Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2023 | 10:53

Những cây trồng hiệu quả ở Lai Châu

Khai thác hiệu quả hệ số sử dụng đất, đưa cây con mới vào trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân ở Lai Châu đang tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Cây ớt trên đất Than Uyên

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, huyện Than Uyên vận động, khuyến khích Nhân dân các xã trên địa bàn đưa giống cây ớt chỉ thiên vào trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ. Đến nay, sau gần 3 tháng bén rễ, cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng ớt chỉ thiên Red Evil của đoàn viên thanh niên xã Mường Cang. Dưới tiết trời nắng đẹp, những hàng ớt xanh tươi sai trĩu quả báo hiệu cho vụ đầu tiên bội thu. Được biết, tham gia mô hình trồng ớt chỉ thiên, có 8 đoàn viên trong xã trồng 3,3ha trên đất ruộng.

Chị Ngà Thị Huệ - Bí thư Đoàn xã Mường Cang chia sẻ: "Khi có chủ trương của huyện, phát động của Huyện đoàn về trồng ớt chỉ thiên, Đoàn xã chúng tôi tiên phong đăng ký tham gia theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phúc An Phát (Hải Dương). Chúng tôi triển khai trồng ớt chia làm 3 đợt, đợt 1 trồng từ 3/8, đợt 2 trồng ngày 20/8 và đợt 3 ngày 25/8. Trong quá trình trồng, chăm sóc, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ, chu đáo của công ty thu mua; sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã. Đến thời điểm này, cây ớt phát triển rất tốt, riêng đối với cây ớt trồng đợt đầu đã ra quả và chuẩn bị cho thu hoạch".

Người dân xã Mường Than chăm sóc ớt chỉ thiên.

Trong 3 năm trở lại đây, huyện Than Uyên đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021-2025 bằng việc tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ dân; tìm thị trường liên kết, đầu ra ổn định cho nông sản địa phương. Thực tế cho thấy, các mô hình mới đem lại hiệu quả cao và được nhân dân các xã duy trì, mở rộng diện tích để thâm canh tăng vụ, trồng cây vụ đông như: dưa leo, khoai tây, bí xanh... Từ đó, giúp bà con nâng cao thu nhập mỗi vụ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, huyện nhận thấy cây ớt chỉ thiên phù hợp với đất và khí hậu ở trên địa bàn, nhất là cây trồng này có giá trị và năng suất cao hơn một số loại cây trồng khác; thời gian sinh trưởng, cho ra quả ngắn, trong khi đó được thu hoạch lâu dài. Trước khi đưa giống cây ớt vào gieo trồng tại các xã: Mường Cang, Mường Than, Phúc Than... huyện đã tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi mô hình trồng ớt chỉ thiên tại tỉnh Hải Dương, huyện Tân Uyên; tìm mối liên kết bao tiêu sản phẩm ớt với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phúc An Phát (Hải Dương) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm trồng ớt, không phải lo về tình trạng “được mùa, mất giá” hay “ép giá”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trọng Hưởng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho hay: "Trong quá trình bà con thực hiện mô hình, chúng tôi thường xuyên phối hợp với UBND các xã đôn đốc, hướng dẫn trồng, chăm sóc ớt đúng theo quy trình kỹ thuật của công ty liên kết. Khuyến cáo các hộ dân thăm ớt hàng ngày để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại, xử lý, đảm bảo cây trồng phát triển, cho ra quả chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị thu mua. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 20ha ớt theo mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu chúng tôi đánh giá mô hình rất khả quan".

Được biết, tham gia mô hình trồng ớt chỉ thiên theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, các hộ dân được đơn vị thu mua ớt hỗ trợ 50% chi phí ban đầu về giống, phân bón; chuyển giao khoa học kỹ thuật. Anh Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Mường Kim phấn khởi nói: như vậy, người dân chỉ góp đất và bỏ ra 50% chi phí ban đầu để thực hiện mô hình. Ngoài ra, đơn vị cam kết giá hợp đồng bảo hiểm cố định cho sản phẩm quả ớt khi mà thị trường bên ngoài không tiêu thụ được với mức giá 11.000 đồng/kg quả tươi. Qua đó, giúp bà con có thêm động lực, niềm tin để tham gia mô hình trồng ớt.  

Nhìn những trái ớt xanh xum xuê, căng mình bóng bẩy đang dần chuyển màu chín đỏ, chúng tôi thấy vui bởi người nông dân Than Uyên có thêm loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế gia đình. Tin rằng, với cách làm, hướng đi của cấp uỷ, chính quyền trong phát triển kinh tế, cây ớt chỉ thiên sẽ là một trong những cây trồng đắc lực giúp nhân dân trong huyện thoát nghèo, làm giàu.

Phát triển kinh tế từ cây nho

Gia đình chị Trần Thị Thùy Linh ở tổ 5, phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư trồng các giống nho: mẫu đơn, jade dragon và kim cương. Bước đầu cho thấy các giống nho này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình và một số hộ trồng nho nơi đây.

