Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024 | 10:48

Nâng cao giá trị cây sen Đồng Tháp

Đồng Tháp là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây sen. Mới đây, tỉnh này tổ chức lễ xuất khẩu 15 tấn củ sen sang thị trường Nhật Bản với giá trị đơn hàng khoảng 980 triệu đồng đã mở ra cơ hội mới cho người dân Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung.

Tiềm năng lớn

Với diện tích 1.800 ha sen, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm, Đồng Tháp có tiềm năng rất lớn để phát triển. Theo ông Đặng Văn Đông, Viện nghiên cứu Rau quả, Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Những năm qua, tỉnh khéo léo gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có trên 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen; 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Với 1.800 ha sen, Đồng Tháp có tiềm năng lớn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn nhưng đến nay cây sen ở Đồng Tháp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của mình. Trong đó, bộ giống sen ở Đồng Tháp chưa phong phú, đa dạng về chủng loại, màu sắc và đang bị thoái hóa, sâu bệnh phá hoại rất nặng dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao. Mặt khác, sản xuất sen vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu sen, đảm bảo chất lượng, đồng đều và số lượng đủ lớn để thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ lớn; một số mô hình sản xuất kết hợp với làm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa phát huy được hiệu quả...

Theo ông Đông, tại Đồng Tháp giống sen Đài Loan được trồng với khoảng 85% diện tích. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn trồng các giống sen bản địa khác như: sen trắng Tràm Chim, sen hồng Tràm Chim... Nhược điểm là cây sen bị côn trùng, bệnh gây hại khá nhiều. Đáng chú ý là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thối ngó, thối dây, bọ trĩ, sâu ăn lá. Đồng thời thiếu các giống với mục đích sử dụng riêng biệt.

Để tăng hiệu quả kinh tế từ cây sen, phát triển tài nguyên bản địa, nâng cao giá trị biểu tượng, hình ảnh, tỉnh đã thực hiện Đề án khoa học “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp”. Để phát triển ngành hàng sen, Đề án đề xuất hình thành các vùng sản xuất sen tập trung theo chuỗi giá trị. Trong đó, cần quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen quy mô lớn, tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ. Đề án đề ra các giải pháp là đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển kinh tế trang trại; phát triển kinh tế hợp tác và nguồn nhân lực.

Để sản xuất sen theo chuỗi giá trị, Đề án đã đề ra giải pháp nghiên cứu, thí điểm một số mô hình sản xuất sen ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tốt, an toàn. Trong đó, tập trung canh tác sen tại các huyện có tiềm năng như: Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi sản xuất, quan trắc môi trường (đất, nước).

Phát triển công nghệ thông tin gắn với công nghệ sinh học, công nghệ tự động, cảm biến... vào sản xuất nhằm kết nối, theo dõi, giám sát quy trình sản xuất, chế biến, thương mại, phát triển sản phẩm mới có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Ứng dụng công nghệ cấy mô tạo ra cây giống chất lượng cao, sạch bệnh; nhân nhanh giống mới, chất lượng tốt, chống chịu sâu, bệnh; xây dựng hệ thống canh tác (sen - lúa, sen - cá, sen chuyên canh...).

Mô hình “Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm ở Tổ hợp tác sen xã Hưng Thạnh.

Phát triển các cơ sở doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cây sen cũng là hướng đi quan trọng để phát triển ngành hàng. Trong đó, quan tâm xây dựng chính sách về phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, chế biến sản phẩm từ cây sen.

Đề án còn đề xuất về thể chế, chính sách phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị thông qua việc đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm, bảo quản; hỗ trợ hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở chế biến sản phẩm từ sen; phát triển và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; phát triển, đa dạng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cây sen...

Để nông dân làm giàu từ sen

Sen là một trong những ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp. Từ năm 2017, Đồng Tháp đã tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn khẩu hiệu "Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen"; thiết lập bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu "Đất Sen hồng" qua hình ảnh "Bé Sen"; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu "Sen Tháp Mười"...

