Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2024 | 8:3

Nghi Lộc chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phát huy hiệu quả về kinh tế và bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cho nông dân…

Nhiều chuyển biến mạnh mẽ

Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện Nghi Lộc đã có những chuyển biến mạnh trong việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Nghi Lộc, Nghệ An có 30 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích gần 160.000 m2. Các mô hình này cho tổng sản lượng trên 403 tấn củ, quả mang lại doanh thu lớn.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng ở huyện Nghi Lộc cho hiệu quả năng suất, giá trị, lợi nhuận cao hơn hẳn so với sản xuất truyền thống.

Theo đánh giá thực tế, trồng dưa lưới, rau, củ, quả trong nhà màng cho hiệu quả cao gấp 10 lần canh tác truyền thống. Trồng cam, bưởi ứng dụng công nghệ cao cho năng suất gấp 4 lần so với sản xuất truyền thống.

Có được những kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, bên cạnh đó có những giải pháp đồng bộ hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã phát huy hiệu quả về kinh tế

Các mô hình này cho tổng sản lượng trên 306 tấn củ quả, doanh thu 14 tỷ 539 triệu đồng, đạt 7 tỷ 763 triệu đồng lãi ròng/năm. Các mô hình trồng trọt ứng dụng CNC hàng năm đã tạo việc làm cho 105 lao động, với thu nhập ổn định đạt bình quân trên 78 triệu 400 ngàn đồng/người/năm. Lĩnh vực chăn nuôi, toàn huyện có 77 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC với quy mô chăn nuôi công nghiệp, thực hiện tự động hoá, bán tự động hoá các khâu cho ăn, uống, làm mát chuồng trại và ứng dụng công nghệ sinh học  như đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học để xử lý phân và các loại chất thải chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi này cho tổng thu nhập gần 90 tỷ 741 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 190 lao động với thu nhập bình quân đạt 84 triệu đồng/lao động/năm. Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản cũng đã có sự đổi mới bằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn. Toàn huyện có 6 mô hình với tổng diện tích nuôi 94.000 m2. Mặc dù chỉ chiếm 6,76% diện tích nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ toàn huyện nhưng thu nhập của 6 mô hình này đạt 20 tỷ 580 triệu đồng/năm, chiếm 49,06% thu nhập nuôi trồng mặn lợ chung của huyện.

Một trang trại nuôi gà ác lấy trứng ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An)

Những con số thu nhập này cho thấy các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Cụ thể: trồng dưa lưới, rau, củ, quả trong nhà màng cao gấp 10 lần; trồng cam, bưởi ứng dụng CNC gấp 4 lần; nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn cao gấp 7,26 lần.

Có được kết quả này, huyện đã quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất.

Mạnh dạn chuyển đổi cách thức sản xuất

Anh Hoàng Văn Trang - xóm 6 - xã Nghi Phong - Nghi Lộc đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hiện mô hình này đã đem lại thu nhập tốt cho chủ vườn. Vốn dĩ là người nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo. Đầu năm 2020, sau một chuyến tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, Vợ chồng anh Trang đã mạnh dạn đổi mới cách sản xuất nông nghiệp của gia đình vốn đã quen từ hàng chục năm nay.

Được sự khuyến khích, hỗ trợ của UBND Huyện, hội nông dân và các cấp, ngành ở địa phương, gia đình anh đã quyết định mạnh dạn đầu tư hơn trên 1 tỷ đồng xây dựng gần 4.000 m2 để trồng 6.000 gốc dưa lưới TL3 của Việt Nam.

Ban đầu anh dùng giá thể để trồng dưa là xơ dừa, phân hữu cơ ủ hoai mục và đất sạch trộn đều cho vào túi FE. Nhưng hiệu quả của giống dưa này vẫn cho hiệu quả không cao. Anh lại tiếp tục tìm hiểu qua truyền thông, báo đài được biết đến giống dưa Huỳnh Long được nhập khẩu từ Malaysia của một công ty ở Hà Nội, anh lại tiếp tục thử nghiệm và kết quả cho hiệu quả rất cao. Sau 70 - 80 ngày trồng cho thu hoạch, mỗi quả đạt từ 1,8 - 2,2 kg/quả. Vụ này anh thu được 9 tấn dưa với giá thương lái thu mua từ 40.000 - 50.000 ngàn đồng/kg, giá bán lẻ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuê nhân công…) thu lãi 160 triệu/1 vụ và anh đang chuẩn bị trồng tiếp vụ thứ 2, mỗi năm có thể trồng được 2 vụ, 1 vụ chính và 1 vụ trái, với vụ trái mùa thì chăm sóc vất vả hơn nhưng bù lại giá bán cao hơn nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mô hình trồng dưa Hoàng Long tại hộ anh Hoàng Văn Trang - xóm 6 - xã Nghi Phong - Nghi Lộc

Anh Trang cho biết: Hệ thống nhà màng của anh có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, anh luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Hạt giống sau khi trồng được 7 – 10 ngày cây bắt đầu ra tua cuốn, Anh nhân tiến hành treo dây để cố định cây. Đến khi ra hoa thì tiến hành thụ phấn bằng tay, thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 7 - 10 giờ sáng. Trong quá trình chăm sóc, mỗi cây dưa chỉ để một quả nhằm đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại mô hình cho thu nhập ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới ngắn ngày, có thể canh tác 2 vụ/năm, nên khả năng thu hồi vốn  đầu tư ban đầu nhanh.
Không dừng lại với cây dưa lưới, Anh còn tiếp tục mở rộng trồng thử nghiệm 4000 gốc nho hạ đen… Dự định trong thời gian tới Anh liên kết với một số nhà vườn để thành lập HTX chuyên sản xuất mặt hàng cây ăn quả công nghệ cao.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Hoàng Văn Trang đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, giúp người dân mạnh dạn làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.

Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, huyện Nghi Lộc đã quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất. Cụ thể, huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà màng với mức kinh phí hỗ trợ khá cao.

Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, huyện hỗ trợ 350 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 2.500 m2  trở lên. Từ năm 2021 đến nay, hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình để xây dựng nhà màng có diện tích 1.000 m2 trở lên. Tổng kinh phí hỗ trợ trong cả 2 giai đoạn trên là 4,55 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã khuyến khích người dân huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà lưới, đầu tư áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao; từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại sản phẩm có chất lượng, hiệu quả để cung ứng cho các thị trường cao cấp, mang lại việc làm và thu nhập khá cao cho nông dân.

Mô hình trồng nho hạ đen đầu tiên tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã gặt hái thành công. Ảnh: BNA.

Ngoài ra, huyện, xã còn quan tâm hỗ trợ quảng bá các sản phẩm nông sản, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất; hỗ trợ ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất an toàn. Nhờ vậy, nông dân trong huyện đã quen dần với các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, tin cậy đối với người tiêu dùng.

Xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp huyện Nghi Lộc. Ngày 03/10/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã ban hành Đề án số 13 – ĐA/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghi Lộc giai đoạn 2022-2025”. Đề án đã xác định mục tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 2.400 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 190%/năm. Hiện, Đề án đã và đang được cấp ủy các cơ sở Đảng quán triệt, triển khai tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.  

 

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Cổng TTĐT Nghi Lộc)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top