Thời gian qua, tỉnh Nghệ An có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn.
Chuyển biến tích cực về lượng và chất
Theo thống kê, đến nay, Nghệ An đã tổ chức được 6 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp huyện đến cấp tỉnh; kết quả đã lựa chọn được 223 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia.
Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đức Phong (TP.Vinh), Công ty CP Khoa học Công nghệ tảo Việt Nam (Quỳnh Lưu), Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu)… nhiều năm liền được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong - 1 trong những sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
Việc tôn vinh sản phẩm qua bình chọn đã giúp nhiều cơ sở có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó, đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài tỉnh và hàng nhập khẩu.
Việc vinh danh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng giúp cho người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng vào chất lượng và uy tín của doanh nghiệp. Từ đó, củng cố vị thế thương hiệu của cơ sở để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp. Qua các kỳ tổ chức bình chọn đã thu hút được nhiều cơ sở sản xuất tham gia, số lượng sản phẩm tham dự bình chọn và đạt giải tăng dần qua từng năm; chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm tham gia ngày càng cao. Sau khi được bình chọn, nhiều cơ sở đã được hỗ trợ kết nối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; xây dựng dữ liệu quảng bá trên sàn thương mại điện tử và trên các cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.
Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất đã phát triển từ quy mô vài chục lao động lên đến hàng trăm lao động, đưa doanh thu từ 3-5 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng mỗi năm..., nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường xuất khẩu.
Nói tới sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phải kể đến sản phẩm mây, tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong. Những năm qua, tuy thị trường khó khăn nhưng doanh nhân Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong vẫn giữ vững ổn định sản xuất cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động tại nông thôn. Công ty vừa được Hội đồng Quốc gia chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Nghệ An.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An đang ngày càng phong phú, chất lượng.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Nhờ áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, cộng với kinh nghiệm lâu nay, chúng tôi đã sản xuất và cung cấp cho thị trường những sản phẩm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, giá cả nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, khiến nhiều cơ sở sản xuất mây, tre đan lao đao. Để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm mây, tre đan, chúng tôi trăn trở giải pháp phát triển nghề gắn với phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu; đồng thời, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, để qua đó, khôi phục các làng nghề mây, tre đan, tạo việc làm cho lao động nông thôn...
Chủ động chuyển đổi số
Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã chủ động thực hiện. Tại Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An, ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Công ty cho biết: Là doanh nghiệp thuộc nhóm vừa và nhỏ, nhưng chúng tôi luôn nhận thức chuyển đổi số là quá trình tất yếu liên quan đến sự phát triển lâu dài của mình. Hiện nay, trong quản lý điều hành, Công ty đã áp dụng hệ thống phần mềm quản trị trước năm 2000, áp dụng bộ quy chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 từ năm 2005 và nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO:22000 năm 2018. Trong quản lý chất lượng sản phẩm, đã áp dụng sổ tay chất lượng từ và ứng dụng mã số mã vạch từ năm 1998; triển khai ứng dụng mã QRCode từ năm 2015.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, Công ty TNHH Đức Phong được lựa chọn làm một trong những đơn vị thí điểm của tỉnh. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng Mây tre và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, có mô hình sản xuất khá đặc thù. Lâu nay, Công ty đã tổ chức sản xuất theo chuỗi, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ rất sớm; từ hỗ trợ trồng rừng, liên kết với người dân tạo vùng nguyên liệu, tổ chức sơ chế, chế biến nguyên liệu đến đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường xuất khẩu được thực hiện theo mô hình khép kín.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho hay: Ngoài lực lượng sản xuất tập trung tại xưởng, chúng tôi còn sử dụng lao động nông nhàn tại địa phương, tại các làng nghề (tổ chức sản xuất tại gia đình) với hơn 1.000 người. Sản phẩm chủ yếu là hàng trang trí nội thất, 90% là xuất khẩu, thị trường chính là châu Âu. Số lượng sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã thay đổi thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Nhà nước có chủ trương và chính sách khuyến khích hỗ trợ một phần kinh phí. Đa số cán bộ công nhân viên đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất. Hạ tầng cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cho việc thực hiện chuyển đổi số.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu sử dụng lao động nông thôn, do đó việc ứng dụng công nghệ số trong các công đoạn sản xuất đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn vì phần lớn các các thành viên cán bộ công nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Các dự án chuyển đổi số bước đầu tiêu tốn nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp hỗ trợ (hoặc dịch vụ) kỹ thuật và pháp lý sau khi ứng dụng công nghệ số hóa, qua đó giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn phù hợp. Nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn, sau khi chuyển đổi ứng dụng số hóa gặp các sự cố... thì xử lý như thế nào?
Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An - ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, doanh nghiệp chế biến thủy sản gắn liền với nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau và đối tượng lao động đa dạng như: khai thác, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải, diêm dân, lao động kỹ thuật, lao động thủ công,... Do vậy, quá trình kết nối, tương tác khá đa dạng dẫn đến việc tích hợp dữ liệu số hóa cũng là một vấn đề khó khăn.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong thì cho rằng, là doanh nghiệp chọn làm thí điểm nên mọi vấn đề đều mới lạ, và khó khăn. Vì thế, đề nghị có sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa, sâu sát hơn nữa cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần phân loại mô hình doanh nghiệp khảo sát cụ thể xem doanh nghiệp chuẩn bị đến đâu, từ đó hướng dẫn cho doanh nghiệp hoàn thiện từng phần một. Chọn đơn vị tư vấn có chức năng am hiểu doanh nghiệp, có kỹ năng tư duy và xây dựng phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện và vận hành tốt. Đồng bộ hóa việc cải cách hành chính để việc chuyển đổi số doanh nghiệp vận hành tương thích với nhau.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Trước những khó khăn đặt ra đối với hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án tư vấn chuyên sâu hỗ trợ giúp doanh nghiệp hiểu và lựa chọn công cụ để chuyển đổi số phù hợp với ngành nghề, quy mô mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo điều kiện tiếp xúc, áp dụng các công cụ chuyển đổi số tốt hơn.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, tại hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn do Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Văn Thịnh - Cục phó Cục Công Thương địa phương cho rằng, để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và triển khai được lộ trình chuyển đổi số phù hợp cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các đơn vị tư vấn, chuyên gia và cơ sở công nghiệp nông thôn.
Sở Công Thương Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách về chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công xây dựng chương trình hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Về phía Cục Công Thương địa phương, sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ Công Thương bố trí ngân sách từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia trong các năm tiếp theo cho nội dung hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…
Gian hàng giới thiệu và trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Nghệ An.
Trước những khó khăn đặt ra đối với hoạt động chuyển đổi số, đề nghị cơ quan chức năng liên quan tăng cường các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xu thế ứng dụng chuyển đổi số và giới thiệu một số giải pháp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam;… Các doanh nghiệp cần được cung cấp các thông tin, kiến thức đa chiều về chuyển đổi số để “hiểu đúng, làm đúng”, chủ động ứng phó.
Cần tập trung tư vấn, cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản cho doanh nghiệp và giới thiệu các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có thể bắt tay chuyển đổi số ngay. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả.
Hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất
Những năm qua, công tác khuyến công tích cực định hướng các nội dung hoạt động, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu là hỗ trợ phát triển mạnh công nghiệp ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Ngành công thương cũng hỗ trợ, khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.
Nhờ đó, đã lan tỏa chính sách, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực, quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là gam màu sáng trong bước chuyển mình tạo nên nét nổi bật trong bức tranh công nghiệp nông thôn Nghệ An trong những năm qua.
Theo số liệu thống kê, từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đã trích hỗ trợ cho 26 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ gồm: Đào tạo lao động, đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, ứng dụng dây chuyền công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Các cơ sở được hỗ trợ đã huy động vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn; nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến được chuyển giao, các mô hình trình diễn được nhân rộng.
Công tác khuyến công tích cực hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực, quyết tâm đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quan tâm đến cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Một số sản phẩm chưa phát huy được lợi thế, duy trì và ổn định được chất lượng sản phẩm. Một số cơ sở tham gia là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa đầu tư ứng dụng hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nên quy mô sản lượng không nhiều, hoặc có trường hợp thủ công mỹ nghệ là sản phẩm độc bản. Một số sản phẩm vẫn áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất thủ công, năng suất thấp, chất lượng còn hạn chế,…
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, trong những năm qua, trên cơ sở kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Ông Ngô Xuân Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển công thương Nghệ An chia sẻ: Cùng với những đóng góp tích cực của hoạt động khuyến công, việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao. Qua đó, tạo cơ hội để các sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, từ đó, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Sở Công Thương Nghệ An tiếp tục đồng hành với các cơ sở và ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải để tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…