Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2024 | 12:58

Nông nghiệp Thủ đô có thể tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra

Với tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp Thủ đô hoàn toàn có thể cán đích, thậm chí tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra.

Hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng

Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động từ thời tiết, thiên tai và dịch bệnh, song với sự chủ động, linh hoạt, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã duy trì tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp là 20.945 tỷ đồng, tăng 2,92%; thủy sản đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, Hà Nội có 80% diện tích trồng lúa là các giống chất lượng cao; cây ăn quả, dược liệu được chú trọng mở rộng diện tích. Đặc biệt, diện tích rau an toàn, rau hữu cơ của Hà Nội ngày một tăng, không chỉ cung ứng cho thị trường Hà Nội, mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: TTXVN

Các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 22,6 nghìn héc ta, tăng 2,5% và sản lượng thủy sản trong nửa đầu năm 2024 đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, để đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự chủ động trong sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình.

Để tạo ra thị trường cạnh tranh cho ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã hỗ trợ để cho các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản có điều kiện để đưa sản phẩm nông sản ra thị trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng thông tin, huyện đã hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch điện tử nông sản cho các hộ, chủ sản xuất; tăng cường quản lý và cấp mã sản phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tạo sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: “Thị trường luôn là khâu quyết định giá trị của mỗi sản phẩm. Đó là điều ngành Nông nghiệp hướng tới và thúc đẩy. Diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lớn, nhưng quy mô nhỏ, nên Hà Nội phải tận dụng được thị trường để tăng trưởng bền vững”.

Ngành Nông nghiệp Thủ đô quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, song ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn quyết tâm phấn đấu tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (hơn 3%). Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sau đợt ngập úng này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thống kê và có giải pháp khôi phục diện tích lúa, rau màu, thủy sản bị ảnh hưởng. Đối với phần diện tích nguy cơ úng ngập cao sẽ lựa chọn những giống rau màu ngắn ngày gieo trồng, chủ động luân canh xen kẽ, bám sát những dự báo về thời tiết, khí hậu và dịch bệnh.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái

Cuối tháng 7/2024 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn Hà Nội có mưa lớn, gây ngập úng ở một số địa phương, làm hơn 1.169ha lúa, 407ha thủy sản bị ngập; 243ha ngô, rau màu các loại bị hư hại. Từ nay đến cuối năm 2024, nguy cơ bị ngập úng trên địa bàn thành phố vẫn còn hiện hữu. Đồng thời, biến động về thị trường cũng tác động lớn đến ngành Nông nghiệp…

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, chi cục phối hợp với các địa phương bảo vệ tốt khu vực sản xuất; một số sâu bệnh phát sinh gây hại ở mức độ cao, nhất là theo mùa được theo dõi chặt chẽ. Chi cục sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, tăng cường tính dự báo cho lĩnh vực này.

Là một HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lại nằm ở địa bàn chịu sự ảnh hưởng lũ lụt vừa qua, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, dịp cuối năm, nhu cầu về thực phẩm gia tăng, trong đó có thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường từ nay đến cuối năm, từ tháng 3-2024, hợp tác xã đã phát triển đàn lợn nuôi, tập trung vào các sản phẩm chế biến, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 13 đến 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn, như xúc xích, giò chả. Hợp tác xã cũng duy trì một hệ thống cung ứng ổn định là các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn tại huyện Quốc Oai cũng như nội thành và một số siêu thị.

Về lâu dài, để bảo đảm tăng trưởng, ngoài sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chuyên sâu về chế biến, bài toán thị trường cũng cần được chú trọng. Hợp tác xã đã xây dựng trang web giới thiệu và bán sản phẩm, song hiệu ứng chưa lớn, nên hợp tác xã mong muốn các sở, ngành hỗ trợ để xây dựng công nghệ số trong bao tiêu sản phẩm, hướng tới kinh doanh chuyên nghiệp hơn…

Để đạy và vượt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại lưu ý. “Các địa phương, hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, khai thác hợp lý nguồn nước phục vụ cho cây trồng; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời…”.

Việc đạt mục tiêu đã đề ra đối với ngành nông nghiệp Thủ đô không phải là vấn đề khó, khăn khăn là làm sao khai thác hợp lý các lợi thế vào sản xuất, phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản gia tăng giá trị, đồng thời phải tạo ra sự liên kết cho tiêu thụ sản phẩm nông sản, nắm bắt và có biện pháp, phương án đối phó và xử lý kịp thời khi thời tiết bất lợi xảy ra.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top