Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948 đã tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh để cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trải qua 75 năm, tư tưởng của Bác về thi đua yêu yêu nước đã trở thành động lực giúp đất nước lần lượt thắng giặc ngoại xâm, giặc đói nghèo và từng bước xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh. Trải qua 75 năm thực hiện Lời kêu gọi Thi đua của Bác, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những phong trào thi đua ái quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, thi đua ái quốc phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của dân, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ cách mạng. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thúc đẩy các phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên, cổ vũ toàn quân và thu hút mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết tham gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở Khu Lương Yên, Hà Nội (tháng 3-1956). Ảnh tư liệu.
Các phong trào thi đua như “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến” đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm là những phong trào để toàn dân ta chiến thắng thực dân Pháp, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Khi đất nước còn trong thời kỳ chia cắt, miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đang đấu tranh để thống nhất đất nước, nhiều phong trào thi đua được phát động như “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “ Cờ Ba Nhất” hay “Tiếng trống Bắc Lý”...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân miền Bắc đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay búa, tay súng”, “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ…
Ở miền Nam, các phong trào thi đua “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, phong trào “Giết giặc lập công” cũng đã phát triển rộng khắp.
Những năm gần đây, các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa cao như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19... Nội dung thi đua được gắn kết với việc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trên mặt trận nông nghiệp, tinh thần thi đua đã sớm trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ và rộng lớn như: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất” và “Ruộng rẫy là chiến trường; Cuốc cày là vũ khí; Nhà nông là chiến sĩ; Hậu phương thi đua với tiền phương”, Tấc đất tấc vàng… Các phong trào thi đua này góp phần vào “chiến thắng nạn đói”, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".
Gần đây có các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Cánh đồng 50 tấn/ha, “cứng” hóa kênh mương...
Theo thống kê, giai đoạn 2017-2022, bình quân hằng năm, số lượng nông dân đăng ký đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân được công nhận danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp hằng năm của giai đoạn 2017-2022 là 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký.
Từ phong trào, ngày càng có nhiều hộ nông dân giỏi có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012-2017, số hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tăng 60.000 hộ. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nâng lên và bền vững hơn.
Thi đua xây dựng vườn cây, ao cá Bác Hồ - khởi nguồn của kinh tế nông thôn
Sinh thời, Bác Hồ là người rất quan tâm đến lao động sản xuất để tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc sống trong giai đoạn kháng chiến. Khi đi kháng chiến, đến đâu Người cũng đều phát động phong trào tăng gia sản xuất, đào ao nuôi cá. Kháng chiến thành công, khi về Thủ đô, Bác đề nghị xây dựng cho Người một ngôi nhà sàn và đào một ao để thả cá.
Chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày Bác đi xa, ngày 21/10/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về phát triển phong trào xây dựng ao cá Bác Hồ. Văn bản đó được triển khai bởi Quyết định số 9201 HS –NN – BT ngày 10/11/1978 của liên bộ Hải sản, Nông nghiệp và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nhưng trước đó, từ ao cá của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, cá nuôi ở đây đã được cấp đi nuôi tại Yên Duyên (Hà Nội) và Mê Linh (Vĩnh Phú, nay là Hà Nội); năm 1977 cấp rộng ra để nuôi ở các đơn vị bộ đội: Quân y viện 91 (Bắc Thái, nay là Bắc Kạn, Thái Nguyên), Quân khu bốn (Nghệ An, Hà Tĩnh) và Bộ đội Trường Sơn (Quảng Nam, Đà Nẵng). Chính từ những điểm Ao cá Bác Hồ ban đầu đã mở đầu cho một quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản cho cả những năm về sau này.
Để tưởng nhớ Bác, cũng như để cải thiện đời sống nông dân, thực hiện phong trào của Bộ Nông nghiệp, đồng chí Nghiêm Xuân Yêm (nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam), đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu (Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cùng một số lão thành Bộ Nông nghiệp đã đề xuất Ban Bí thư việc thành lập Hội những người làm vườn Việt Nam, nay là Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, lãnh đạo Hội đã hiểu rằng, nếu làm tốt được phong trào sẽ phát triển được ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng liên tục phát động thi đua làm vườn giỏi.
