Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024 | 14:22

Tây Nguyên, niềm tin và khát vọng

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình và niềm tin, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên; 49 năm sau nước nhà thống nhất, miền đất đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc đã đổi thay vượt bậc.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và mới đây là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, tạo ra những cơ hội mới cho Tây Nguyên hướng đến một khu vực phát triển xanh, bền vững.

Theo quy hoạch, đến năm 2050 Đắk Lắk sẽ phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh.

Theo quy hoạch, đến năm 2050 Đắk Lắk sẽ phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh.

Bao đời nay, bên chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã tạo dựng nên lịch sử vùng đất oai hùng, kiên trung, bất khuất. Dòng lịch sử sáng ngời đó tiếp tục được những thế hệ trên vùng đất bazan kế thừa, bồi đắp với khát vọng phát triển, chủ động đổi mới, sáng tạo, vượt qua thách thức, phát huy thành quả... Qua đó, tạo dựng nền tảng vững chắc, thế và lực mới để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa khát vọng về nền kinh tế xanh, tuần hoàn; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhiều người ví, ở Tây Nguyên, có ba ngọn núi là Chư Yang Sin, Bidoup và Ngọc Linh sừng sững như ba nóc nhà choãi chân từ ba góc đại ngàn hùng vĩ, tạo nên một thế đứng vững chãi, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, kiên trung và kiêu hãnh. Từ dòng cảm thức lịch sử; từ tiềm năng, thế mạnh; từ nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước và từ bàn tay, khối óc, niềm tin đi tới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; ngày nay, đi dọc Tây Nguyên khó có thể nhận ra những hình ảnh thời xưa cũ, mầu cây trái, thảm xanh đại ngàn, sắc màu nông thôn mới và những đô thị sầm uất đã phủ tràn mầu đất đỏ bazan. “Nhờ Đảng, Nhà nước chăm lo đầu tư, dẫn dắt đồng bào mình làm ăn, dân làng mình đã thay đổi tư duy phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc”, già làng K’Tư ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng, một thời nằm trong danh sách “huyện 30a”, chia sẻ.

Tây Nguyên, nơi ấy mạch nguồn chảy mãi, dòng chảy của truyền thống anh hùng, của nghĩa tình một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Ngày nay, hình ảnh của Đảng, Nhà nước giữa buôn làng là sự hiện hữu của những công trình, các chương trình mục tiêu quốc gia; là niềm tin, khát vọng và việc làm mang lại hiệu quả sống động cho mỗi vùng quê và mỗi người dân. Dẫn chúng tôi dạo quanh buôn làng, già làng Y Brí Niê ở xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk kể: Xưa, cái nghèo, cái khó cứ đeo bám bà con buôn làng, bởi hầu như không có sinh kế, làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên nên khó cứ chồng lên khó. Giờ vùng đất khó một thuở đã cán đích nông thôn mới lâu rồi. “Tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên rất lớn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; cả nước cùng hướng về Tây Nguyên, cùng sự chung tay góp sức của người dân, vùng đất này đã đổi thay vượt bậc. Đoàn kết là sức mạnh mà”, già Y Brí Niê khảng khái.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, là vùng phên dậu của Tổ quốc. Vùng đất đại ngàn hùng vĩ là nơi sinh sống của gần 6 triệu người, gồm tất cả 54 dân tộc anh em. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước!

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển Tây Nguyên. Điển hình như Đắk Nông, vùng đất khó một thuở ở cuối dãy Trường Sơn. Sau 20 năm tái lập, tỉnh phía nam Tây Nguyên đã thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, đạt những thành quả mang ý nghĩa quyết định trên hành trình xây dựng và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, quy mô tổng sản phẩm gấp 12 lần; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội gấp 20 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 13 lần so với năm 2004. “Đắk Nông đã và đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn khởi sắc mạnh mẽ, tràn ngập sức sống mới, khí thế mới. Với khát vọng vươn lên, hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới của vùng Tây Nguyên và cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh kỳ vọng.

Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để “kích hoạt” trở thành nguồn lực phát triển. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX, vùng đất Tây Nguyên đã đổi thay thật sự. Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 tăng gần 8%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002.

Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, được đặt trên nền tảng kinh tế-xã hội khá thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế tri thức... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. “Với truyền thống đoàn kết, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; trên cơ sở những kết quả đạt được, cùng với một số dư địa tăng trưởng tốt ở lĩnh vực kinh tế-xã hội, địa phương tiếp tục phát huy thành quả, nỗ lực thi đua sáng tạo để Đắk Lắk là trung tâm liên kết vùng và cực tăng trưởng chính của toàn vùng Tây Nguyên”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết.

Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao; vùng du lịch sinh thái-văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường… Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Hiện, một số tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang được triển khai, thực hiện. Giao thông tiện lợi, chuỗi các đô thị Tây Nguyên nối liền vào nhau, những thành phố trong khu vực trở thành những đầu tàu kinh tế-xã hội toàn vùng.

Để phát triển bền vững Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Đây được xem là chương trình hành động của Chính phủ, thể hiện quyết tâm đưa vùng đất phía tây Tổ quốc phát triển theo đúng mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đề ra. Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2023 đến 2030, với sự tham gia của tám bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội; cấp ủy, chính quyền năm tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, yếu tố quyết liệt hoàn thiện thể chế xuất phát từ thực tiễn, xây dựng và triển khai chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên rất quan trọng, được xem là “chìa khóa” để khai mở tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Nguyên.

Tây Nguyên, vùng đất kiên trung, anh hùng, bất khuất trong kháng chiến và mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới; tinh thần đoàn kết, một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; cùng sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, là nguồn năng lượng tạo nên những xung lực và sinh khí mới, giúp vùng đất bazan vững niềm tin đi tới. Tin rằng, mạch nguồn phát triển được nối dài trên vùng đất đầy tiềm năng và thế mạnh Tây Nguyên.

 

Theo Báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top