Liên tục trong nhiều ngày qua, thời tiết tại Nghệ An nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn dao động từ 38 - 40 độ C. Mặc dù vậy, trên khắp các cánh đồng vẫn rộn tiếng vui cười của bà con nông dân bởi vụ lúa xuân năm nay được mùa.
Vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An gieo trồng trên 91.000 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất bình quân 67,2 tạ/ha, sản lượng 611.500 tấn.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy được 91.431 ha/KH 91.000 ha lúa, đạt 100,47% so với kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong diện tích lúa xuân. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, vụ lúa xuân năm nay được mùa toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá; năng suất dự kiến đạt 68,09 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2022 gần 2 tạ/ha.
Trong đó, tại nhiều địa phương như: Huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn,… diện tích lúa lai cho năng suất từ 8 – 9 tấn/ha; các vùng có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, giá lúa tươi được thu mua từ 6.400 – 7.000 đồng/kg.
Trên nhiều cánh đồng, máy gặt làm việc hết công suất.
Ghi nhận thực tế tại huyện Diễn Châu, vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy được 9.000 ha lúa; trong số diện tích này có 7.650 ha lúa lai, chiếm 85% tổng diện tích lúa cả vụ, gồm các giống có chất lượng cơm gạo khá, như: Long Hương 8117, VT 868, Phú ưu 978 và VT 404. Còn lại 1.350 ha gieo cấy các giống lúa thuần, đều là những giống lúa cơm gạo ngon, như: BC15, VNR20, Thiên ưu 8, TBR 225, Bắc thơm 7 và BT09. Năng suất lúa bình quân chung cả vụ xuân đạt 74,5 tạ/ha, sản lượng 67.050 tấn, năng suất lúa cao hơn vụ lúa xuân năm 2022 là 2 tạ/ha. Trong đó, năng suất các giống lúa lai đạt bình quân 81,14 tạ/ha, các giống lúa thuần đạt bình quân 70 tạ/ha.
Đặc biệt, năng suất cao đồng đều ở tất cả các xã, không có xã nào năng suất lúa dưới 70 tạ/ha. Nhiều xã đạt năng suất lúa bình quân từ 80 tạ/ha trở lên, như các xã: Diễn Nguyên, Diễn Cát, Diễn Tân, Diễn Liên, Diễn Xuân…
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Loan (55 tuổi), ở xã Diễn Tân phấn khởi cho biết: Gia đình tôi vừa thu hoạch xong hơn 1 ha lúa xuân, năng suất đạt hơn 80 tạ/ha, giá thu mua lúa cũng cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg. Không riêng gì tôi mà tất cả bà con ở cánh đồng nơi đây đều rất vui mừng, phấn khởi bởi lúa vụ xuân năm nay trúng mùa.
“Năm nay, hầu như lúa không có sâu, bệnh, không mất công phun thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất lại cao hơn hẳn”, bà Loan cho biết thêm.
Nhiệt độ cao mức 38 - 40 độ C cộng với nắng nóng gay gắt khiến người dân hết sức vất vả, nhưng họ vẫn rất phấn khởi bởi lúa năm nay được mùa toàn diện.
Cùng niềm vui lúa trúng mùa, trúng giá, anh Nguyễn Văn Thao (35 tuổi), ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu nói: “Vụ lúa xuân năm nay được mùa toàn diện, riêng ở chỗ tôi, vụ lúa cho năng suất xấp xỉ 80 tạ/ha, cao hơn so với nhiều vụ lúa xuân trước đây. Nhưng vui mừng nhất khi lúa gặt xong, được phơi khô thì thương lái đã đến mua với giá 7.000 đồng/kg, cao hơn giá lúa vụ xuân năm ngoái 1.000 đồng/kg. Với năng suất đạt được và giá bán lúa như hiện nay, trừ hết chi phí sản xuất, nông dân chúng tôi thu lãi được từ 30 – 32 triệu đồng/ha lúa”.
Niềm vui của những người nông dân vì được mùa lúa vụ xuân.
Qua đánh giá chung của các cơ quan chuyên môn, đây là một trong những vụ sản xuất thắng lợi toàn diện nhất trong mấy năm trở lại nay. Những huyện trọng điểm lúa như: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu dẫn đầu về năng suất, đạt trên 70 tạ/ha. Còn tất cả các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh đều được mùa toàn diện. Không chỉ được mùa, mà lúa vụ xuân cũng rất được giá, đầu vụ lúa tươi được mua tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg lúa lai, nếp 6.000- 6.200 đồng/kg, lúa thơm 6.500 đồng/kg, đều cao hơn mọi năm từ 500 - 1.000 đồng/kg,…
Có thể thấy, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, tuy nhiên, trên khắp các cánh đồng trên địa bàn tỉnh, những ngày này chẳng khác nào như ngày hội ra đồng làm chiến dịch. Tiếng máy cày bừa làm đất, xen lẫn tiếng cười nói của hàng trăm tốp người họ vừa cấy lúa vừa nói chuyện rôm rả, người nào cũng vui vẻ do vụ lúa xuân vừa thu hoạch xong được mùa, được giá. Đặc biệt ban đêm trên những cánh đồng gieo cấy lúa hè thu trông giống như một bầu trời đầy sao; vì mỗi người ra đồng đi cấy đêm đều mang trên đầu một cái đèn pin đủ sáng để cấy lúa.
Được biết, để có được kết quả thắng lợi trên, ngay từ đầu vụ xuân, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp hiệu quả, sát với tình hình thực tế và đưa vào cơ cấu các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Cùng với đó, chỉ đạo triển khai gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình, giảm giá phân bón, tổ chức diệt chuột đồng loạt,... nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và sạch sâu bệnh.
Lúa đã chín vàng trĩu hạt trên các cánh đồng.
Hiện, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị địa phương đốc thúc bà con nông dân khẩn trương tranh thủ thời tiết thuận lợi, xuống gieo cấy nhanh vụ lúa hè năm nay càng sớm, càng tốt; đúng tiến độ đã đề ra.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…