Thời điểm này, nông dân các xã: Chí Tân, Thuần Hưng, Đại Hưng… (Khoái Châu, Hưng Yên) bận rộn với việc thu hoạch nghệ, một loại cây trồng thế mạnh của đồng đất nơi đây. Năm nay, cây nghệ được mùa, được giá nên người nông dân rất phấn khởi. Nhưng nếu được đầu tư chế biến sâu cho củ nghệ, chắc chắn người nông dân sẽ còn phấn khởi hơn nhiều.
Nghệ được mùa, giá bán cao gấp đôi so với năm trước
Nghệ là cây trồng truyền thống của người dân xã Chí Tân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Hiện nay, diện tích trồng nghệ của xã khoảng 165 ha, đây cũng là xã có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện Khoái Châu. Thời điểm này, khắp trong đồng, ngoài bãi, người dân khẩn trương thu hoạch những lứa nghệ đầu tiên. Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nhưng nhờ có kinh nghiệm nhiều năm thâm canh nghệ, kết hợp với việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất vẫn ổn định, ước đạt từ 900 đến 1.500kg/sào. Hiện nay nghệ củ đầu mùa được thu mua với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg, cao hơn gấp hai lần so với năm trước.
Năm nay, nghệ ở Chí Tân, Khoái Châu đang được mùa, giá bán cao hơn năm trước.
Ông Đỗ Bá Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Tân cho biết: Trồng nghệ chi phí thấp, dễ chăm sóc, thu lãi ổn định, đạt sản lượng 27 - 30 tấn/ha, cùng với thu nhập từ trồng xen canh lạc, đỗ sẽ cho tổng mức lãi khoảng 270 triệu đồng/ha, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Chính vì vậy, hiện nay, khoảng 95% - 97% số hộ dân trong xã trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ củ nghệ.
Do dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều chất đất, ít bị sâu bệnh, không mất vốn mua cây giống, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng 1 năm, cây nghệ đang được nhiều hộ dân lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng trên 27 tấn củ, với giá bán hiện nay người nông dân trồng nghệ có giá trị thu được trên 300 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, nếu được đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến sâu cho nghệ, chắc chắn nghệ sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều.
Công dụng của nghệ
Theo viện Hàn lâm khoa học & công nghệ Việt Nam: "Nghệ Chí Tân có hàm lượng Nano curcumin cao nhất cả nước". Chính vì vậy, đã có một số cơ sở ở xã thu mua lại và tách lọc, chiết xuất ra sản phẩm tinh bột nghệ dễ sử dụng và giá tốt hơn so với củ nghệ thông thường. Theo nghiên cứu, hoạt chất Curcumin giúp giảm thiểu các tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, giảm các triệu chứng của viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Tinh bột nghệ được coi như một loại thảo dược không chỉ được làm gia vị trong các món ăn mà còn dùng để chữa bách bệnh như đau dạ dày, giải độc gan, tăng sức đề kháng, đặc biệt còn có tác dụng làm đẹp, trị mụn, thâm, nám,... và rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Bởi vậy, tinh bột nghệ là sản phẩm được rất nhiều người quan tâm và tin dùng.
Nghệ còn cung cấp khá nhiều vitamin, khoáng chất như: Vitamin C, K, E, Kali, canxi, sắt… và còn nhiều chất chống oxy hóa, kháng viêm.
Hoạt chất Curcumin có trong nghệ giúp đảo ngược quá trình có thể gây ra bệnh tim ở người.
Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất như kali trong củ nghệ giúp bảo vệ tim mạch luôn khỏe mạnh và ổn định. Thành phần curcumin kết hợp với mật ong có thể làm ngăn chặn các tế bào não bị tổn thương. Đặc biệt, các dưỡng chất trong mật ong còn góp phần kích thích quá trình sản sinh các tế bào não mới.
Nghệ có khả năng kháng khuẩn rất tốt nên khả năng làm lành vết thương của nghệ cực kỳ hiệu quả. Nếu bị thương hoặc bỏng có thể bôi nghệ lên khu vực đó để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, giúp tái tạo vùng da, ngăn ngừa sẹo.
Thành phần của nghệ chứa các loại vitamin như: C, E, K cùng với curcumin sẽ kích thích sản sinh các tế bào mới thay cho các tế bào cũ, tiêu diệt vi khuẩn và các gốc tự do có hại. Nhờ đó chống lại sự lão hóa, giúp làn da thêm trẻ trung, khỏe mạnh.
Nghệ có tính nóng, cay, có tác dụng bảo vệ dạ dày, tiêu diệt các vi khuẩn có hại, từ đó làm giảm tình trạng đau dạ dày hiệu quả. Sử dụng nghệ đúng cách có thể giúp điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, ợ chua, khó tiêu thường gặp.
Curcumin có trong nghệ có tác dụng hữu ích trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh về ung thư. Sử dụng nghệ thường xuyên sẽ giúp giảm sự hình thành các tế bào ung thư, tiêu diệt gốc tự do gây hại.
Nghệ có rất nhiều công dụng vì thế không những là gia vị mà còn là thảo dược quý chữa bệnh. Vì thế cần phải biết phát huy công dụng của nghệ để điều chế, sản xuất ra những sản phẩm tinh chất có giá trị cao.
Phải chế biến sâu để tăng giá trị của nghệ
Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên tại Chí Tân, Khoái Châu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ nghệ với đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nghệ của địa phương. Hiện nay, Công ty đã phối hợp với Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chế biến thành công các sản phẩm từ nghệ như: Tinh bột nghệ, sữa nghệ, nano curcumin, viên nghệ uống... Các sản phẩm chế biến từ nghệ và bột nghệ của công ty được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh từ khá sớm.
Những sản phẩm từ nghệ mang lại giá trị cao.
Sau nhiều năm gắn bó với cây nghệ, đến nay, doanh nghiệp đã có trên 20 sản phẩm chế biến từ nghệ thuộc nhiều nhóm khác nhau như: Gia vị chế biến, thực phẩm chức năng... Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ ở trong nước vài trăm tấn nghệ thô, hàng nghìn sản phẩm chế biến từ nghệ.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, để sản xuất được tinh bột nghệ có chất lượng tốt đảm bảo an toàn đòi hỏi người làm phải kỳ công ngay từ khâu trồng nguyên liệu, lựa chọn nguyên liệu cho tới sản xuất, đóng gói và xuất ra thị trường. Quy trình chế biến tinh bột nghệ phải qua các bước khá cầu kỳ: cho nghệ vào máy rửa sạch - xay nhuyễn - cho vào máy ép, giữ nước, bỏ bã - tách bỏ hoàn toàn tinh dầu - tách tinh bột ra khỏi nước - sấy khô bằng điều hòa - xay mịn - đóng gói.
Có thể nói giá trị của nghệ tươi đồng thời là những sản phẩm được tinh chế từ củ nghệ đã đem lại nhiều công dụng trong việc chăm sóc sức khỏe của con người, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được sản xuất từ nghệ và có giá bán rất cao, không những ở trong nước mà còn được xuất khẩu đi nước ngoài.
Nếu chỉ có trồng và bán thô thì không chỉ có riêng nghệ, mà cả những sản phẩm nông sản, dược liệu khác cũng không đem lại giá trị cao cho người trồng và các doanh nghiệp kinh doanh trong linh vực chế biến nông sản này. Vì thế, muốn tăng giá trị của nông sản, rất cần thiết có sự đầu tư cho hoạt động chế biến sâu sau thu hoạch của nông sản.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…