Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 10 năm 2022 | 13:17

Sản phẩm OCOP: Phải kể được câu chuyện cảm xúc để lôi cuốn khách hàng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn kháng hàng.

"Câu chuyện sản phẩm" - linh hồn của sản phẩm OCOP

"Câu chuyện sản phẩm” (CCSP) là tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chiếm 10/100 điểm trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc xây dựng CCSP thú vị, hấp dẫn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của tỉnh tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Ảnh chụp tại HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong).

Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, tạo nên thương hiệu. Nó mang giá trị vô hình nhưng có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của người tiêu dùng, thay đổi hành vi của khách hàng. Từng CCSP OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi vùng đất. 

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hòa Bình có nhiều giải pháp triển khai Chương trình OCOP. Sở đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Đơn vị tư vấn luôn quan tâm, hướng dẫn chủ thể cách xây dựng CCSP hấp dẫn, ý nghĩa, gần gũi, mộc mạc nhưng thể hiện được sự tinh túy, cầu kỳ trong sản xuất, chế biến. Từng câu chuyện ngắn gọn nhưng toát lên được hồn cốt của sản phẩm, toát lên niềm tự hào của người dân đối với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, CCSP phải đúng sự thật, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định.  

Từ lâu cơm lam trở thành món ăn dân dã nhưng chứa đựng nét văn hóa độc đáo của người Mường Động. Để viết nên CCSP ý nghĩa, anh Phạm Hồng Sơn, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao cơm lam Mường Động đã khéo léo kể lại câu chuyện của các bố, các mế trong Mường từ xa xưa để chinh phục khách du lịch khắp mọi miền đất nước. Anh Sơn chia sẻ: Theo các cụ trong Mường, trước kia người dân Mường Động còn đói khổ, thường phải đi rừng, đi nương đào củ sắn, củ mài về ăn nên họ phải đi từ mờ sáng tới khi mặt trời lặn, thậm chí ngủ trong rừng. Vì vậy, người dân phải mang theo lương thực như gạo, muối vừng để ăn. Do không thể mang theo những vật dụng để nấu ăn nên bà con đã chọn cây nứa, cây hóp bánh tẻ có nước ở bên trong rồi cho gạo, sắn vào đó và nướng trên than hồng đến khi bên ngoài cháy vàng thì cơm trong ống sẽ chín. Khi ăn cơm có vị ngọt, bùi và hương thơm rất đặc trưng của tre, nứa non nên người dân gọi đó là cơm lam.

Ngày nay, khi cuộc sống của người Mường Động có nhiều thay đổi, họ không còn làm cơm lam khi đi lao động sản xuất nhưng không vì thế mà món cơm lam bị mai một. Thay vào đó, cơm lam trở thành món ăn thường xuyên trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Đồng thời, cơm lam còn mang giá trị kinh tế cho hàng trăm hộ tại các điểm du lịch và khu nghỉ dưỡng của huyện Kim Bôi như khu du lịch suối khoáng và các khu resort…  

Mỗi sản phẩm OCOP được kể bằng một câu chuyện riêng, cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng thổ cẩm của người Thái, huyện Mai Châu khác với câu chuyện thổ cẩm của người Mường ở huyện Lạc Sơn. Sự kết hợp giữa văn hóa và chất lượng tạo nên sự khác biệt trong mỗi CCSP mà chủ thể OCOP thể hiện. CCSP được in trên bao bì từng sản phẩm OCOP, giúp chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những CCSP có ý nghĩa, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên, tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

Xây dựng OCOP gắn với “câu chuyện sản phẩm” ở Phú Thọ

Câu chuyện sản phẩm “Sinh ra từ làng” của Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy gây ấn tượng với khách hàng.

“Câu chuyện sản phẩm” là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mang đến suy nghĩ vượt ra ngoài tiện ích và chức năng của sản phẩm, dịch vụ. Nó mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, thay đổi hành vi của khách hàng, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Với OCOP, thông điệp đó còn mang cả niềm tự hào của các vùng quê về những sản vật của họ. “Câu chuyện sản phẩm” là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người.

Sản phẩm mỳ gạo của HTX Mỳ gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP. Việt Trì) có thương hiệu “Sinh ra từ làng”. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái… và có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Co.opmart… và được xuất khẩu. Qua đó, đã giúp cho nhiều lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá, sản phẩm từ hạt gạo tăng thêm giá trị.

