Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 2 năm 2024 | 14:40

Nông nghiệp Tuyên Quang: Bứt phá từ nhận thức

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Sau 3 năm thực hiện khâu đột phá trên, nông nghiệp Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc.

Nâng cao giá trị bằng chất lượng

Những năm gần đây, Tuyên Quang có nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp quan tâm, đầu tư kinh phí, khoa học công nghệ vào sản xuất, cho ra chuỗi sản phẩm khép kín từ trang trại đến chế biến và tiêu thụ đảm bảo chất lượng.

Điển hình như HTX Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (Sơn Dương). Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX, tâm sự: Gia đình có trang trại khá lớn nên kêu gọi các hộ có quy mô nhỏ hơn thành lập HTX. Ngay từ đầu, HTX xác định sản phẩm đảm bảo “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, sản xuất theo chuỗi từ con giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến cung cấp ra thị trường.

Cửa hàng cung cấp thịt thảo dược của HTX Sáng Nhung.

“Trước khi xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, HTX làm dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, tiến hành xây dựng chuồng trại, nhà kho, nhà xưởng, dàn mát, quạt thông gió, máng ăn tự động… Đơn vị tư vấn đưa ra công thức thức ăn chăn nuôi, các nguyên liệu đầu vào đều truy xuất được nguồn gốc, khi phối trộn cho ra thức ăn chất lượng tốt nhất. Khi triển khai, HTX được tỉnh hỗ trợ nhà điều hành, thiết bị máy móc công nghệ cao trong chế biến thông qua Sở Công Thương; hỗ trợ tem nhãn mác, truy xuất nguồn gốc thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT”, ông Sáng cho hay.

Theo ông Sáng, HTX chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín, quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn 3F (“Feed - Farm - Food”) - tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay. Với thịt lợn thảo dược Sáng Nhung, lấy thảo dược thay cho kháng sinh để giải quyết độc tố, nấm mốc và bài thải thức ăn; thịt có hương vị, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường 100 tấn lợn hơi, sản phẩm được phân phối đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng. Năm 2024, sẽ mở rộng đến Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Năm 2023, doanh thu đạt 30 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng.

Đến nay, HTX có 7 sản phẩm OCOP, sau khi được công nhận, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, tiêu thụ tốt hơn. Không dừng lại ở đó, HTX đã ký hợp đồng nguyên tắc liên kết bao tiêu 191 sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, ký hợp đồng liên kết với 62 tỉnh, thành có sản phẩm OCOP mang về Tuyên Quang tiêu thụ.

Tại huyện Na Hang, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương đang nuôi lợn đen bản địa, lợn rừng lai, gà đen theo quy trình tuần hoàn khép kín, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học; sau khoảng 6 tháng đến 1 năm sẽ thu phân rồi ủ bón cho cây trồng. Sau đó, tận dụng các phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Sản xuất tuần hoàn khép kín nên giá trị tăng thêm 1,5 lần so với thông thường.

HTX Tâm Hương chăn nuôi theo quy trình tuần hoàn khép kín.

Ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Hương, cho biết: Nuôi theo quy trình tuần hoàn không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng thịt lợn thơm, ngon, được khách hàng tin dùng. Bình quân mỗi ngày HTX mổ  3-5 con lợn để chế biến và bán tại 4 cửa hàng: một cửa hàng ở TP. Hà Nội, 3 cửa hàng tại Tuyên Quang. Hiện, HTX có 2 sản phẩm OCOP. Sau khi được công nhận, sản phẩm được nâng tầm giá trị, nhiều người biết đến hơn, đây là tiền đề cho HTX thực hiện các sản phẩm tiếp theo.

Nông nghiệp khởi sắc

Những năm qua, Tuyên Quang có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp, thực hiện một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp và HTX.

Hiện, diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn toàn tỉnh đạt 3.580,9ha, trong đó có 2.417,5ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 914,7ha sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest, 240,7 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 8ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, diện tích chè đạt 1.309,1ha, gồm 119,7 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 914,7 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest (nông nghiệp bền vững), 274,7 ha VietGAP. Diện tích cam 1.483,2 ha, gồm 55,2 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 1.428,0 ha VietGAP. Diện tích bưởi đạt 471,1 ha, gồm 52,9 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, 418,2ha VietGAP.

Tuyên Quang hiện có 248 sản phẩm OCOP.

Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt  48.876ha (đứng thứ hai cả nước). Tuyên Quang có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, vượt 7,8% mục tiêu đến năm 2025; 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP, đạt 87% mục tiêu năm 2025.  Tuyên Quang đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về số lượng sản phẩm đạt OCOP.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng liên kết, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); nhiều cơ sở đã áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP, VietGAHP), trong đó, 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 2 trang trại được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao; 6 trang trại được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn; 15 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh; 56 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; 36 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, triển khai thực hiện khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đề ra, tỉnh đã có đề án, có định hướng cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân, tiêu chuẩn hóa sản phẩm hàng hóa, đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Giờ đây, nhu cầu về nông sản sạch từ các cửa hàng OCOP rất sôi động, đầu ra cuối cùng nhìn thấy là ở đây.

Các sản phẩm hàng hóa nông sản mà không theo tiêu chuẩn, chất lượng hầu như không có đầu ra ổn định, không được đảm bảo giá trị gia tăng. Sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn không phải giải cứu, số lượng chưa đủ đáp ứng thị trường, nhưng mang lại giá trị gia tăng cao. Ví dụ như: cam, bưởi trồng theo tiêu chuẩn GAP, giá khác hoàn toàn. Cam trồng thường giá chỉ  7.000-8.000 đồng/kg, nhưng cam hữu cơ có thể lên tới 30.000-40.000 đồng/kg. Một số sản phẩm đạt OCOP, giá trị cao hơn so với sản phẩm thường. Sản phẩm OCOP chính là thể hiện tiêu chuẩn chất lượng, thông qua nhiều quy định ngặt nghèo, từ môi trường, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ… đều phải đạt. Đạt được tiêu chuẩn này chính là tiêu chuẩn chất lượng…

Về định hướng thời gian tới, ông Việt cho biết, nút thắt lớn nhất là tổ chức sản xuất nông nghiệp để thành hàng hóa lớn, tiếp tục củng cố nâng cao hoạt động của các HTX, khi nào HTX chưa mạnh thì sản xuất hàng hóa chưa thực sự thành công. Nếu người dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ thì vẫn tự cạnh tranh lẫn nhau, tự triệt tiêu nhau, có HTX mới làm bài bản được. Thực ra, vốn bây giờ không thiếu, chính sách đã có, khoa học, kỹ thuật lại càng không bao giờ thiếu, thị trường có nhưng quan trọng là có được sản phẩm thị trường cần hay không? Như vậy, vẫn phải là tổ chức sản xuất. Do đó, các cấp chính quyền cơ sở phải vào cuộc mạnh hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top