Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh này tăng 2,8%, trong đó nông nghiệp tăng 2,6%, lâm nghiệp tăng 0,3%, thủy sản tăng 5,5%. Quy mô giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch.
Điểm sáng
Để đạt được những kết quả nói trên, có sự đóng góp quan trọng của các địa phương. Điển hình như tại huyện Tân Yên. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và chủ quan, song với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nông nghiệp huyện Tân Yên đạt được những kết quả tích cực như: sản lượng lương thực vụ chiêm xuân năm 2023 đạt 100% kế hoạch; năng suất lúa ước đạt 55,5 tạ/ha; toàn huyện duy trì 81 vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung quy mô từ 5 ha/vùng trở lên.
Huyện Tân Yên chỉ đạo duy trì thực hiện có hiệu quả 62 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng và mô hình tưới nước tự động trên cây ăn quả. Phối hợp với doanh nghiệp đưa tiến bộ kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều Global GAP phù thủy.
Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nông dân cải tạo trồng mới 76 ha (vải, nhãn, bưởi), nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện là 3.513 ha, trong đó có 3.200 ha cho thu hoạch, duy trì 1.800 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng ước đạt 26.750 tấn, giá trị ước gần 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Dũng cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật, vụ chiêm xuân toàn huyện thực hiện gieo cấy được 7.212ha, đạt 100,2% kế hoạch; năng suất ước đạt 61,8 tạ/ha, là huyện có năng suất lúa cao thứ 2/10 huyện, thành phố với sản lượng 44.598 tấn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm tiếp tục được nhân rộng, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện lên khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.
Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học. Hiện toàn huyện duy trì thực hiện 10 vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích sản xuất trên 160 ha...
Từ kết quả của các địa phương đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của tỉnh. 6 tháng năm 2023,giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,6%, lâm nghiệp tăng 0,3%, thủy sản tăng 5,5%. Quy mô giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt khoảng 21.000 tỷ đồng, bằng 55,3% kế hoạch.
Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tiếp tục được nâng lên. Vụ chiêm xuân đảm bảo khung thời vụ, năng suất đạt cao (60,3 tạ/ha); sản lượng vải thiều ước đạt trên 180 nghìn tấn; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 147,32 nghìn tấn, bằng 100,3% so với cùng kỳ, bằng 56,8% so với kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã thực hiện trồng 5.455 ha rừng tập trung, đạt 72,5% kế hoạch (rừng trồng sản xuất), trồng cây phân tán được 4,0 triệu cây, đạt 65,6% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%...
Kết quả từ sự chỉ đạo sát sao
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, để triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp năm 2023, ngay từ đầu năm Sở đã chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới.
Sản lượng vải thiều năm 2023 ước đạt trên 180 nghìn tấn.
Qua đó, cụ thể hóa các nhóm giải pháp chủ yếu và các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn thông qua xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành cho 5 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi, từng bước chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị tăng cao và hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Cùng đó, tích cực giảm tỷ lệ số hộ dân trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, phân tán sang trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, dưới hình thức phát triển hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi trang trại, gia trại liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ cây, con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành trồng trọt, chăn nuôi của tỉnh phát triển.
Đặc biệt, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai thực hiện 12 mô hình trình diễn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cùng hệ thống quản lý, giám sát, chứng nhận về an toàn thực phẩm; mô hình kinh tế kết hợp và hoạt động chuỗi giá trị đối với nhóm cây con chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương, từng bước phát triển trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ... Qua đó, góp phần phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Để phát triển các mô hình liên kết, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với các ngành vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động như: Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Triển khai các giải pháp cuối năm
Theo ông Thành, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm 2023, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành nông nghiệp hết sức nặng nề. Các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước mắt là chỉ đạo sản xuất vụ Mùa 2023 theo đúng khung thời vụ, tạo tiền đề cho việc triển khai cơ cấu cây trồng vụ Đông. Vụ Mùa 2023 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 63.000 ha, trong đó tập trung vào các loại giống mới, ngắn ngày, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và hướng đến phục vụ chế biến xuất khẩu.
Áp dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất theo chuỗi khép kín.
Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, phát hiện và khống chế dịch bệnh tại cơ sở, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc. Nắm bắt những khó khăn, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn vật, phấn đấu hết năm 2023 tổng sản lượng thịt hơi các loạt đạt trên 259,2 nghìn tấn.
Triển khai tốt các chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, trên cơ sở thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 16/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kế hoạch cao điểm thực hiện công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm về chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng mùa khô. Tập trung xử lý các vụ phát, phá rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn. Tổ chức thực hiện trồng cây phân tán theo Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh và trồng 8.000 ha rừng tập trung theo kế hoạch; khai thác rừng trồng đạt 1,0 triệu m³ gỗ các loại.
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Tập trung thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp… phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đề ra trong năm 2023.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…