Nho mẫu đơn, jade dragon, kim cương là những giống nho được trồng nhiều ở Hàn Quốc. Các giống nho này cho quả to, màu xanh, đen khi chín có vị ngọt đậm, có hương thơm của quả xoài, sữa, vị béo ngậy đặc trưng. Thời gian gần đây, các giống này được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng trái cây nhập khẩu trên địa bàn thành phố Lai Châu thu hút khách hàng đến mua nhiều. Nhận thấy đây là loại cây trồng mới, có tiềm năng phát triển, do đó gia đình chị Linh đã quyết tâm đưa cây nho vào trồng trên đồng đất nơi đây.

Để có thể đưa cây nho vào trồng, hai vợ chồng chị Linh đã cất công đến các bản Đông Pao, xã Bản Hon (huyện Tam Đường), bản Gia Khâu (xã Sùng Phài), xã San Thàng (thành phố Lai Châu) tìm mảnh đất có địa hình, vị trí phù hợp để thuê trồng nho. Sau gần 2 tháng mới tìm được mảnh đất ưng ý tại bản Thành Công, xã San Thàng. Cải tạo đất tơi xốp, hạn chế mầm bệnh, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị cung cấp giống ở tỉnh Nam Định, đến trung tuần tháng 4 gia đình chị xuống giống với 520 gốc nho.

Dành cả tâm huyết cho “dự án khởi nghiệp”, vợ chồng chị Linh không thuê thêm nhân công lao động mà tự trồng 520 gốc nho. Theo chị Linh thì một phần cây nho giống có giá thành đắt, từ 150-300 nghìn đồng/cây, trong quá trình trồng nếu để cây gẫy, dập nát rất tiếc nên dù thời điểm xuống giống có nóng nực, vất vả nhưng 2 vợ chồng chị đều cố gắng thực hiện theo kỹ thuật đã được tư vấn, hướng dẫn. Phần khác cũng là để giảm chi phí sản xuất.

Diện tích nho của gia đình chị Trần Thị Thùy Linh phát triển tốt.

Các loại nho mẫu đơn, jade dragon và kim cương dễ trồng, dễ đậu quả. Tuy nhiên lại dễ bị sâu bệnh, không ưa độ ẩm cao. Bởi vậy để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, gia đình chị Linh rất cẩn thận trong quá trình chăm sóc. Thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, bên trên làm vòm mái che nilon, bên dưới dùng bạt đen che gốc cây. Thường xuyên tỉa bớt lá già, lá sâu bệnh, lá ở tầng dưới nhằm tăng cường khí cho cây trồng đồng thời khi phun thuốc được thuận lợi. Thời gian vừa qua, trên cây nho xuất hiện sâu đục thân, một số cây có hiện tượng xoăn lá, tuy nhiên gia đình chị không dùng thuốc hóa học mà sử dụng chế phẩm sinh học, nhờ đó sâu bệnh được loại trừ giúp diện tích nho phát triển tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số hộ gia đình trồng nho, nhưng chủ yếu là nho hạ đen. Tại các tỉnh khác, cây nho mẫu đơn, jade dragon và kim cương được trồng thành công, cho trái xum xuê trĩu nặng, với giá bán từ 250 – 350 nghìn đồng/kg, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Sau 5 tháng bám rễ trên đồng đất nơi đây, cho thấy diện tích nho của gia đình chị Linh phát triển tốt thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng địa phương, khả năng mang lại những vụ nho năng suất, chất lượng cao. Dự kiến vào tháng 2/2024 nho sẽ ra hoa kết trái và thu hoạch vào tháng 6. Theo tính toán của chị Linh, chi phí đầu tư vào diện tích trồng nho đến nay ước tính khoảng 400 triệu đồng. Mặc dù chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế về sau lớn, bởi các loại nho này có tuổi đời khoảng 20 năm. 

Với việc trồng thử nghiệm giống nho mới này tại thành phố Lai Châu, đã mở ra triển vọng nhân rộng loại cây trồng mới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Hiệu quả trồng chanh leo trên đất dốc

Xã Bản Lang, huyện Phong Thổ là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi có địa hình dốc, đây là yếu tố quan trọng để lựa chọn giống cây trồng phù hợp và phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá tập trung. Trong đó chanh leo là giống cây được ưu tiên lựa chọn. Mô hình này đã giúp bà con Nhân dân vùng đồng bào DTTS tăng thu nhập và thoát nghèo.

Gia đình anh Mùng Văn Hình ở bản Bản Lang 2, xã Bản Lang có gần 1ha đất nương đã nhiều năm trồng chuối tiêu để bán cho thương lái. Sau nhiều năm canh tác, đất đã bạc màu, năng suất và chất lượng kém dần khiến thu nhập của gia đình không ổn định. Đầu năm 2023, khi được chính quyền xã vận động chuyển đổi trồng chanh leo nên gia đình anh đăng ký tham gia.

Nghĩ là làm, sau khi được cấp cây giống, anh Hình bắt tay đào hố trồng chanh leo theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, thời điểm này, anh và gia đình đang tiến hành xới gốc, bón phân, đi lấy tre về để làm giàn.

