Mặc dù là nước có đàn gia cầm số lượng lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới và thứ 6 về sản lượng… nhưng sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lại chưa xuất khẩu được nhiều.
Muốn xuất khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi thì phải mở rộng và nâng cấp vùng chăn nuôi an toàn dịch theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Các doanh nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi…
Bảo đảm an toàn dịch bệnh
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước phát sinh 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 9.604 con. So với cùng kỳ năm 2022, diện dịch và mức độ dịch đều giảm. Cụ thể, số ổ dịch giảm hơn 61%; số tỉnh, thành phố có dịch giảm 50% và số gia cầm tiêu hủy giảm 82%.
Các doanh nghiệp cũng đã cung ứng 102,8 triệu liều vaccine cúm gia cầm; đang bảo quản tại kho 58 triệu liều; dự kiến sản xuất và nhập khẩu trong quý 2/2023 là 133,8 triệu liều, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác phòng bệnh, tiêm phòng bao vây chống dịch.
Bảo đảm an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững.
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 12,4%; tổng đàn bò tăng 3,5%; tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, cùng với trên 13 tỷ quả trứng và hơn 1 triệu tấn sữa. Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 400 triệu USD. Dự báo, năm 2023, ngành Chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường ước đạt hơn 7,2 triệu tấn và khoảng 19 tỷ quả trứng, 1,25 triệu tấn sữa...
Tuy vậy, ngành Chăn nuôi và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh (cúm gia cầm, tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…); thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định. Thực tế này đang khiến ngành Chăn nuôi phải tìm giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, không chỉ kiểm soát dịch bệnh, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Cả nước hiện có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh dại.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi trang trại miền Đông (Đồng Nai) chia sẻ, chúng tôi được chọn là một trong những trang trại đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 bên để xuất khẩu gà sang Nhật Bản. Cơ sở hiện nay được coi là một mắt xích trong chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm gà sạch, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm thịt gà muốn xuất đi Nhật Bản, cần phải làm các xét nghiệm loại trừ kháng sinh và các chất cấm, vấn đề an toàn sinh học được đặt lên hàng đầu. Kế đến là phải có kế hoạch đảm bảo an toàn dịch bệnh để chủ động ứng phó, đón đầu nếu dịch bệnh xảy ra. Sau cùng, người chăn nuôi phải cập nhật quy trình, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, giảm giá thành, tránh rủi ro… Đó là những yêu cầu mà doanh nghiệp luôn ưu tiên. Ngoài ra, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc 100%, tất cả các hoạt động phải ghi chép đúng quy trình...
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đã đạt được một số kết quả rất quan trọng. Các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ, vùng có tỷ lệ chăn nuôi đứng đầu cả nước đã hình thành các chuỗi, các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh rất tốt.
Đặc biệt, thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, xuất khẩu được sang gần 10 thị trường gồm Nhật Bản, Liên bang Nga, Hong Kong (Trung Quốc), các nước thuộc Liên minh châu Âu. Hiện nay, phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể xuất khẩu sản phẩm động vật sang Hàn Quốc.
“Tuy nhiên, chúng ta mới đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam, giờ muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Các doanh nghiệp, các địa phương cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm gia cầm…”, ông Long nhấn mạnh.
Hướng đến xuất khẩu
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, mục tiêu đặt ra là, đến năm 2025, sẽ có ít nhất 4 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và đến năm 2030 phải có 10 huyện đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Đồng thời, duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp.
Thứ trưởng cho biết, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Mặc dù kết quả xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới vẫn rất lớn; việc xây dựng cơ sở, vùng an an toàn dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế; chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Để có sản phẩm xuất khẩu, chăn nuôi phải hướng đến an toàn dịch bệnh đạt chuẩn thế giới.
Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có những khó khăn, thách thức. Ngành Chăn nuôi hiện còn quy mô nhỏ lẻ, manh mún, theo hướng tự nhiên, chuồng hở… nên quản lý an toàn dịch bệnh là bài toán nan giải. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine gia súc, gia cầm tại các địa phương phân tán, chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, vấn đề nhận thức của bà con về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Để phát triển nông nghiệp xuất khẩu cần có một hệ sinh thái về doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã và nông dân. Trong hệ sinh thái đó doanh nghiệp phải là trung tâm, tiên phong, để kéo theo các trang trại, các hộ gia đình trong hệ sinh thái đó. Doanh nghiệp ngoài việc thúc đẩy phát triển nội tại, cần tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việt Nam hiện đã có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu đi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Song, để mở rộng được vùng an toàn dịch bệnh thì phải nhận thức được đúng nhu cầu muốn xuất khẩu, từ đó xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với những tiêu chí rõ ràng.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng và ban hành tiêu chí mô hình vùng an toàn dịch bệnh tập trung đầu tiên ở vùng Đông Nam Bộ, đây là vùng có quy mô về chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn của cả nước. Việc đẩy nhanh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại “thủ phủ” của ngành chăn nuôi, kết hợp đàm phán với các quốc gia nhập khẩu để xây dựng chuỗi xuất khẩu đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để sớm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và thế giới, hướng đến đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…