Đồng Tháp định hướng phát triển bền vững ngành hàng sen, hướng đến chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đặc trưng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức giới thiệu, cung cấp hơn 500 sản phẩm từ sen; 200 món ăn chế biến từ sen xác lập kỷ lục, thỏa mãn nhu cầu ẩm thực thực khách gần xa. Thương hiệu và giá trị cây sen cũng được nâng cao, với rất nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, từ trà sen, sữa sen, hạt sen sấy, cho đến hàng trăm món ăn được sáng tạo quanh cây sen.

Chuỗi giá trị sen Đồng Tháp cũng nổi tiếng với các sản phẩm như: rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen… bên cạnh giá trị văn hóa, tinh thần, sen còn mang một giá trị kinh tế rất lớn, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Những hành động thiết thực đã gây ấn tượng về hình ảnh của địa phương trong lòng du khách, tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, trồng sen mang lại lợi nhuận 36-40 triệu đồng/ha mỗi năm, cao gấp 3 lần trồng lúa. Không chỉ vậy, mô hình trồng sen hữu cơ còn góp phần giúp bảo vệ môi trường, cân bằng và đa dạng sinh học.

Anh Huỳnh Văn Cường, một nông dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tâm sự, các sản phẩm từ sen đều phục vụ nhu cầu tương đối cao cấp của khách hàng như trang trí, dược liệu hay ẩm thực. Hơn nữa những cánh đồng sen quy mô đều thường có khách đến tham quan. Vì vậy, việc trồng sen phải hạn chế hết sức các loại phân thuốc hóa học, canh tác hữu cơ được ưu tiên.

Canh tác hữu cơ, khách đến thăm đồng sen sẽ được thoải mái hít thở không khí trong lành, thơm ngát. Khách cũng sẽ an tâm thưởng thức những món ăn từ sen, hay tôm cá bắt ngay trong ruộng sen. Hơn nữa, sản phẩm từ những ruộng sen sạch được doanh nghiệp ưa chuộng, mua với mức giá tốt. Chính quyền khuyến khích trồng trọt hữu cơ, chúng tôi cũng nhận thấy đây là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, anh Cường nói.

Chị Hồ Thị Diễm Thúy (huyện Tháp Mười) chia sẻ, nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, chị đã nghiên cứu cách nấu sữa hạt sen để phát triển kinh tế. Hiện mỗi ngày chị cho ra lò khoảng 1.300 chai sữa sen tươi, mang về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Chị Thúy dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến sâu như sữa sen dạng bột.

Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp, hiện đã có hệ thống bán hàng với hơn 50 nhà phân phối trải dài khắp mọi miền đất nước. Không dừng lại ở thị trường trong nước, hạt sen sấy Nam Huy còn được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Thái Lan, Singapore v.v.. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn sản phẩm hạt sen sấy, góp phần tiêu thụ khoảng 400 tấn sen lụa, tương đương 1.200 – 1.500 tấn sen gương cho bà con nông dân.

Sản phẩm chế biến từ sen ngày càng đa dạng, chất lượng, mẫu mã bắt mắt.

Tháng 6/2023, hạt sen sấy của được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Đây là sản phẩm đạt OCOP cấp quốc gia đầu tiên của công ty, cũng như của cả tỉnh Đồng Tháp. Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp hào hứng nói, để có được thành quả này là cả sự nỗ lực rất lớn của tập thể công ty, cũng như sự hỗ trợ tích cực đến từ chính quyền địa phương. Với lợi thế là sản phẩm chất lượng 5 sao, hạt sen sấy của Công ty đang được xuất khẩu chính đi 3 quốc gia, doanh số mỗi năm hơn 700 ngàn USD.

Giải pháp nâng cao giá trị

Tháp Mười là huyện có diện tích sen lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng sen, huyện đề ra nhiều giải pháp phát triển cây sen theo hướng bền vững hơn trong tương lai. Theo ông Trần Đình Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện là 492,3ha, tăng 124,9ha so với cùng kỳ năm 2022. Vùng chuyên canh sen tập trung ở các xã: Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.

