Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 10:34

Người trồng chè Hà Tĩnh bắt đầu vào vụ thu hoạch

Thời điểm này, trên khắp các đồi chè ở Hà Tĩnh, người nông dân đang phấn khởi thu hái chè vụ xuân. Đây là vụ thu hoạch vui nhất của bà con nơi đây, bởi chè xuân có hương vị thơm, ngọt nên giá bán cao hơn so với những vụ khác trong năm.

Vừa thoăn thoắt đôi bàn tay hái chè, chị Đặng Thị Hoàng (thôn Tiền Phong, xã Hương Trà (Hương Khê) chia sẻ: Trồng chè cho thu nhập khá, hơn nữa, công việc theo thời điểm nên tôi vẫn có thời gian làm thêm việc khác để tăng thêm thu nhập.

Trên khắp các đồi chè ở Hà Tĩnh, người nông dân đang phấn khởi thu hái chè vụ xuân.

Gia đình chị Hoàng đã gắn bó với cây chè hơn 20 năm nay. Với vai trò tạo tán cho cây chè phát triển, vụ thu hoạch đầu xuân được người trồng chè huyện Hương Khê  xem là đợt thu hoạch quan trọng nhất trong năm. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con đang tập trung thu hoạch lứa chè đầu tiên trong năm.

Đến thời điểm này, huyện Kỳ Anh đã có trên 500 ha chè nguyên liệu, trong đó gần 400 ha đã cho thu hoạch, với trên 90% diện tích được sản xuất theo hướng VietGAP.

Huyện Kỳ Anh đã có trên 500ha chè nguyên liệu, trong đó gần 400 ha đã cho thu hoạch, với trên 90% diện tích được sản xuất theo hướng VietGAP.

Theo kế hoạch, bình quân hằng năm, huyện Kỳ Anh phấn đấu phát triển diện tích trồng chè lên từ 30 - 50 ha. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp; sự bền vững trong liên kết sản xuất và sự vào cuộc hiệu quả của địa phương, cây chè ngày càng khẳng định hiệu quả tại các xã vùng thượng Kỳ Anh, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Với hơn 20 sào chè đang trong thời kỳ thu hoạch, bà Phạm Thị Liệu, thôn Trung Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh phải thuê 5 - 7 nhân công tập trung thu hoạch.

Bà Liệu cho biết: "Đợt hái này vừa thu hoạch vừa tạo tán nên gia đình tôi rất chú trọng việc thuê người hái chè. Nhân công phải có kinh nghiệm để không chỉ đảm bảo tiến độ thu hoạch mà còn giúp cho cây không bị tổn thương, tạo được tán để phát triển tốt. 20 sào chè mang về cho gia đình nguồn thu trên 130 triệu đồng nên tôi rất phấn khởi với quyết định chuyển đổi cây trồng của gia đình”.

Thời gian gần đây, các hộ trồng chè ở huyện Kỳ Anh càng yên tâm hơn khi họ đã chuyển sang sản xuất liên kết theo quy trình VietGAP với Nhà máy chè 12/9. Theo đó, thị trường đầu ra của sản phẩm chè nguyên liệu ngày càng mở rộng.

Với hiệu quả bền vững mà cây chè mang lại, ngày càng có nhiều hộ gia đình ở Kỳ Trung mạnh dạn phát triển diện tích trồng chè và đầu tư bài bản, đem lại thu nhập cao. Đợt thu hoạch đầu tiên trong năm có vai trò tạo tán để cây chè phát triển tốt trong thời gian tới. Dù năng suất không cao nhưng xã vẫn lưu ý bà con đầu tư công sức và kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng cho cây chè trong cả năm

Việc hái đúng kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo cho cây chè có điều kiện sinh trưởng tốt nên cán bộ của Xí nghiệp chè 12/9 cũng tập trung hướng dẫn, nhắc nhở bà con.

Không chỉ triển khai đúng những nguyên tắc, trình tự quản lý và vận hành quy trình VietGAP trong sản xuất chè nguyên liệu, xí nghiệp còn tích cực hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất. Qua đó, nâng cao thu nhập và duy trì, phát triển diện tích, ổn định việc cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến của doanh nghiệp.

Thời điểm này, cây chè đang trong giai đoạn sinh trưởng phù hợp với việc tạo tán nên các xã tập trung cao cho việc thu hái. Với hiệu quả đã được khẳng định, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh và đang được huyện triển khai xây dựng sản phẩm OCOP.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top