Mùa quả đầu tiên giúp người nông dân có thu nhập hàng trăm triệu từ mô hình phát triển sản xuất nông sản theo hướng hàng hoá tập trung.

Đưa chúng tôi đi thăm mảnh đồi trồng khoảng 300 gốc chanh leo sinh trưởng tốt và cho quả, anh Hình nói: “Từ khi trồng giống cây này tôi rất quan tâm học hỏi kiến thức từ cán bộ nông nghiệp và nhiều kênh thông tin, tôi cải tạo đất và vườn chanh leo nhà tôi đang cho quả với sản lượng và chất lượng khá tốt. Tôi tin với sự đồng hành của chính quyền, cùng mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp thu mua, thì đầu ra cho quả chanh leo sẽ được giải quyết, chắc chắn thu nhập của gia đình tôi sẽ ổn định”, anh Hình hồ hởi chia sẻ.

Với mục tiêu phát triển kinh tế lấy sản xuất nông nghiệp làm tiêu điểm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thời gian qua xã Bản Lang, huyện Phong Thổ đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi các khu vực đất nông nghiệp kém hiệu quả, khu vực đất dốc sang canh tác các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế mới cho người dân.

Xã Bản Lang là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi có địa hình dốc, đây là yếu tố quan trọng để lựa chọn giống cây trồng phù hợp và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung. Trong đó chanh leo làm giống cây được ưu tiên lựa chọn và nhân rộng dần trên địa bàn xã.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai thực hiện từ tháng 7/2022 với diện tích gần 28ha.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn các hộ tham gia mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của chanh leo để giúp người dân tích lũy dần kinh nghiệm.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện và các hộ tham gia, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Bản Lang, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng hành cùng bà con có Công ty Cổ phần chanh leo Lai Châu ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với mức giá dao động từ 15 - 17 nghìn đồng/kg.

Với năng suất và giá bán này, khi toàn bộ diện tích chanh leo cho thu hoạch, tổng doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng một năm, trừ chi phí người dân sẽ đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

“Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao lại được thị trường đón nhận. Chính vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho Nhân dân mở rộng diện tích trồng chanh leo”, ông Thủy cho biết thêm.

Việc phát triển cây chanh leo sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, qua đó giúp người nông dân có những đổi mới về tư duy canh tác; biết tận dụng những diện tích đất dốc, đất dôi dư, kém hiệu quả để đầu tư phát triển các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Trồng chè hiệu quả trên đất Nà Tăm

Xuất phát điểm là một xã nghèo, nhờ chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè, xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) đang từng ngày thay da đổi thịt. Cây chè đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” cho đồng bào dân tộc Lào nơi đây.

Người dân bản Nà Hiềng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường) thu hoạch chè.

Nhiều năm trước đây, hơn 2ha đất đồi của gia đình ông Lò Văn Sòi ở bản Nà Hiềng chỉ trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đời sống của gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng chè.

Gia đình ông được hỗ trợ giống, phân bón, đồng thời được cán bộ nông nghiệp huyện Tam Đường, xã Nà Tăm hướng dẫn kỹ thuật làm đất, ban tầng, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kĩ lưỡng. Nhờ đó, toàn bộ diện tích chè sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi lứa thu được 1-1,5 tấn chè búp tươi, mang lại cho gia đình ông 100 triệu đồng/năm.

Trước đây, Nà Tăm là xã khó khăn của huyện Tam Đường, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, năm 2015 xã lựa chọn cây chè đưa vào trồng thí điểm. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, bà con nhân dân nơi đây đánh giá cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng chính là tiền đề để xã Nà Tăm thực hiện “Đề án phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao trên địa bàn huyện Tam Đường” từ năm 2017.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè. Theo chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ công "ban tầng" là 15 triệu đồng/ha, 100% giống, phân bón trong năm thứ nhất, từ đó người dân trong xã đồng tình, mạnh dạn đăng kí trồng chè. Từ đầu năm đến nay, xã trồng mới 19ha chè, hiện tổng diện tích chè toàn xã là 228ha, trong đó chè kinh doanh trên 180ha, năng suất đạt 78 tạ/ha, sản lượng 1.400 tấn/năm.

Tại xã Nà Tăm, giống chè được trồng chủ yếu là: shan tuyết, kim tuyên; các giống chè này cho năng suất cao, giá thành ổn định. Để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật; áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; chủ động phòng, chống sâu bệnh… Đồng thời, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức cho người dân trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt để bà con học hỏi kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc chè.

Sau 8 năm gắn bó trên đồng đất của xã Nà Tăm, cây chè đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ trồng chè, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh (chỉ còn 23,69%), diện mạo nông thôn xã vùng cao ngày một đổi thay.

Hiện, Lai Châu đang thúc đẩy tăng cường thu hút doanh nghiệp vào liên kết và tận dụng các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người dân, qua đó hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và trở thành địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm cây trồng có giá trị kinh tế cao là lợi thế của địa phương trong giải quyết vấn đề thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân và tạo đà cho chặng đường phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Theo baolaichau.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top