Huyện Tháp Mười được cấp 1 mã số vùng trồng sen với diện tích 38ha/19 hộ tham gia tại xã Hưng Thạnh. Ngoài ra, trong năm 2023, nhằm hướng nông dân phát triển ngành hàng sen của địa phương theo hướng bền vững, địa phương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình “Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm” ở Tổ hợp tác sen xã Hưng Thạnh, quy mô 20ha.

Hạt sen sấy sản phẩm đạt OCOP cấp quốc gia đầu tiên của công Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Huy Đồng Tháp và của tỉnh Đồng Tháp.

Từ những kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này đã giúp nông dân kiểm soát được tình trạng bệnh thối ngó, thối dây, cháy lá trên cây sen. Đồng thời, mô hình còn giúp nông dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Bên cạnh việc quan tâm xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Tháp Mười chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, với các sản phẩm như: trà hoa sen, trà lá sen, trà tim sen, rượu sen, hạt sen sấy bơ, sen sấy Wasabi, hạt sen nước đường, sữa sen... Đến nay, huyện có 25 sản phẩm từ sen đạt tiêu chuẩn OCOP, 13 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Các sản phẩm chế biến từ sen của huyện không chỉ phục vụ rộng rãi ở các kênh phân phối tại thị trường nội địa mà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Ông Đinh Công Phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha, trong đó, tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sen tại các xã: Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi. Phấn đấu hình thành tổ chức đại diện nông dân là hợp tác xã nhằm tổ chức sản xuất lớn gắn với việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sen được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sen trên địa bàn về ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm. Đẩy mạnh công tác kết nối, tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án chế biến các sản phẩm từ sen. Chú trọng đến việc gia công, chế biến sạch gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh hệ thống bán lẻ trong và nước ngoài.

15 tấn củ sen sang thị trường Nhật Bản với giá trị đơn hàng khoảng 980 triệu đồng.

Kết quả là mới đây, lô hàng củ sen đầu tiên ở huyện Tháp Mười xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Theo đó, container 40feet chứa hàng củ sen đông lạnh IQF do Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tổ chức sản xuất tại huyện Tháp Mười, được vận chuyển để xuất từ cảng Cát Lái, TP.HCM và sẽ cập bến tại cảng Tokyo với giá trị đơn hàng khoảng 980 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2024, Sen Đại Việt xuất khẩu cho đối tác Nhật Bản này 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu sản xuất củ sen đông lạnh IQF được thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh khác thuộc khu vực ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt, đơn vị xuất khẩu lô củ sen cho biết, đã có nhiều lần gửi mẫu và mất khoảng 2 năm đàm phán mới xuất khẩu được củ sen qua Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản rất khó tính, phía đối tác yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy.

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười cho rằng, đây là niềm phấn khởi và tự hào của người dân trồng sen Đồng Tháp nói chung, huyện Tháp Mười nói riêng. Song để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là các hộ nông dân trồng sen cần duy trì sản xuất sen đảm bảo chất lượng; liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu. Để từ kết quả hôm nay, sản lượng sen nói riêng và mặt hàng nông sản khác của địa phương sẽ được tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản một cách bền vững.

Sen là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (thay cho ngành hàng vịt). Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025.

Theo Kế hoạch, năm 2025 tỉnh sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn; tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen; tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100 ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất.

Kế hoạch còn đề ra chỉ tiêu phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.

 

Tổng hợp từ nguồn: Congly; Baodongthap; Nhandan; Dongthap.gov.vn; Dantri.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học Bác, người dân vùng cao vươn lên thoát nghèo

    Học tập và làm theo gương Bác Hồ cụ thể nhất là tìm cách phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Người dân vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) và tỉnh Đắk Nông luôn tâm niệm như thế trong hành trình vươn lên, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm trong cộng đồng.

  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Top