Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023 | 11:8

Nông nghiệp hữu cơ: Xu thế mới

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học” tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia TS. Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, nông nghiệp hữu cơ là xu thế, nhưng phải tuân thủ các quy trình, nguyên tắc và bảo đảm sự minh bạch trong tất cả các khâu.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu ý kiến tại diễn đàn.

Nhiều lợi ích

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, cho biết, nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, lợi thế. Từ năm 2020, địa phương đã triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ trên cả trồng trọt và chăn nuôi.

Đến nay, Lâm Đồng đã hỗ trợ cấp 13 giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ cho hơn 63ha sản xuất nông nghiệp, đạt 32,5% kế hoạch. Đồng thời, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã chủ động nhân rộng sản xuất và được cấp 22 giấy chứng nhận hữu cơ, tổng diện tích gần 1.352ha. 

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Công ty cổ phần CP Việt Nam tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Hàng năm, Lâm Đồng sử dụng 281.097 tấn thân, lá cây bắp và 6.200 tấn phụ phẩm từ các nhà máy chế biến nông sản làm thức ăn chăn nuôi; 211.191 tấn vỏ cà phê ủ làm phân bón; 4.725 tấn phụ phẩm từ các vườn ươm cây giống rau các loại dùng làm giá thể; hơn 866.000 tấn chất thải rắn sử dụng cho các mô hình chăn nuôi tuần hoàn…

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, những năm gần đây, Nông nghiệp Lâm Đồng đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm hơn 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trong quá trình phát triển nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó có sử dụng chất hóa học giúp thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng - vật nuôi nhưng cũng tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Để việc thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

“Hiện nay, Lâm Đồng đã xác định được 171 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, bao gồm: Rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, củ năng, lúa, chè, cà phê, sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca, atiso, nấm rơm, đương quy, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng...”, ông Châu cho biết thêm.

Hiện, Lâm Đồng đã xây dựng được 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như cà phê, lúa, mắc ca, rau ăn củ, củ năng, măng tây, chè, gà đẻ trứng để người dân học tập và từng bước nhân rộng. 

Định hướng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tăng cường nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng chống chịu với dịch hại, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, doanh nghiệp, góp phần phát triển ổn định, bền vững trong chuỗi sản xuất và bảo vệ môi trường...

Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế thế giới

Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho hay, nông nghiệp hữu cơ gắn với nông nghiệp tuần hoàn và đây là vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững.

Theo ông Duy, nước ta hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để xuất khẩu và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thị trường trong nước.

“Nông nghiệp hữu cơ đang được xác định là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh do đảm bảo cung cấp các sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh phát triển sản xuất hữu cơ, việc sử dụng có hiệu quả các phế phụ phẩm nông nghiệp cũng góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thương hiệu”, ông Duy nhấn mạnh.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm mô hình sản xuất hoa công nghệ cao tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2022, thế giới có gần 200 quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với hơn 71 triệu hecta, tương đương 1,5% tổng diện tích canh tác, doanh thu đạt hơn 110 tỷ Euro.

Nước ta hiện có khoảng 500.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên tổng diện tích hơn 11,5 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp. Cả nước có 46 tỉnh, thành phố đang thực hiện và có phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với sự tham gia của 100 công ty và 17.000 nông dân. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 335 triệu USD/năm, với các sản phẩm chủ yếu như gạo, tôm, dừa, cà phê, sữa, trà, rau, trái cây…

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho biết, việc sản xuất hữu cơ cần tuân thủ 4 nguyên tắc: sức khoẻ, sinh thái, sự công bằng và  sự cẩn trọng. 4 nguyên tắc này là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và cũng là sự xuyên suốt cho nền nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.

Theo đó, người sản xuất cần phải định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm vì mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng. Các tổ chức chứng nhận cũng phải nâng cao trình độ, hiểu biết về chứng nhận hữu cơ, đặc biệt giữ  chữ “Tâm” với nghề để đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch…

Nông nghiệp tuần hoàn là khái niệm còn khá mới ở nước ta, chưa trở thành mô hình sản xuất phổ biến, mới chỉ phát triển ở kinh tế VAC quy mô hộ gia đình, trang trại của hộ và doanh nghiệp. Chúng ta đang dần đưa kinh tế tuần hoàn vào khung thể chế, chính sách. Cụm từ “Kinh tế tuần hoàn” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, nông nghiệp tuần hoàn đang là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế của thế giới. Đây là nền nông nghiệp nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao và dành cho những thị trường chất lượng cao. Chính vì vậy, người làm nông nghiệp hữu cơ không sản xuất theo phong trào mà phải xem xét các điều kiện về thời gian, kinh tế, đất đai, trình độ cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Làm nông nghiệp hữu cơ phải đầu tư nghiêm ngặt, xác định ngay từ đầu không chộp giật, nửa vời. Người làm cần tham quan thực tế các mô hình, tiếp cận tài liệu để nắm bắt các tiêu chuẩn, chứng chỉ hữu cơ”.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top