Phong trào “Vườn cây, ao cá Bác Hồ” hợp ý Đảng, lòng Dân, đề ra đúng nguyện vọng của nhân dân nên phong trào phát triển nhanh. Ở mỗi thời kỳ đều đạt được những thành tích nhất định.
Giai đoạn đầu sau chiến tranh, đất nước nghèo đói, 60-70 % trẻ em thiếu dinh dưỡng. HLV đưa ra chủ trương làm ô dinh dưỡng, trồng cây ăn quả, nuôi thêm con cá, con gà cải thiện bữa ăn cho con cháu.
Giai đoạn 2 là xóa đói giảm nghèo, HLV phát động phong trào phát triển VAC xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 3, phát triển VAC theo hướng hàng hóa, xuất khẩu.
Khoảng 5-10 năm gần đây, phát triển VAC theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Trọng tâm là sản xuất ra nông sản sạch. Nhất là phong trào làm VAC theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, sạch, phục vụ xuất khẩu.
Gần đây, các mô hình của HLV tập trung chuyển giao kỹ thuật, vận động hội viên sản xuất sạch, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng đúng quy trình, liều lượng, từ đó cho ra sản phẩm năng suất cao, chất lượng tốt và an toàn.
Chủ động xây dựng mô hình theo nhu cầu của các địa phương. Từ đó phát hiện nhiều mô hình tiên tiến, hàng năm có đánh giá, tổng kết để nhân rộng.
Kết quả, diện tích vườn tạp, ao hoang thu hẹp dần. Phong trào VAC không chỉ trong khuôn viên của gia đình mà đưa ra cả ngoài đồng. Người dân không làm lúa thuần tuý mà đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả. Trên đồi phát triển vườn rừng; phát triển cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi, đào ao thả cá, phát triển thành vành đai mang lại hiệu quả rất lớn cho nhân dân.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, HLV -TT Hà Tĩnh xin ý kiến HLV Việt Nam về thực hiện mô hình vườn mẫu, xây dựng NTM vào tới tận vườn, tận nhà dân. Từ đó, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân.
Sau khi triển khai, HLV đã đúc kết, báo cáo Chính phủ về kinh nghiệm xây dựng mô hình vườn mẫu và giải pháp xây dựng vườn mẫu. Hiện nay, nhiều địa phương đang triển khai xây dựng vườn mẫu khá hiệu quả.
Trước đây, thiếu lương thực, nước ta tập trung sản xuất lúa, hiện nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới. Giờ đây, Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển VAC, kết quả năm 2022, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53,2 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD; có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt kim ngạch trên trên 3 tỷ USD. Trong kết quả đó có sự đóng góp của HLV.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 (khóa X), nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Đặc biệt, những lúc khó khăn nhất từ chiến tranh, thiên tai, suy thoái kinh tế, gần đây là đại dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp, mà đằng sau là người nông dân luôn vươn lên trở thành “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế.
Thi đua yêu nước là động lực để phát triển đất nước
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.
Nuôi cá nước ngọt theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua, khen thưởng, như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng...
Chính phủ đã ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng: Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng...
Tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Mặc dù có những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của công tác thi đua, khen thưởng, nhất là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã có những kết quả rất thực chất, hiệu quả và có sức lan tỏa cao trên cả nước.
Trong phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (ngày 10/12/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các ngành, các cấp, các địa phương có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Dạy tốt, học tốt”, phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dân vận khéo”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia…
Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”… Nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, lan toả rộng khắp.
Nhờ thi đua, có thi đua trên tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…, chúng ta không những giữ được sự ổn định mà còn phát triển được kinh tế, giữ được ổn định chính trị xã hội, để đất nước ta phát triển. Bên cạnh đó, còn có những tấm gương điển hình, tiến tiến, trong phong trào thi đua, đây là những nhân tố quan trọng để các phong trào thi đua thành công.
Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 75 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…