thế vượt trội, tỉnh có 3 vịnh nước sâu kín gió: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Khánh Hòa là cửa ngõ giúp cho Tây Nguyên vươn ra biển lớn kết nối với thế giới.

Cảng Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh sớm có nghị quyết về phát triển kinh tế biển, trước cả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Khánh Hòa là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển cơ sở du lịch đẳng cấp cao, kinh tế công nghiệp tàu biển, đánh bắt xa bờ... Đây là tư tưởng dám nghĩ, dám làm, mang tính xuyên suốt qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Để phát triển kinh tế xã hội, Khánh Hòa lấy kinh tế biển làm chủ đạo, vì vậy tỉnh đã đưa ra 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, vùng quy hoạch nuôi biển hợp lý, hài hòa với các ngành kinh tế, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Thứ hai, xác định những vùng nuôi phù hợp cho từng đối tượng, chỗ nào nuôi tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá mú... và mở rộng ra những vùng nuôi mới. Thứ ba, xác định được những vùng nuôi từ bờ trở ra 3 hải lý và vùng 6 hải lý. Trong Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, xác định đối tượng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn vốn nuôi ở vùng biển 6 hải lý. Thứ tư, đề án này xác định tiêu chí như thế nào là nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Các nội dung về định hướng và phát triển kinh tế biển như trên đã được cụ thể trong quy hoạch tỉnh và được giao cho các sở, ngành địa phương tiếp tục nghiên cứu để triển khai. Trong quá trình phát triển kinh tế biển, tỉnh sẽ đảm bảo hài hòa yếu tố bảo tồn và phát triển. Giữ gìn môi trường, giá trị văn hóa, di sản về biển. Nội dung này được tỉnh đặt ra trong các kế hoạch và đang được hành động một cách mạnh mẽ

Trước sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng của các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cơ cấu lại ngành nông, lâm, nghiệp, thủy - hải sản gắn với công nghiệp chế biến

Miền Trung hiện nay có 19 tỉnh thành gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận.

Quy hoạch cơ cấu lại để phát triển kinh tế biển.

Hầu hết các tỉnh, thành này đều nằm sát biển nên có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là các ngành khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến.

Quy hoạch mới của vùng cho thấy, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Cùng đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết nuôi trồng, chế biến nông sản và thủy sản giữa các địa phương. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bờ các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên. Tập trung các loại thủy sản có giá trị cao tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và các địa bàn khác có tiềm năng. Phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp quốc phòng, an ninh tại các khu vực ngư trường trọng điểm và trên các tuyến xa bờ tập trung ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Định và một số địa bàn có tiềm năng.

Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; nuôi biển giá trị cao ngoài khơi và một số lĩnh vực năng lượng mới. Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng, là động lực chính phát triển kinh tế.

Trong định hướng phát triển các tiểu vùng phát triển kinh tế và liên kết vùng, tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ được đẩy mạnh phát triển về khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ phục vụ dịch vụ đánh bắt và neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá xa bờ kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Phát triển thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước

Về dịch vụ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước theo 03 khu vực động lực phát triển du lịch quốc gia gồm: Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông.

Trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước.

Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu; phát triển các trung tâm logistic cấp vùng và quốc gia trên cơ sở hệ thống cảng biển trong vùng và các hành lang vận tải quốc tế chính. Phấn đấu đóng góp trên 6% tổng doanh thu logisctic của cả nước.

Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi...

Ngoài ra vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến, và một số ngành công nghiệp mới. Xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao.

Tập trung phát triển công nghiệp dọc theo các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với các cảng biển, các đường quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên. Mở rộng không gian phân bố công nghiệp về phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tập trung ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên; ưu tiên sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận; xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận...

Nguồn: TC Thủy Sản; Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Biên phòng

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top