Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ lựa chọn mua sắm online các sản phẩm thuộc nhóm hàng: đồ gia dụng, sản phẩm thời trang thì hiện nay với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), người tiêu dùng có thể mua sắm nhiều sản phẩm đa dạng như: cây cối, hoa, kiểng.
Nắm bắt xu thế của thị trường, một số nông dân trong Tổ hợp tác (THT) hoa kiểng xã Long Hưng A (ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã “rủ nhau” tổ chức các phiên livestream trên nền tảng TMĐT để giới thiệu sản phẩm. Bước đầu, việc tiếp cận kênh kinh doanh trực tuyến đã giúp các nông dân nơi đây mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các thành viên trong Tổ hợp tác hoa kiểng xã Long Hưng A thực hiện livestream bán hàng qua nền tảng Tik Tok
Nắm bắt xu thế mở rộng thị trường
Khoảng năm 2018 - 2019, nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng bắt đầu có sự quan tâm và yêu thích các sản phẩm bonsai từ cây hoa giấy, một số nhà vườn trong THT hoa kiểng xã Long Hưng A đã chuyển đổi từ canh tác một số loại kiểng lá, cây công trình sang cây hoa giấy theo hình thức bonsai. Nhờ bắt kịp xu thế của thị trường, nhiều nhà vườn đã có thu nhập tốt từ mô hình sản xuất cây hoa giấy bonsai. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ hoa kiểng gần như bị tê liệt, hoa kiểng ứ đọng trong vườn khiến các nhà vườn ở xã Long Hưng A vô cùng lo lắng. Xuất phát từ thực tế đó, một số nhà vườn trong THT có sáng kiến xây dựng kênh Youtube giới thiệu về sản phẩm hoa kiểng của THT, chia sẻ cách chăm sóc, kỹ thuật uốn bonsai, bí quyết tạo mầm hoa và giúp cây hoa giấy ra hoa đồng loạt... Nhờ nội dung chia sẻ phong phú và thực tế mà kênh Youtube của một số nhà vườn trong THT hoa kiểng xã Long Hưng A được nhiều người quan tâm, theo dõi, đặc biệt có nhiều khách hàng đặt vấn đề mua bán các sản phẩm hoa kiểng thông qua các video của THT đăng trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhận thấy thị trường quan tâm đến sản phẩm cây kiểng, đặc biệt là hoa giấy bonsai, vì vậy, khoảng tháng 9/2023, sau nhiều lần bàn bạc, THT hoa kiểng xã Long Hưng A quyết định thực hiện livestream trên nền tảng Tik Tok và Facebook.
Mặc dù các nền tảng mạng xã hội có nhiều tiềm năng để quảng bá và kinh doanh sản phẩm, nhưng đối với những người nông dân thì việc quảng bá và “chốt đơn” sản phẩm mình làm ra qua màn hình của chiếc điện thoại không phải là chuyện dễ dàng. Ông Thái Văn Chinh - thành viên THT hoa kiểng xã Long Hưng A, tâm sự: “Mấy phiên livestream đầu tiên, tôi và các thành viên trong THT còn khá lúng túng khi giới thiệu sản phẩm của mình. Chúng tôi không có kinh nghiệm thiết kế ra những phiên livestream hấp dẫn người xem. Mặc dù giai đoạn đầu livestream khá khó khăn và áp lực, nhưng các anh em đều động viên nhau cùng cố gắng nên sau khoảng hơn 1 tháng livestream liên tục, anh em trong THT đã nắm bắt được tâm lý và nhu cầu khách hàng. Từ đó, chúng tôi thiết kế một phiên livestream phù hợp với nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Sản phẩm được giới thiệu trong các phiên livestream đa dạng mẫu mã và giá thành cũng bình dân, khách hàng dễ dàng lựa chọn và “chốt đơn” hơn”.
Nhờ không ngừng học hỏi và kiên trì, thời gian gần đây, doanh số bán hàng trực tuyến của THT hoa kiểng xã Long Hưng A khá tốt, trung bình mỗi phiên livestream có thể bán được từ 10 đến vài chục đơn hàng, doanh số trung bình mỗi tháng trên 20 triệu đồng. Nhờ phát triển kênh kinh doanh online nên sản phẩm hoa kiểng và hoa giấy bonsai của THT được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước.
Sau phiên livestream, các thành viên thực hiện đóng gói sản phẩm chuẩn bị giao cho khách hàng.
Tận dụng nền tảng số để quảng bá nông sản địa phương
Không chỉ dừng lại ở việc livestream bán hàng, THT hoa kiểng xã Long Hưng A còn tích cực xây dựng cộng đồng những người yêu cây cảnh trên các nền tảng mạng xã hội. Các thành viên trong THT thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc chăm sóc cây, những kỹ thuật trồng trọt độc đáo trên các trang mạng xã hội. Từ việc hướng dẫn ghép cây, tỉa cành, đến việc giới thiệu những thế cây bonsai độc đáo đều được THT ghi lại và chia sẻ một cách tận tình. Nhờ vậy, cộng đồng người yêu cây cảnh ngày càng lớn mạnh và nhiều người đã trở thành khách hàng thân thiết của THT.
Bên cạnh những thuận lợi, việc kinh doanh hoa kiểng trên các nền tảng TMĐT cũng đặt ra không ít thách thức cho người nông dân. Một trong những khó khăn lớn nhất là cạnh tranh khốc liệt với các nhà vườn lớn và các cửa hàng hoa kiểng khác. Cùng với đó, việc bảo quản và vận chuyển cây cảnh đến tay người tiêu dùng một cách an toàn cũng là một bài toán nan giải.
Anh Hồ Văn Út Hiền - Tổ trưởng THT hoa kiểng xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, chia sẻ: “Việc chuyển đổi sang kinh doanh online, ban đầu đối với chúng tôi là một thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, chúng tôi nhận ra rằng, việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến là điều tất yếu. Thông qua các nền tảng TMĐT, chúng tôi không chỉ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng mà còn hiểu rõ hơn về sở thích và nhu cầu của họ. Điều này, giúp chúng tôi điều chỉnh quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm phù hợp và đáp ứng tốt hơn thị trường. Bên cạnh đó, việc mở rộng kênh bán hàng online còn giúp chúng tôi giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái, chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là các khách hàng mua sỉ có nhu cầu lớn”.
Nông dân xã Long Hưng A thành công trong việc bán hoa kiểng qua livestream không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nông sản địa phương. Đây là một minh chứng cho sự sáng tạo và năng động của người nông dân trong thời đại số.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…