Theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên xây dựng các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với diện tích khoảng 10.930 ha; vùng nuôi chim yến 640 ha; vùng trồng rau 600ha, trồng nấm 15ha…
Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Phú Yên xác định phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với các lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Trong đó:
Trồng trọt: Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn với các mặt hàng chủ lực của tỉnh, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên cơ sở khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất; đồng thời phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm chính: Cây lương thực trọng tâm là cây lúa, rau màu các loại, cây công nghiệp, các loại cây ăn quả, cây dược liệu.
Làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc là vùng trồng rau lớn nhất TP.Tuy Hòa.
Chăn nuôi: Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp và liên kết chuỗi giá trị. Xác định các sản phẩm chăn nuôi chủ lực có lợi thế để tập trung đầu tư và phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ... Các sản phẩm chủ yếu như bò, lợn, gia cầm...
Người dân huyện miền núi Sông Hinh nuôi heo rừng lai cho thu nhập cao.
Lâm nghiệp: Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên đang bị suy thoái; phát huy lợi thế mỗi vùng sinh thái của từng địa phương gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp và định hướng phát triển chung của tỉnh. Hình thành các công viên cây xanh ở các đô thị theo mô hình rừng trong phố. Phát triển trồng cây dược liệu, cây rừng có giá trị kinh tế như: Mắc ca, quế, dó bầu, sa nhân tím... Huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, phát triển các giá trị của rừng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.
Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, nuôi công nghiệp ở vùng biển hở, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tối ưu hóa khai thác thủy sản vùng khơi, tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động; đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá. Phát triển chế biến, tiêu thụ thuỷ sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác, chế biến, thương mại thuỷ sản để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người sản xuất.
Diêm nghiệp: Đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất muối và các sản phẩm giá trị gia tăng sau muối, kết hợp sản xuất muối với các sản phẩm thủy đặc sản.
Quy hoạch Phú Yên vùng trồng hoa - cây cảnh khoảng 400ha
Đồng thời, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tại các khu vực có tiềm năng, điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Vùng sản xuất lúa tập trung ở các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa. Vùng trồng ngô, hồ tiêu tập trung ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa. Vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu, dược liệu chất lượng cao ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa và Đồng Xuân. Vùng hoa, rau màu tập trung tại TP. Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, Sơn Hòa. Vùng trồng mía, sắn tập trung ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân.
Xây dựng các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với diện tích khoảng 10.930 ha. Trong đó, vùng chăn nuôi gia cầm ở các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An và TX. Đông Hòa; vùng chăn nuôi heo ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hoà và Tuy An; vùng chăn nuôi đại gia súc ở các huyện Sơn Hoà, Đồng Xuân, Sông Hinh, Tây Hoà, Phú Hoà và Tuy An. Xây dựng các vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 640 ha.
Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại ven vịnh Xuân Đài; ven đầm Cù Mông; ven đầm Ô Loan và sông Bình Bá (huyện Tuy An); lưu vực sông Bàn Thạch (TX. Đông Hòa); vùng mặt nước biển tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, biển hở Tuy An, Sông Cầu. Ưu tiên thu hút các dự án nuôi trồng thủy sản vùng biển hở áp dụng công nghệ cao.
Phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Vùng trồng lúa khoảng 1.700ha; vùng trồng bắp sinh khối khoảng 900ha; vùng trồng mía khoảng 700ha; vùng trồng rau khoảng 600ha, trồng nấm 15ha; vùng trồng hoa - cây cảnh khoảng 400ha; vùng trồng hồ tiêu khoảng 300ha; vùng cây ăn quả khoảng 3.000ha; vùng cây dược liệu khoảng 1.300ha; vùng chăn nuôi bò sữa khoảng 330ha; vùng nuôi bò thịt, lợn khoảng 760ha; vùng nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn.
Ngoài ra, hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu cây hàng năm và cây ăn quả cho công nghiệp chế biến tại huyện Tây Hoà, huyện Phú Hoà. Tại huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân trồng rừng sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng tự nhiên; xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, cây nguyên liệu, dược liệu chất lượng cao; chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông lâm sản; phát triển kinh tế trang trại; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất vườn đồi, vườn rừng. Phát triển mạnh du lịch miền núi gắn với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên. Từng bước nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển khu vực Sơn Long - trung tâm vùng cao nguyên Vân Hòa trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo của tỉnh gắn với di tích lịch sử nhà thờ Bác Hồ, hội trường Mùa Xuân…
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.