Một người phụ nữ xứ Xuân Trường, vùng đất của những cây hồng Tám Hải, hồng trứng lốc đã trải qua những thăng trầm với loại cây này, từ khi khó khăn tới lúc thịnh vượng. Và, cùng với sự đổi thay của cả vùng hồng Đà Lạt - Đơn Dương (Lâm Đồng), người phụ nữ ấy cũng chuyển mình, hòa nhập nhanh chóng với việc đưa cây hồng tham gia thị trường kinh tế số.
Thăng trầm cùng cây hồng
Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, giới thiệu, bà Xuân Thị Hồng là một trong những nông hộ trồng hồng lâu đời của đất Xuân Trường. Bà đã giữ gìn được vườn hồng rộng 4ha qua những lúc khó khăn và khi Đà Lạt mở hướng đi mới cho cây hồng, bà cũng là người hăng hái tham gia lớp học sản xuất hồng treo gió, kỹ thuật sấy dẻo hồng. Bà và gia đình đã xây dựng thương hiệu hồng treo gió, ngoài cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng còn bán qua thương mại điện tử.
Người phụ nữ đất hồng có cái tên rất đẹp - Xuân Thị Hồng. Ngôi nhà ở thôn Trường Xuân 1 của bà rợp trong màu xanh của lá, màu vàng hươm của hồng trái vào mùa. Trên mảnh đất ấy, bà Hồng dựng 3 gian nhà kính đạt chuẩn, chuyên treo hồng trứng lốc.
Bà Xuân Thị Hồng kiểm tra hồng treo gió.
Nghĩ lại những ngày khó khăn của cây hồng, bà Hồng không khỏi bùi ngùi. Nếu 30 năm trước, cây hồng là “cây tiền, cây bạc”, mang lại sự sung túc cho vùng đất Xuân Trường thì những năm 2000 - 2015, cây hồng rơi vào tình trạng suy thoái. Hồng trái không bán được, giá thấp tới mức không đủ chi phí công thu hoạch. Nhiều diện tích hồng đã lần lượt nhường chỗ cho cây cà phê. Nhà bà Hồng có 4 ha, tới mùa nhìn những trái hồng chín đỏ trên cành rồi tự rụng, bà xót ruột mà không nỡ phá bỏ vườn hồng mấy chục năm tuổi. Nấn níu mãi cho tới năm 2014, bà vui mừng vô cùng khi thành phố mở lớp chuyển giao kỹ thuật treo hồng kiểu Nhật.
Nhắc lại những ngày bắt tay vào làm hồng, bà Hồng kể lại, thời gian học tới mấy tháng, giáo viên hướng dẫn rất kỹ nhưng không dễ làm được ngay. Bà cũng như nhiều bà con ở Xuân Trường, sau khi học xong cũng mày mò làm tại nhà, mẻ được, mẻ hư phải đổ bỏ. Mãi tới năm 2015, bà mới chính thức có những trái hồng treo gió dẻo, ngọt đầu tiên cung cấp ra thị trường. Và, vùng hồng bắt đầu sống lại từ thời điểm ấy. Không chỉ bà, hàng trăm nông hộ ở Xuân Trường cũng sống lại với nghề hồng.
Với 4 ha hồng, mỗi năm bà Xuân Thị Hồng thu được xấp xỉ 50 tấn trái đạt chuẩn. Bà Hồng cho biết, khác với các vùng khác, đất Xuân Trường hầu như chỉ có 2 giống hồng là Tám Hải và trứng lốc. Hồng Tám Hải trái lớn, ngọt đậm, chuyên để chín mềm, bóc vỏ rồi sấy dẻo bằng lò sấy than, sấy điện. Hồng trứng lốc mới là giống phù hợp với treo gió. Như nhà bà, khi hồng Tám Hải chín đỏ, trái ngọt đậm và hoàn toàn hết vị chát, bà mới gọt vỏ, đưa vào lò sấy 32 tiếng là ra một mẻ hồng sấy dẻo mang hương vị truyền thống. Còn hồng trứng lốc, chọn trái vàng hườm, gọt vỏ treo trong nhà kính. Nếu thời tiết đẹp, sau 20 - 21 ngày là có được những trái hồng sấy nâu sậm, dẻo, ngọt với lớp mật trong ruột trái. Hồng thành phẩm được đóng gói và đưa vào bảo quản trong kho lạnh. Bà Hồng tiết lộ bí quyết, hồng để kho lạnh, khi có khách mua mới đưa ra “làm mới”, trái hồng sẽ vừa ngon, vừa đẹp, lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nâng cao chất lượng
Để nâng cao chất lượng trái hồng treo gió, bà Hồng cho biết, không chỉ treo đúng kỹ thuật mà còn phải nâng cao chất lượng vườn hồng. Bà chia sẻ: “Nếu cây hồng được chăm sóc tốt, phân bón đúng kỹ thuật, trái sẽ ngọt, cuống chắc, treo rất ít hao hụt, đồng thời màu trái rất đẹp”. Cũng vì thế, bà thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc vườn hồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đó là hạ giàn, ghép mắt. Vườn hồng để tự nhiên cao vút, bà cho hạ thấp tầm 3m, ghép chồi hồng lấy từ các cây cho trái ngon. Phân hữu cơ phải bỏ theo chu kì ra bông, kết trái của cây để đảm bảo cây khỏe, trái ngọt.
Người con trai của bà Xuân Thị Hồng, anh Đỗ Ngọc Nghĩa cho biết, ngoài cung cấp trực tiếp các sản phẩm từ hồng, gia đình còn giới thiệu sản phẩm thông qua các sàn thương mai điện tử, các trang mạng xã hội. Việc đưa sản phẩm hồng treo, hồng sấy dẻo lên các sàn thương mại điện tử giúp tiêu thụ tăng nhanh, gia đình sản xuất hồng không đủ để cung ứng ra thị trường.
Ông Lê Thìn cũng đánh giá, bà Xuân Thị Hồng là nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền, rất hăng hái tham gia hoạt động cộng đồng, là điển hình nông dân thời đại mới.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.