Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 5 năm 2023 | 10:9

Mô hình hội quán đang từng bước nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế

Giống như các địa phương khác, mô hình hội quán ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã và đang làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ câu chuyện thay đổi của thị trường và mong muốn nông dân tập hợp, cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng thành lập mô hình “Hội quán nông dân” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Giống như các địa phương khác, mô hình hội quán ở huyện Tháp Mười đã và đang làm tốt trách nhiệm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hội quán ở Đồng Tháp được thành lập thông qua hình thức liên kết tự nguyện của nông dân, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, mô hình hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đến nay, Đồng Tháp có hơn 130 hội quán với hơn 7.000 thành viên. Từ nền tảng hội quán đã có trên 30 hợp tác xã được thành lập.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng thành lập mô hình “Hội quán".

Mô hình hội quán đã tập hợp được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia cùng ngồi lại với người dân để trao đổi về kỹ thuật sản xuất, phương thức kinh doanh để làm sao nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và cùng chung con thuyền với doanh nghiệp để đưa nông sản tiến xa hơn vào các thị trường quốc tế.

Huyện Tháp Mười hiện có 13 hội quán, với 665 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, các hội quán đã phối hợp các ngành mở 9 tập huấn cho 273 thành viên về sản xuất sản phẩm sạch, an toàn; quy trình sản xuất để đăng ký mã vùng trồng; thành viên các hội quán đã liên kết trao đổi, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm thị trường nông sản cho thành viên với quy mô lớn.

Qua đó, thành viên hội quán đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất như quản lý dịch hại bằng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, sử dụng thiết bị bay không người lái  khi phun thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả khi tham gia hội quán dần rõ nét trong nền kinh tế thị trường nên thành viên hội quán ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Văn Điền, Thuận Kiều hội quán xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết: "Trước đây tôi làm vườn nghe người này nói người kia nói mình tự làm nhưng khi vô hội quán thì được tiếp cận với thông tin của các nhà khoa học người ta hướng dẫn trồng cây gì, con gì, bón phân như thế nào, xịt thuốc như thế nào để nó phù hợp với sản xuất nông nghiệp sạch. Hàng tháng họp những cái gì có lợi được rút kinh nghiệm, được chia sẻ, được trao đổi với nhau để vận dụng trên mảnh vườn của mình".

Hội quán là một tổ chức để tập hợp những người cùng ngành nghề sản xuất cùng nhau trao đổi, liên kết sản xuất. Vì vậy, để hội quán phát huy hiệu quả thì vai trò của Ban Chủ nhiệm hội quán rất quan trọng, phải thực sự tâm huyết, nhiệt tình, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong sinh hoạt để thành viên hội quán tự tin dám nghĩ, dám làm, dám tiếp cận khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về những cách làm hay.

Ông Đặng Văn Rít, Phó Chủ nhiệm Tâm Quý Hội quán, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười chia sẻ: "Ban chủ nhiệm phải đoàn kết tốt, phải biết lắng nghe ý kiến lẫn nhau, xây dựng kế hoạch, đề ra phương hướng phải làm gì, cần địa phương giúp đỡ cái gì, dành riêng toàn bộ 2,3 cuộc họp để bà con có ý kiến trao đổi lẫn nhau những chuyện cần phải làm, rồi cái nào chúng ta nên tránh, tự người ta trao đổi lẫn nhau. Tìm tòi học hỏi, tui tìm những cái hay  về truyền đạt lại cho bà con".

Nổi bật ở các hội quán là mô hình tổ hùn vốn xoay vòng, mỗi thành viên sẽ góp từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng, mô hình này góp phần duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, vừa giúp các hội viên thể hiện tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, từ nguồn vốn này, giúp các thành viên cất căn nhà, cải tạo vườn, mua vật tư nông nghiệp và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Tuy nhiên, để các hội quán duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả, cần có sự quan tâm định hướng, hỗ trợ của Chính quyền địa phương về kỹ thuật, thông tin thị trường.

Hội quán chỉ là một tổ chức để tập hợp những người cùng ngành nghề sản xuất cùng nhau trao đổi, liên kết sản xuất.

Ông Lê Văn Lý Em, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết: "Khó khăn hiện nay là trình độ của một số anh em hội quán còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ hội quán, tạo điều kiện hội quán hoạt động tốt hơn. Hướng tới nếu hội quán là tốt vai trò này, định hướng từ hội quán đi lên hợp tác xã, để giúp thành viên có điều kiện ký kết với các công ty trong vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm của mình và đưa lên sàn giao dịch".

Mới đầu chưa có quy định, quy chế về sinh hoạt của hội quán nên từng hội quán có cách sinh hoạt khác nhau, chất lượng sinh hoạt cũng chưa đảm bảo. Năm 2018, huyện Tháp Mười đã có công văn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội quán. Khi đó, các thành viên hội quán đã sản xuất theo nhu cầu thị trường, mua chung, bán chung, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm như đưa các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử hay liên kết sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đinh Minh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tháp Mười nhận định: "Nhìn chung các hội quán hoạt động tốt, có thể nói đây là cơ sở để các nông dân thực hiện chủ để trao đổi trong sản xuất, mô hình liên kết với các doanh nghiệp. Và đặc biệt đây là cơ sơ rất  vững chắc để nâng lên thành hợp tác xã trong thời gian tới".

Từ mô hình hội quán, huyện Tháp Mười đang tập trung phấn đấu hình thành thêm các hợp tác xã từ nền tảng hội quán. Để thực hiện được mục tiêu, huyện Tháp Mười sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hội quán sử dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tìm hiểu cung cầu thị trường, các kênh tiêu thụ sản phẩm, từng bước vững mạnh để nâng lên thành hợp tác xã. Qua đó, tiếp tục mở ra hướng đi mới, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp.

 

Theo Phạm Hải/VOV.VN

 

Ý kiến bạn đọc
Top