Giám đốc HTX Cao Đăng Duy gắn bó với thương hiệu trên kể từ khi HTX Mỳ gạo Hùng Lô được thành lập năm 2016. Trước đó, mỳ gạo Hùng Lô đã là sản phẩm truyền thống có chỗ đứng nhất định nhưng tới tận khi gắn với thương hiệu “Sinh ra từ làng” sản phẩm này mới thực sự “cất cánh”.

Nhờ khéo léo tận dụng sức mạnh truyền thông và xây dựng câu chuyện cá nhân với hình ảnh con người là trung tâm, Cao Đăng Duy đã thành công tạo dấu ấn thương hiệu khó quên của sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng, với bộ nhận diện trên mỗi bao bì sản phẩm là slogan “Mỳ gạo sinh ra từ làng” cùng hình ảnh của chính vị giám đốc HTX trẻ yêu nghề truyền thống.

Rút ra kinh nghiệm thực tế, Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy nhận xét: Bí quyết để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP thành công là chuyển tải tính nhân văn vào trong sản phẩm OCOP; tiếp cận dựa trên nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và văn hóa mới và tạo nên tính đặc thù, riêng biệt để đưa vào sản phẩm OCOP.

Tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao vào cuối tháng 9/2021. Đây là một trong số những sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng gắn với câu chuyện sản phẩm đặc sắc. Anh Cao Trung Thông - người sáng lập ra thương hiệu hai sản phẩm trên chia sẻ: Cần chuyển tải được giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP, đưa cốt lõi, tinh túy của tri thức, hiểu biết về văn hóa, đời sống vào trong sản phẩm, chuyển tải giá trị vô hình thành một sản phẩm hữu hình. OCOP chính là “báu vật” của từng làng quê. Mỗi sản phẩm có thể có quy mô không lớn, nhưng lại độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế cho thấy các hộ sản xuất nhỏ, kể cả HTX, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, cũng không thể bỏ tiền để quảng cáo hàng ngày, quy mô sản xuất cũng khó đủ lượng để phủ hàng ngàn siêu thị trên cả nước. Do đó, OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. “Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Sở đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành, thị, hỗ trợ tư vấn cho 51 chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP về phát triển sản phẩm và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Trong giai đoạn tới đây, “câu chuyện sản phẩm” vẫn chiếm tỷ lệ điểm số cao trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng “câu chuyện sản phẩm” có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó.

Phải kể được câu chuyện cảm xúc 

Tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, tính đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Theo đó, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. 

Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là DN, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

“Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch”, ông Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Hội nghị: “Có câu kết luận rất hay rằng, thời đại ngày nay là thời đại bi kịch của những người sản xuất, vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng khắp thế giới lựa chọn. Ở nước ta, mật ong có từ Hà Giang đến Cà Mau; tưởng rằng trà hoa vàng chỉ có ở Quảng Ninh, ai ngờ Bắc Kạn cũng nhận đó là đặc sản của địa phương. Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng”.

Ở nước ta, quả măng cụt chủ yếu được bán tươi. Tuy nhiên, ông Hoan chia sẻ cho các đại biểu tham gia Hội nghị hình ảnh bộ sản phẩm rất đa dạng được chế biến từ quả măng cụt ở Thái Lan gồm: măng cụt sấy; nước ép măng cụt; nước măng cụt lên men; viên nén bổ sung chất chống ô-xi hóa từ vỏ măng cụt; sirum chiết xuất từ quả măng cụt dành cho mỹ phẩm.

Không những thế, từ quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra những sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa, đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào các nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê… Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, người Thái có thể nâng giá trị sản phẩm cao gấp 10 lần so với những sản phẩm thông thường.

“Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị mỗi tỉnh, thành cần quan tâm, xây dựng các không gian để quảng bá sản phẩm OCOP tại các vị trí đắc địa, các khách sạn, nhà hàng, nơi có nhiều người qua lại. Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để hình thành không gian quảng bá sản phẩm OCOP của quốc gia để người dân và du khách quốc tế được biết và trải nghiệm các sản phẩm OCOP.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top