Thanh Hoá được mệnh danh là “thủ phủ” của tre, luồng, có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, các sản phẩm tre luồng tiêu thụ chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, chưa phát triển việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, khiến tre luồng còn ở dạng tiềm năng.
Để tháo gỡ khó khăn đó, tỉnh Thanh Hoá đang đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến có quy mô lớn tạo chuỗi liên kết từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thúc đẩy chuỗi liên kết
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có khoảng 78 nghìn ha rừng tre, luồng, chiếm khoảng 50% diện tích rừng trồng của toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương có diện tích rừng tre, luồng lớn nhất cả nước.
Vùng trồng thâm canh tập trung tre luồng chủ yếu tại 7 huyện miền núi (Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy). Bình quân mỗi năm tỉnh Thanh Hóa cung cấp 60 triệu cây (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu khác phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Thanh Hoá là địa phương có diện tích rừng tre, luồng lớn nhất cả nước, với 78 nghìn ha.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng và xem đây là loại cây chủ lực của tỉnh. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng với 5.414,6 ha. Trong đó, Công ty CP Ngọc Sơn với nhóm hộ huyện Quan Sơn, diện tích 3.045 ha rừng luồng, vầu; Công ty CP BWG Mai Châu với 545 hộ huyện Quan Hóa, diện tích 2.369,6 ha rừng luồng.
Ông Hà Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân (huyện Quan Hóa – Thanh Hoá) cho biết, trên địa bàn có 2.000 ha rừng luồng sản xuất, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên của xã. Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào cây luồng và một ít diện tích lúa nước. Mặc dù, địa phương đã thu hút được 2 cơ sở chế biến luồng, nhưng các cơ sở này không có sự liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân. Nguồn nguyên liệu luồng chủ yếu của các cơ sở này do người dân tự khai thác mang đến xưởng bán hoặc qua thương lái. Có thời điểm giá luồng xuống 5.000 đồng/kg mà không có người mua.
Tại huyện Lang Chánh, địa phương được mệnh danh là “Vua luồng” xứ Thanh, với diện tích hơn 13,6 nghìn ha, sản lượng khai thác hơn 11 triệu cây và hơn 1.000 tấn nguyên liệu liên quan. Cây luồng được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện.
Việc áp dụng kỹ thuật thâm canh, phục tráng rừng luồng tại địa phương được quan tâm, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích tăng lên (bình quân đạt 7-9 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, người trồng luồng đang đối diện với nhiều thách thức.
Người dân chú trọng quan tâm việc thâm canh, phục tráng diện tích luồng, tuy nhiên giá cả không ổn định nên gặp nhiều khó khăn trong phát triển.
Ông Vi Hồng Nghị ở xã Tân Tân Phúc (huyện Lang Chánh – Thanh Hoá) cho hay, gia đình ông có 10ha diện tích trồng luồng. Hằng năm, cây luồng cho gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất còn lỏng lẻo, giá cả cây luồng chưa ổn định, thậm chí bị thương lái ép giá, nên người dân trồng luồng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển cây luồng.
Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, việc trồng, khai thác và chế biến tre, luồng tại địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn, đa phần diện tích rừng luồng tại hyện đã có thời gian lưu gốc trên 60 năm, dẫn đến nhiều diện tích đang bị thoái hóa, chất lượng nguồn nguyên liệu không cao.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến tre luồng trên địa bàn quy mô sản xuất nhỏ. Các sản phẩm từ tre luồng có giá trị gia tăng thấp. Việc liên kết giữa nhà máy chế biến và người dân trồng luồng còn yếu đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương trong việc phát triển ngành tre, luồng.
Kỳ vọng “siêu dự án” chế biến
Theo ông Nguyễn Song Hoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tre luồng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, các sản phẩm tre luồng của tỉnh giá trị thấp, dẫn tới thu nhập của người trồng không ổn định. Phần lớn là các sản phẩm chế biến thô, quy mô các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh tre, luồng của tỉnh. Đến 80% sản phẩm chế biến từ tre, luồng là đũa, còn lại là giấy vàng mã, vật gia dụng khác nên chưa có “thương hiệu” riêng về các sản phẩm tre luồng chế biến tinh.
Gần đây, huyện Lang Chánh đã thu hút được nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh), do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng. Dự án có công suất chế biến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng trên diện tích 15 ha. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động 100% công suất sẽ giải quyết việc làm cho 1.500 lao động và hàng chục nghìn lao động gián tiếp tại huyện Lang Chánh và các huyện lân cận.
Các sản phẩm tre luồng tiêu thụ chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, chưa phát triển việc liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy sự phát triển tre luồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có tại các huyện miền núi của tỉnh. Những năm qua, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương, nhất là với Công ty CP Bamboo King Vina để xây dựng mô hình phát triển tre luồng tại huyện Lang Chánh theo chuỗi giá trị, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều vùng nguyên liệu khác.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang thực hiện có hiệu quả chính sách phục tráng rừng luồng, đẩy mạnh phát triển vùng thâm canh luồng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng tre luồng và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC, gắn chế biến với xuất khẩu.
Tuy nhiên, một nhà máy chế biến hiện đại là quá ít so với nhu cầu tiêu thụ của vùng tre luồng. Một số cơ sở chế biến sâu như ép ván sàn, sản xuất bàn ghế và đồ gia dụng từ luồng ở các huyện Hà Trung, Triệu Sơn, Như Xuân…Nhưng lượng nguyên liệu nhập vào còn quá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ tre luồng của toàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1625/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.
Theo đó, dự án có vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng, trên diện tích hơn 26 ha. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván tre, các sản phẩm từ tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện với tổng công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm.
Dự án này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng nhà băm tre, nhà nghiền, nhà nghiền khô, khu lò hơi, phụ trợ lò hơi, xưởng sản xuất... Giai đoạn 2 sẽ xây dựng bốt bảo vệ và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ liên quan. Dự kiến, khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho 3.000 lao động, liên kết bao tiêu sản phẩm tre luồng cho tất cả các huyện miền núi và những vùng phù cận.
Đây là “siêu dự án” có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển tiềm năng, lợi thế cây tre, luồng của tỉnh. Được chính quyền và nhân dân trong tỉnh kỳ vọng đưa cây tre, luồng trở về đúng vị trí là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” và giải quyết được bài toán “được mùa mất giá” ở các huyện miền núi xứ Thanh.
Để dự án sớm được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…