Tại Khánh Hòa, một tỉnh trọng điểm nghề cá ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, từ tháng 10/2018 đến nay, không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hầu hết ngư dân đã thay đổi tập tính đánh bắt theo quy định mới. 96 - 99% số tàu cá hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, ghi chép nhật ký, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình...
Đi khai, về trình
Gấp rút đưa những thanh đá lớn vào máy xay để chuẩn bị cho chuyến biển ngày 22-10 tại cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang), ông Phan Thơm, thuyền trưởng tàu cá Bình Định BĐ 99986TS, chia sẻ trước đây ngư dân ít quan tâm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thì nay gần như tất cả các tàu khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị này. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để tàu được cập cảng cá.
Máy đo tọa độ thể hiện vùng biển ngư dân được quyền khai thác - Ảnh: MINH CHIẾN
"Lắp thiết bị này được Nhà nước hỗ trợ một nửa kinh phí, ngoài việc để cơ quan chức năng theo dõi, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn, còn dễ dàng giúp ngư dân trong các tình huống gặp tai nạn trên biển vì ngay trên thiết bị có loa cảnh báo bão, và nút bấm SOS mỗi khi tàu gặp sự cố", ông Thơm nói.
Theo ông Thơm, từ khi được phổ biến những quy định về phòng chống khai thác IUU, ông đã bắt đầu ghi chép nhật ký đánh bắt, sản lượng để sẵn sàng đối chiếu và làm cơ sở để chủ vựa hay cơ quan chức năng kiểm tra. Việc ghi chép này giúp ông nắm được tình hình khai thác tăng hay giảm... thay vì như trước đây chỉ đưa cá vào cảng bán nhận tiền là xong.
Còn ông Trần Văn Vương, chủ tàu cá Khánh Hòa KH 96255TS, cho hay trước đây ngư dân chỉ nghĩ đơn giản ở đâu có cá nhiều thì đánh bắt nên nhiều khi khai thác sang ngư trường nước bạn.
Còn nay mỗi khi ra khơi tàu đều phải khai báo đầy đủ các thủ tục, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ, cũng như cam kết đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
"Giờ bà con đã hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, gây hại cho ngành thủy sản, chưa kể luật về khai thác của các nước bạn rất nghiêm, ngư dân có thể bị bắt, phương tiện bị tịch thu...
Phía cơ quan chức năng Việt Nam khi phát hiện tàu cá khai thác trái phép, không gắn thiết bị giám sát thì cũng phạt rất cao nên ai cũng ý thức không được khai thác trái phép", ông Vương nói.
Ngư dân sẽ quyết định còn hay gỡ thẻ vàng IUU
Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu, mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác.
Như từ ngày 1-12-2022, Nhật Bản sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với bốn loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích.
Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận. Vì vậy cần phải có sự phối hợp, kiểm soát IUU nhịp nhàng giữa ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp và địa phương, cơ quan chức năng. Đồng thời cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu một cách thuận tiện hơn.
Ông Võ Thiên Lăng nhận định một trong những yếu tố quyết định tới việc Ủy ban châu Âu (EC) gỡ thẻ vàng IUU chính là ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi khai thác trên biển và không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Những năm gần đây tàu cá các tỉnh Nam Trung Bộ thực hiện khá tốt vấn đề này, tuy nhiên trừ Khánh Hòa, tàu cá các tỉnh khác còn bị bắt vì xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cơ quan chức năng phải thắt chặt công tác kiểm tra và xử phạt", ông Lăng nói.
Hiện nay còn nhiều ngư dân vịn vào lý do là tàu truyền thống, lớn tuổi hay học phí học chức danh nghề cá cao nên không học các chứng chỉ thuyền viên, thuyền trưởng, chứng chỉ thợ máy... Điều này cũng cản trở việc gỡ thẻ vàng IUU.
Nếu không đủ các chứng chỉ thì tàu cá phải nằm bờ, bên cạnh đó phải có chính sách khuyến khích mở các lớp đào tạo ngắn hạn, hỗ trợ học phí từ Chính phủ cho ngư dân.
Trong ngày 21 và 22-10 đoàn thanh tra của EC đã làm việc với Trung tâm Giám sát tàu cá tỉnh, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa và Bộ đội biên phòng Khánh Hòa về công tác triển khai giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh, kiểm tra công tác kỹ thuật giám sát, trong đó có hỏi đáp giữa đoàn EC và Trung tâm Giám sát tàu cá. Ngoài ra phái đoàn EC cũng làm việc với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về quản lý nguyên liệu đầu vào và cấp chứng thư xuất khẩu. Đồng thời kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi châu Âu trên địa bàn TP Nha Trang. |
Theo tuoitre.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…