Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 15:9

Nâng cao năng lực bảo quản, chế biến: Để ngành hàng khoai lang bứt phá

Trung Quốc cho phép khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước này. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác một cách ổn định và bền vững, cần thúc đẩy công nghệ bảo quản và ngành chế biến khoai lang…

Tiềm năng thị trường tỷ dân

Theo thông tin mới nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Đây được xem  là cú hích quan trọng, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới.

Người Trung Quốc từ xa xưa đã có thói quen ăn khoai lang tươi, với quan niệm loại củ này, giúp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, chống ôxy hóa và chống lão hóa; duy trì thói quen ăn khoai lang tím lâu dài rất tốt cho làn da, giúp phục hồi độ đàn hồi của da, làm sáng vết nám, có thể gọi là “thần dược chống lão hóa”; và đây cũng là thực phẩm thô cần thiết để giảm cân.

Khoai lang đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài cách hấp và nướng truyền thống, khoai lang tím còn có thể được chế biến thành nhiều loại chè, cháo, bánh ngọt, đồ ăn nhẹ… đều rất ngon miệng. Do vậy, khoai lang đã dần trở thành món khoái khẩu mới trên bàn ăn của nhiều người Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia trồng nhiều khoai lang nhất, chiếm 80% sản lượng toàn thế giới với sản lượng ước 100 - 110 triệu tấn (sản lượng khoai lang trên toàn thế giới là khoảng 127 triệu tấn). Ngoài dùng để làm lương thực, họ dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ ăn vặt.

Mặc dù sản xuất lượng lớn khoai lang nhưng hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khoai lang từ Nhật Bản, Việt Nam vì khí hậu Trung Quốc chỉ thu hoạch được vào các tháng 8 - 9 - 10, các tháng còn lại phải nhập.

Việc Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang là tin vui của nông dân và ngành Nông nghiệp Việt Nam. Thị trường Trung Quốc không chỉ có lợi thế về quy mô mà còn về vị trí. Việt Nam có đường biên giới dài với nước này, rất thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển, cung ứng, tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn cho các sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản, so với các nước xuất khẩu khác.

Cụ thể, để chuẩn bị cho câu chuyện xuất khẩu, ngành Nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp các ban, ngành địa phương và bà con nông dân không ngừng tuyên truyền vận động nông dân cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 19/4, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng khoai lang chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc” với thông điệp “Cùng nhau hợp tác cùng nhau phát triển”. Sau buổi lễ, các doanh nghiệp khởi hành 3 chuyến hàng đầu tiên, mỗi xe 28 tấn khoai lang sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị khoai lang của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể nói, việc xuất khẩu khoai lang sang thị trường Trung Quốc là một thời cơ  để nông sản Việt chuyển mình, tuy nhiên,  đây cũng là thách thức không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam và người sản xuất khoai lang. Bởi vì, các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước.

Theo đó, sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chia sẻ: “Đạt được thỏa thuận xuất khẩu khoai lang hay bất cứ nông sản nào ra nước ngoài, đó vừa là thời cơ vừa là thách thức cho những người làm nông nghiệp. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của ngành có giá trị giảm so với cùng kỳ năm trước, khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu quý 1/2023 ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14.4%, khoai lang có thể trở thành ngành hàng giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý II”.

Do vậy, thời gian tới, việc cần làm của các cơ quan chức năng là tập trung hướng dẫn cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức sản xuất khoai lang sao cho bài bản, bền vững. Đồng thời, đáp ứng về vệ sinh, an toàn thực phẩm như phía bạn yêu cầu. Trong đó, đặc biệt là không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm. Đây không phải nhiệm vụ một sớm một chiều mà cần được thực hiện liên tục, tránh những sơ suất không đáng, có thể dẫn đến hệ lụy cho cả ngành hàng.

Nâng cao năng lực bảo quản, chế biến

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, sẽ giúp định hình các vùng sản xuất khoai lang trọng yếu như Vĩnh Long, Đắk Nông…, đưa nông dân đến sản xuất lớn, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.

Khoai lang, trong đó có khoai lang tím, được bán với giá cao tại châu Âu, Australia và một số nước Đông Bắc Á. Tại siêu thị, 1 kg khoai có thể lên tới vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người trồng khoai lang vẫn gặp bấp bênh.

Khoai lang chứa hàm lượng magie, protein và sắt giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đồng thời, niềm vui khi nhấm nháp mứt khoai lang sấy dẻo khiến tinh thần bạn thư thái, giảm bớt âu lo và căng thẳng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do, khoai lang sau thu hoạch đa phần xuất khẩu tươi, củ khoai lang khó bảo quản tươi lâu bởi dễ thối và hư hỏng, trong khi đó người dân chủ yếu sử dụng các công nghệ xử lý, bảo quản theo truyền thống nhỏ lẻ, chi phí lớn do đó chất lượng bảo quản chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hư hỏng lớn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Do vậy, để tránh tình trạng hao hụt sau khi thu hoạch, việc cấp thiết cần làm là phải xây dựng được một quy trình công nghệ thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản khoai sạch là cần thiết. Qua đó, giúp bảo quản khoai lâu hơn để chờ giá, vận chuyển đến các thị trường xa.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng, để sản xuất và tiêu thụ khoai lang  ổn định và bền vững, không còn bị lâm vào tình cảnh rớt giá, ngoài bảo quản còn cần thúc đẩy chế biến khoai lang.

Hiện nay, tại Việt Nam, khoai lang là một trong những cây lương thực truyền thống được người dân trồng từ lâu đời, sau lúa, ngô. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam có khoảng 100.000 ha trồng khoai lang, tổng sản lượng đạt 1,2-1,3 triệu tấn. Năng suất khoai lang cao nhất được ghi nhận ở khu vực ĐBSCL, lên tới 25 tấn/ha, cao gấp đôi so với khu vực miền Bắc, chỉ đạt 12 - 13 tấn/ha. Cùng với các giống khoai lang truyền thống, trong khoảng 15 năm trở lại đây, nông dân ở nhiều địa phương đã tích cực đưa giống khoai lang tím Nhật có hàm lượng dinh dưỡng cao vào trồng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những năm gần đây, ngoài thói quen sử dụng củ khoai lang như loại thực phẩm ăn tươi, người dân có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các DN vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, do các giống khoai lang  trồng ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn để phục vụ chế biến.

Do đó, thời gian tới, cần chọn tạo ra các giống khoai lang phục vụ ăn tươi và chế biến, đồng thời có biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng củ khoai lang, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến để đa dạng hoá chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho cây khoai lang.

Theo như Nghị định thư đã được ký kết giữa hai, Nghị định sẽ có hiệu lực trong vòng 3 năm. Vì vậy, ông Toản khuyến cáo, mặc dù Trung Quốc  đồng ý cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch, nhưng  không nên mở rộng diện tích ồ ạt, mà chỉ trồng trong những vùng đã được quy hoạch, tránh trường hợp không xuất khẩu được, nông dân tiếp tục gặp khó khăn.

Cùng với đó, nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn kết với DN, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, nâng cao khả năng chế biến khoai của các HTX...

Hiện nay, nước ta đã có một số Công ty chế biến tinh bột khoai lang, ethanol như Công ty TNHH Quốc tế Vinapas Việt Nam, Công ty Cổ Phần nhà máy cồn Tùng Lâm, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Đồng Nhứt, Công ty TNHH Thịnh Cường, Công ty TNHH Đại Việt… hay một số Công ty chế biến sấy khô như Công ty cổ phần Vinamit, công ty TN HH SX TM DV Ngô Mai Hoa,…

Đơn cử, tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Viên Sơn (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản. Riêng năm 2022, doanh nghiệp này xuất khẩu 4.200 tấn khoai lang cấp đông qua thị trường Nhật Bản và khoảng 2.500 tấn sản phẩm khoai lang cấp đông, khoai lang tươi qua các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Sản phẩm của Viên Sơn đã “phủ sóng” khắp thị trường Đông Nam Á, không chỉ có khoai lang tươi, mà còn các loại khoai lang chế biến như nướng, hấp, chiên, luộc…

Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty cổ phần Viên Sơn chia sẻ, để có đủ nguồn nguyên liệu chất lượng cung ứng cho nhà máy chế biến xuất khẩu Công ty cổ phần Viên Sơn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững với bà con nông dân. “Để trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho Công ty, người nông dân phải tuân thủ đúng quy trình trồng rau sạch, đảm bảo sản phẩm được trồng và cung cấp theo các tiêu chuẩn quốc tế như GLOBAL GAP, VIETGAP đảm bảo nông sản sạch, đáp ứng các yêu cầu của thị trường”.

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo đánh giá của các chuyên gia, khoai lang, có giá trị dinh dưỡng cao, tiềm năng thị trường đối với các sản phẩm chế biến là rất lớn. Để khai thác tối đa tiềm năng ngành hàng khoai, cần nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ khoai như: bột dinh dưỡng từ khoai, khoai sấy, khoai chế biến chân không, sữa khoai, rượu khoai, miến khoai… Điều này góp phần tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh nông sản cho Việt Nam.

Đơn cử, để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, ông Nguyễn Trình (Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu, chế biến khoai lang Lệ Cần thành các sản phẩm như tinh bột khoai lang và miến khoai.

Ông Trình chia sẻ, từ bắt đầu năm 2020, ông đã mày mò trên mạng để làm ra một chiếc máy làm tinh bột khoai. Sau đó, ông dùng tinh bột này để làm ra món miến khoai, bán với giá cao, khoảng 120.000 đồng/kg.

Tương tự, anh Huỳnh Thanh Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) - Giám đốc Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp cho biết, trước đây vùng trồng khoai lang ở Châu Thành chủ yếu được trồng bán tươi. Hiện nay, khoai lang được công ty của anh và nhiều công ty khác thu mua sản phẩm và chế biến ra các sản phẩm khoai lang sấy, tạo ra chuỗi giá trị của ngành hàng khoai lang; đồng thời làm ra sản phẩm chất lượng để đạt sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Ngoài sấy khô bán, khoai lang còn được làm bánh, mứt và sắp tới sẽ được làm ra nhiều sản phẩm khác.

Ngoài các sản phẩm từ thực phẩm, chất Anthocyanin trong khoai lang được đánh giá là có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Cụ thể, theo nghiên cứu, khoai lang tím Nhật trồng ở Bình Tân (Vĩnh Long) có chứa chất Anthocyanin khá cao, dao động 150- 277mg/g (tính theo trọng lượng khô). 

Đây là chất màu tự nhiên, thuộc lớp chất flavonoid và có nhiều tác dụng sinh học như ngăn ngừa xâm nhập và phát triển các tế bào ung thư, hỗ trợ kháng viêm, chống oxy hóa và gia tăng sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch…

ThS. Nguyễn Hoàng Tính, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ TP. Cần Thơ cho biết, việc xây dựng được quy trình sản xuất khoai lang tím chứa Anthocyanin có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản như khoai lang tím tại Việt Nam đang trong tình trạng thiếu công nghệ tiên tiến dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao. Đồng thời, dự án đã đưa ra giải pháp công nghệ sạch để hạn chế tác động đến môi trường.

Quy trình công nghệ chế biến sản phẩm từ khoai lang tím đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. 

ThS. Hoàng Thị Thu Hằng, Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng Vĩnh Long chia sẻ: “Từ kết quả nghiên cứu, khả năng phát triển sản phẩm thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và dược phẩm, giúp mở rộng thị trường thu mua và chế biến các sản phẩm từ khoai lang tím Vĩnh Long nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị sử dụng, mang lại lợi nhuận cho người dân đang muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao”. 

Từ những thực tế kể trên, có thể thấy, việc nâng cao năng lực bảo quản và chế biến góp phần nâng cao giá trị sử dụng cho ngành hàng khoai. Để củ khoai lang bứt phát trong tương lai, cần hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý và tồn trữ, chế biến đa dạng và maketing sản phẩm từ khoai.

Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ các chính sách, kết nối các nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp. Từ đó, nghiên cứu đầu tư thiết bị và công nghệ sau thu hoạch; hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai; đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai.

Theo các nhà khoa học, khoai lang có 15 tác dụng tốt với sức khỏe con người: ngăn ngừa thiếu hụt vitamin A, giúp giảm căng thẳng, giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, quản lý cân nặng, thúc đẩy hoạt động chống viêm, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị ung thư, bảo vệ vết loét, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, cải thiện tóc và da, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa huyết áp, cải thiện trí lực.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top